Đồng chí Trần Phú với công tác xây dựng Đảng

(Baohatinh.vn) - Cùng với lý luận về con đường cách mạng Việt Nam, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn về công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trần phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 - 1/5/2014)

Đồng chí đã tranh thủ mọi điều kiện để trang bị lý luận Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện ấu trĩ tả khuynh, hữu khuynh trong Đảng.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng, cuối tháng 12/1930, tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương, đồng chí Trần Phú và Thường vụ Trung ương đã quyết định xuất bản báo Cờ vô sản và Tạp chí Cộng sản với mục đích làm rõ chính sách của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Đông Dương, triển khai tự phê bình và phê bình những sai trái, yếu kém trong công tác Đảng. Đồng chí Trần Phú đã chủ trương khôi phục lại các ban chấp hành xứ ủy, tỉnh ủy; thiết lập mối liên lạc giữa Trung ương và các cấp ủy đảng địa phương; lập ra Ban Tuyên truyền do một đồng chí Ủy viên Thường vụ Trung ương phụ trách.

Đồng chí Trần Phú cùng Thường vụ Trung ương đã sớm nhận rõ: Một điều nguy hại căn bản là trong Đảng chưa nhận thức rõ địa vị của giai cấp trong cách mạng và chức trách của Đảng. Biểu hiện rõ nhất là trong Đảng số chi bộ và đảng viên công nhân còn ít, chưa thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, còn “giữ cái chế độ rời rạc chỉ huy, địa phương tự trị, cá nhân bao biện và độc đoán… kỷ luật Đảng thì nhiều nơi hết sức là lơi lỏng để cho tư tưởng hành động trong Đảng mỗi người một khác, trái lại, có nơi thì thi hành kỷ luật nghiêm khắc một cách vô lý, chỉ dùng mệnh lệnh và dọa nạt

chứ không giải thích gì hết”. Đồng chí Trần Phú cho rằng, những yếu kém đó đều xuất phát từ nhận thức chưa đúng về Đảng và những điều xuất phát từ “đặc tính tiểu tư sản” trong Đảng. Cùng với nhiệm vụ xây dựng năng lực lãnh đạo, Đảng phải đấu tranh chống những biểu hiện tiểu tư sản về tư tưởng, tổ chức và trong hoạt động, tức là chống lại chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa ba phải trong Đảng. Trước tình hình đó, đồng chí Trần Phú xác định nhiệm vụ cần kíp là “Đảng phải thực hành cho được những nhiệm vụ về tổ chức” mà trước hết là phải tăng cường tính chất giai cấp công nhân của Đảng, nhất là trong đội ngũ lãnh đạo.

Mặt khác, hoạt động của Đảng phải tập trung vào chi bộ, làm cho chi bộ phát triển, chủ động trong sinh hoạt chính trị của Đảng và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Qua thực tiễn đấu tranh, số lượng đảng viên tăng nhanh, những ngày đầu mới thành lập (3/2/1930), cả nước có hơn 300 đảng viên thì đầu năm 1931 lên tới 2.400 đảng viên. Nhiều quần chúng yêu nước được giác ngộ qua đấu tranh thời kỳ cao trào cách mạng 1930-1931 đã được kết nạp vào Đảng; ảnh hưởng và uy tín của Đảng trong phong trào quần chúng không ngừng được nâng cao.

Đây là cơ sở quan trọng để ngày 11/4/1931, tại phiên họp thứ 25 Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản lần thứ XI đã quyết định: “Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp, từ nay được công nhận là một chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản”.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast