Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận tại tổ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

(Baohatinh.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII, chiều qua (21/5), Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cùng các đoàn: Trà Vinh, Bắc Ninh và Quảng Nam tham gia thảo luận tổ về dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2014 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và thảo luận, góp ý dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam.

Đại biểu Trần Tiến Dũng, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Trần Tiến Dũng, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi thảo luận tổ

Theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII 6 dự án;

Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 như: bổ sung vào chương trình cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; bổ sung vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 dự án Luật Hộ tịch (sửa đổi); bổ sung vào chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 8 dự án Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới; bổ sung vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 các dự án: Luật An toàn thông tin, Luật Thú y, Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật (hoặc nghị quyết) của Quốc hội về cơ chế ưu đãi đối với các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ;

Chuyển từ chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 các dự án: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), rút dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 gồm 31 dự án luật và 2 dự án pháp lệnh được thông qua, 11 dự án luật được cho ý kiến.

Thảo luận về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội, hầu hết các đại biểu đều thống nhất với tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội và đề nghị các dự án luật trình Quốc hội phải đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Đại biểu Trần Tiến Dũng, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và đại biểu Nguyễn Văn Phúc đề nghị việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần tập trung ưu tiên các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước liên quan đến triển khai thi hành Hiến pháp 2013 và các dự án Luật thiết thực, bức xúc liên quan đến đời sống nhân dân.

Các đại biểu cho rằng, thời gian còn lại của nhiệm kỳ quốc hội khoá 13 không nhiều, trong khi dự kiến của Quốc hội về xem xét sửa đổi các dự thảo luật còn khá lớn. Vì vậy, Quốc hội cần xem xét, nghiên cứu và có phương án để tiến hành đưa ra xem xét, thảo luận, sửa đổi những dự án luật quan trọng, có tính cấp bách, những dự luật chưa thực sự cần kíp có thể chuyển sang nhiệm kỳ sau xem xét giải quyết. Có như vậy việc đóng góp ý kiến vào các dự luật mới được đầy đủ, khi ra đời mới luật mới đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Tham gia, đóng góp vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh của quốc hội, các đại biểu Trần Tiến Dũng, Nguyễn Văn Phúc đề nghị trước khi đưa ra trình Quốc hội xem xét, công tác soạn thảo, công tác thẩm định phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, tránh sơ sài, thiếu nghiên cứu kỹ. Cùng với việc xây dựng luật và pháp lệnh, Quốc hội cần chú trọng hơn đến việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, tránh tình trạng luật ban hành nhiều nhưng người dân không nắm rõ luật.

Thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam, theo các đại biểu, việc tiến hành sửa đổi, bổ sung dự luật này là hết sức cần thiết. Hiện luật này có 202 điều, dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung 46 điều, tập trung nhằm đạt mục tiêu tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh hàng không dân dụng, bảo đảm quyền lợi của khách hàng.

Một số đại biểu cho rằng, để đạt được mục tiêu theo tờ trình của Chính phủ, cần xác định rõ vai trò, yêu cầu phát triển hàng không dân dụng trong thời gian tới, nhất là trong mối quan hệ với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không dân dụng.

Việc xây dựng, sử dụng sân bay, cảng hàng không cũng cần được nghiên cứu, tổng kết, đánh giá rõ thực trạng, từ đó có biện pháp quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống sân bay phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh phân tán nguồn lực.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast