Đổi thay trên quê hương Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Đảng bộ và nhân dân Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang nỗ lực phấn đấu vươn lên để làm thay đổi diện mạo huyện lúa, xứng danh là quê hương của Tổng Bí thư Hà Huy Tập.

Kỷ niệm 105 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906-24/4/2011)

Ấn tượng Cẩm Hưng

Cũng như Tùng Ảnh (quê hương Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng), đất thiêng Cẩm Hưng – nơi đúng ngày này cách đây 105 năm (24/4/1906), TBT Hà Huy Tập cất tiếng khóc chào đời - khá thanh bình. Những cánh đồng lúa xanh mướt tháng 4 trải dài ôm bọc làng quê ngút xanh. Những tuyến đường bê tông, nhựa hóa hun hút, bên những ngôi nhà vườn ngói đỏ, cao tầng…

Biển Thiên Cầm mùa du lịch
Biển Thiên Cầm mùa du lịch

Ngoài Khu di tích TBT Hà Huy Tập, Cẩm Hưng còn có một quần thể di tích lịch sử trong vùng như: Miếu Nặc, miếu Bà Chúa Sơn, chùa Kim Nặc và đặc biệt là Động Choác - nơi Tướng Nguyễn Biên lập căn cứ, hợp quân với Lê Lợi chống giặc Minh. Nơi đây còn có miếu Cồn Thờ là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Cẩm Xuyên.

Mảnh đất này càng linh thiêng, khi sau 60 năm xa cách (năm 2009) hài cốt TBT Hà Huy Tập đã được tìm thấy ở Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) và đưa về an táng tại đồi Đồng Lem, cách khu lưu niệm 3 km, giữa bạt ngàn cây xanh, cùng phần mộ của hai cụ thân sinh Hà Huy Tương và Nguyễn Thị Lộc.

Phát huy truyền thống lịch sử, văn hoá của cha ông, hiện nay, Đảng bộ và nhân dân Cẩm Hưng đang nỗ lực phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, cải thiện hệ thống giáo dục, y tế. Điều dễ nhận thấy nhất ở Cẩm Hưng hôm nay là sự đổi thay từng ngày của bộ mặt nông thôn mới: Gần 100% nhà xây mái ngói (60% nhà kiên cố, cao tầng); hệ thống đường nhựa, đường bê tông vào tận thôn cùng ngõ xóm; nhà nào cũng có xe máy, phương tiện nghe nhìn cùng cơ sở vật chất, tiện nghi sinh hoạt hiện đại; các trường học, trụ sở đã tầng hóa; 3/4 trường học và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học đều thi đậu các trường đại học, cao đẳng hay vào học trường nghề...

Thu mua cá ở Cẩm Nhượng ( Cẩm Xuyên)
Thu mua cá ở Cẩm Nhượng ( Cẩm Xuyên)

Mũi nhọn kinh tế nông nghiệp đã có bước chuyển khá vững chắc, khi Cẩm Hưng chuyển đổi ruộng đất lần 2 thành công, gắn với phát triển giao thông nội đồng và kênh mương bê tông. Cẩm Hưng ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư như: hỗ trợ 30% giá cho bà con mua giống mới, hỗ trợ vay vốn đẩy mạnh cơ giới (hiện toàn xã có khoảng 500 máy cày, máy nông cụ). Nhờ đó, năng xuất lúa, cây trồng ở Cẩm Hưng đạt cao với bình quân lương thực đầu người đạt 650 kg/năm.

Cẩm Hưng cũng xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế (chăn nuôi lợn, nuôi trồng thủy sản…) cho thu nhập cao như: mô hình nuôi lợn siêu lạc 200-350 con/lứa của anh Hà Văn Thảo (xóm 7) thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở Đồng Tùng của chị Chu Thị Phiên (xóm 13), anh Nguyễn Đình Hiệu (xóm 1) cho thu nhập 180-200 triệu đồng/ha... Cùng đó là hàng trăm mô hình kinh tế gia trại và trang trại cho thu nhập 20 - 50 triệu đồng/năm, chưa kể các mô hình trồng đào Hưng Thịnh với sự tham gia của gần 100 hộ ở các xóm 7, 8, 9 mà Tết Kỷ Mão vừa qua thu nhập 5 - 30 triệu đồng/hộ…

Phát triển ba vùng kinh tế

Đời sống nông thôn ở quê hương TBT Hà Huy Tập nói riêng và Cẩm Xuyên nói chung thực sự đổi thay kể từ khi Nhà nước đầu tư hệ thống đại thủy nông: Kẻ Gỗ, Sông Rác, Thượng Tuy mà 100% số xóm của huyện lúa được hưởng lợi.

Hôm dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở, tân Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Hữu Duyệt (quê ở xã Cẩm Thăng) ôn nghèo kể khổ: Những năm 70 - 80 thế kỷ trước, 7 lao động chính trong nhà anh thu nhập vụ cao nhất chỉ được 170 kg lúa; mỗi công được chia 0,5 - 0,8 kg lúa. Quanh năm cơm độn khoai, sắn mà không biết no. Gần đến mùa giát hạt phải ăn Lớ (thóc dẹt rang, đâm thành bột - tiếng địa phương) với cua đồng trừ bữa. Năm 1980, khi cưới vợ, anh Duyệt phải “nhắm mắt” nhận 6 kg thóc mà HTX cho vay mừng đám cưới, để mùa sau, vợ chồng anh chịu lãi, phải trả đến 7,2 kg lúa…

Kể từ khi hưởng lợi từ các công trình thủy lợi này, nông dân Cẩm Xuyên thực sự đổi đời. Cùng với cơ chế khuyến khích đầu tư đưa cơ giới, tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhất là các giống lúa lai nên năng suất, sản lượng lúa luôn đạt tốp đầu của tỉnh; bình quân lương thực cả huyện đạt trên 550 - 580 kg/người/năm, mỗi nhà thu hoạch vài ba tấn lúa/năm là chuyện thường ở Cẩm Xuyên. Khái niệm đói ăn, đứt bữa vào mùa giáp hạn không còn nữa.

Sau nông nghiệp, chăn nuôi ở Cẩm Xuyên cũng phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng 46% trong thu nhập từ nông nghiệp của huyện. Nhiều địa phương như: Cẩm Bình, Cẩm Thành… đã hình thành khu chăn nuôi tập trung cùng hàng nghìn gia trại nuôi lợn, gà quy mô từ vài trăm con/lứa. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật: đường, điện, trường, trạm luôn được ưu tiên đầu tư, nhất là vùng trà sơn, vùng biển. Y tế, giáo dục cũng được huyện tập trung phát triển và luôn thuộc tốp đầu của tỉnh về chất lượng…

Bà con nhân dân xã Cẩm Phúc xây dựng giao thông nông thôn
Bà con nhân dân xã Cẩm Phúc xây dựng giao thông nông thôn

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Hải cho biết: Phát huy tiền năng, lợi thế là nằm giữa Khu kinh tế Vũng Áng, mỏ sắt Thạch Khê và TP Hà Tĩnh, huyện lúa đã quy hoạch thành ba vùng phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thứ nhất là vùng đồi núi phía Tây, tập trung phát triển kinh tế vườn đồi, trang trại; trồng rừng kinh tế và phát triển 2.000 ha cao su. Với lợi thế Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và các hồ (Kẻ Gỗ, Sông Rác...) Cẩm Xuyên sẽ đẩy mạnh kết hợp du lịch sinh thái, du lịch biển và nuôi thủy sản.

Thứ hai là vùng đồng bằng dọc theo quốc lộ 1, ngoài cây lúa, tập trung phát triển vùng chuyên canh hoa, rau, màu, cây ăn quả hàng hóa phục vụ cho các Khu kinh tế và đô thị; phát triển các cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ và hình thành các đô thị dọc theo quốc lộ 1A.

Thứ ba là vùng ven biển, đẩy nhanh việc thu hút đầu tư, hình thành khu du lịch biển ở Thiên Cầm; phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ, hải sản, gắn với đánh bắt và chế biến thuỷ hải sản. Ưu tiên hiện nay đối với Cẩm Xuyên là phát triển "tam nông", ổn định đời sống dân sinh và xây dựng nông thôn mới. Cùng đó là thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sau thu hoạch, tiểu thủ công nghiệp và du lịch. Huyện phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành xây dựng NTM cho 5 xã và các xã còn lại hoàn thành 70% tiêu chí NTM...

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Huyên cho biết: Điều quan trọng nhất lúc này cấp ủy đang tập trung chỉ đạo là tổ chức công tác bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp thành công để chọn lựa được những người đại biểu xứng đáng của nhân dân; tập trung sàng lọc đội ngũ cán bộ, kết hợp với công tác đào tạo, bồi dưỡng để có một đội ngũ cán bộ trẻ có tài đức nhằm thực hiện thành công Nghị quyết đại hội Đảng các cấp; huy động các nguồn lực, tập trung xây dựng nông thôn mới...

Chặng đường đi tới của Đảng bộ và nhân dân Cẩm Xuyên tuy còn nhiều khó khăn nhưng cũng mở ra nhiều thời cơ và vận hội mới. Tin tưởng, với truyền thống lịch sử và văn hoá, với những tiềm năng và lợi thế của mình, Cẩm Xuyên sẽ phát triển, xứng đáng là quê hương của TBT Hà Huy Tập.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast