Giá trị của Hòa bình - Độc lập

38 năm sau khi chiến tranh kết thúc (1975-2013), non sông liền một dải, toàn thể dân tộc Việt Nam lại chung lòng xây dựng cuộc sống mới; nhưng ký ức về cuộc chiến tranh thần thánh thì vẫn mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam. Ngày 30/4 năm nay cũng là dịp để chúng ta nhìn lại, suy ngẫm để hiểu giá trị của hòa bình - độc lập, từ đó thêm quyết tâm đóng góp cho sự phát triển của đất nước, không phụ sự cống hiến, hi sinh của bao thế hệ cha anh...

Đã 41 năm qua nhưng cựu chiến binh Bùi Văn Tiến (Can Lộc) vẫn nhớ như in chiến trường Quảng Trị năm 1972. Mỗi tấc đất Quảng Trị, đặc biệt là Thành Cổ đều chịu hàng tấn bom đạn. Các anh quần nhau với biệt động quân của địch ở khu vực chợ Sãi - nơi ta và địch cách nhau chỉ vài mét và giành giật từng căn nhà, mảng tường đổ. Hàng ngày, trên hầm chốt, bộ đội ta chỉ ăn lương khô và uống nước sông Thạch Hãn. Thỉnh thoảng, cũng có một vài gói cơm nắm khô được chuyển lên chốt, những nắm cơm thấm mồ hôi và máu xương của đồng đội trong quá trình vận chuyển. Vậy mà những người lính và cả dân tộc ta thời khắc ấy phải sống, phải chiến đấu và chiến thắng kẻ thù mạnh hơn ta gấp trăm nghìn lần. Thi thoảng, khi đã im tiếng súng, nhìn khoảng trời xanh qua ô cửa nhỏ của hầm chốt, các anh thầm mong ước về một ngày đất nước hòa bình. Sau này, khi 2 cuốn nhật ký Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm được công bố, chúng ta càng thấy rõ hơn tính cách thanh niên của một thời đại - thời đại lớp lớp những người trẻ tuổi sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc...

Không chỉ ở Quảng Trị, ở đâu trên đất nước Việt Nam in dấu những tháng ngày ác liệt chống đế quốc xâm lược vẫn còn đó một Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, một Củ Chi oai hùng, còn đó một “Miền Đông gian lao mà anh dũng” - nơi đứng chân của Trung ương Cục Miền Nam trong suốt cuộc chiến kẻ thù luôn tìm cách tiến công, tiêu diệt bằng hàng loạt pháo đài bay B-52, những đường mòn Hồ Chí Minh trên đất liền, trên biển ghi dấu những chiến tích oai hùng… đã làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Để có được ngày 30/4, quân và dân ta đã phải đổ biết bao xương máu. Biết bao người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống, trong đó có rất nhiều người còn quá trẻ, không ít người hy sinh ngay trước giờ chiến thắng, trước khi từ giã cõi đời vẫn mong nước nhà hòa bình, thống nhất.

Tất cả cho tiền tuyến
Tất cả cho tiền tuyến

Giống như hàng triệu bà mẹ Việt Nam trên đất nước kiên cường này, mẹ Nguyễn Thị Thứ (Quảng Nam) đón nhận tin đại thắng mùa xuân 1975 bằng niềm vui sướng tột cùng và bằng cả nỗi chờ mong những đứa con đi xa trở về. Thế nhưng, 9 người con trai, 1 người con rể của mẹ đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Mẹ như đứt từng khúc ruột. Mười tấm bằng “Tổ quốc ghi công” chung quanh tấm bằng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được treo trang trọng quây quần bên nhau đã nói lên tất thảy. Hương khói trên bàn thờ tỏa ngát quanh những tấm hình, khiến ai đến đây cũng nước mắt rưng rưng.

Nụ cười chiến thắng bên thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Đoàn Công Tính
Nụ cười chiến thắng bên thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Đoàn Công Tính

Suốt mấy chục năm chiến tranh, có mảnh đất nào, gia đình nào trên đất nước thân yêu hình chữ S này không phải chịu hậu quả? Cái giá mà nhân dân Việt Nam phải đánh đổi để giành lấy hòa bình, độc lập không hề nhỏ nhưng vì chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”, dân tộc ta đã không quản gian khó, không ngại hy sinh, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ để làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Từ thân phận nô lệ, nhân dân ta trở thành người chủ của đất nước Việt Nam, được bạn bè thế giới mến yêu và khâm phục. Đất nước đã độc lập, tự do, non sông thu về một mối, nhân dân ta từ Bắc chí Nam đang chung lòng, chung sức lao động hết mình, xây dựng và phát triển đất nước bền vững. Được sống trong hòa bình, độc lập, chúng ta nhận thức rõ giá trị cuộc sống hôm nay từ những hy sinh vô giá của lớp cha anh đi trước. Hơn ai hết, tuổi trẻ cần phải nhận thức sâu sắc sứ mệnh thiêng liêng của mình là không được làm hoen ố những trang sử vàng của các thế hệ ông cha đã được viết nên bằng máu. Như anh hùng Lý Tự Trọng năm xưa đã chọn con đường cách mạng là đánh đuổi thực dân, giành độc lập dân tộc thì ngày nay tuổi trẻ Việt Nam lòng tự nhủ lòng: hãy giữ vững non sông gấm vóc này trong mọi tình huống và bằng mọi cách làm cho Tổ quốc ngày một phồn vinh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast