Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi)

(Baohatinh.vn) - Hôm nay (24/10), Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi). Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Tiến Dũng thay mặt đoàn Hà Tĩnh phát biểu đóng góp ý kiến.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) ảnh 1
Đại biểu Trần Tiến Dũng phát biểu thảo luận tại hội trường

Đại biểu Trần Tiến Dũng cơ bản đồng tình với những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trong báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội và góp ý cụ thể vào một số điều khoản:

Thứ nhất, tại Điều 13, đã quy định cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ các trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc luật có quy định khác. Đề nghị bỏ cụm từ "toàn bộ" vì không chính xác; không thể trong mọi trường hợp đều được bồi thường toàn bộ thiệt hại mà chỉ có thể được bồi thường một phần thiệt hại. Căn cứ vào kết quả xác định yếu tố, nhiều yếu tố khác trong đó có lỗi của các bên gây ra vi phạm đã dẫn tới thiệt hại.

Thứ hai, tại Khoản 2, Điều 28 về quyền thay đổi tên thì quy định việc thay đổi tên cho người từ 19 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

Tại Khoản 4, Điều 29 quy định về xác định lại dân tộc quy định trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người dám hộ của người chưa thành niên, yêu cầu xác định lại dân tộc cho người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi trở lên theo quy định của Khoản 3, điều này thì phải được sự đồng ý của thành viên đó. Đại biểu cho rằng, 2 quyền đó đều là quyền nhân thân của người chưa thành niên, nhưng việc xác định độ tuổi để thực hiện sự đồng ý của người chưa thành niên đó lại khác nhau, từ 9 tuổi trở lên và từ đủ 15 tuổi trở lên là hoàn toàn chưa phù hợp; vì vậy đề nghị xem lại các quy định đó.

Thứ ba, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 60 quy định: "Người giám hộ được thay đổi trong trường hợp người giám hộ đó là cá nhân bị Tòa án tuyên bố mất tích". Theo đại biểu, quy định đó chưa phù hợp, nói đúng hơn là quy định đó chưa đúng với quy định về việc tòa án tuyên bố mất tích. Vì khi tòa án tuyên bố một người mất tích thì người đó có nghĩa là đã biệt tích từ 2 năm trở lên, đó là điều kiện để tòa án tuyên bố một người bị mất tích. Trong trường hợp người giám hộ đã mất tích, đã biệt tích từ 2 năm trở lên thì phải có người thay thế, không phải chờ đến lúc tòa án tuyên bố mất tích mới thay thế. Do đó, đề nghị xem xét lại quy định này và xem xét để chuyển nội dung này sang làm căn cứ để chấm dứt việc giám hộ quy định tại Khoản 1, Điều 62 của dự thảo luật.

Thứ tư, Điều 74 có quy định về các loại pháp nhân thì việc thành lập, hoạt động, tổ chức và chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại nói tại Điều 75 và Điều 76 được thực hiện theo các luật có liên quan. Tuy vậy, ở các Điều 82, 86 của dự thảo luật quy định về thành lập pháp nhân, chấm dứt hoạt động của pháp nhân. Đề nghị xem lại những nội dung quy định ở các điều luật đó để không mâu thuẫn với quy định của các luật khác có liên quan và không gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật dân sự khi luật có hiệu lực thi hành.

Thứ năm, tại Khoản 1, Điều 231 quy định "người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi, giữ và báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại", quy định như vậy chưa chặt chẽ, sẽ gây khó khăn cho việc xử lý hậu quả do lỗi cố tình chậm thông báo cho Ủy ban nhân dân xã để trục lợi cá nhân. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm nội dung "phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân xã nơi người đó cư trú ngay tại thời điểm bắt được gia súc đó", như vậy mới chặt chẽ.

Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 625 về việc lập di chúc được quy định: Người đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập đi chúc. Quy định như vậy là chưa chặt chẽ, dẫn đến hậu quả khó xử lý khi có tranh chấp. Đề nghị bổ sung thêm nội dung để thể hiện việc đồng ý của cha, mẹ người dám hộ phải thể hiện bằng văn bản. Cụ thể, người đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc nếu cha, mẹ dám hộ đồng ý, việc lập di chúc đó phải được lập và thể hiện bằng văn bản.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast