Giữ trọn lời thề thiêng liêng

Tròn 40 năm kể từ ngày Bác của chúng ta đi xa. Trái tim lớn luôn cháy bỏng niềm yêu thương nhân dân, luôn khát khao hòa bình độc lập cho non sông đất nước và cho toàn thế giới đã ngừng đập từ 4 thập niên qua. Vậy mà sao hôm nay, trong ngày Thu tháng Tám yên bình của 1 năm cuối thập kỷ đầu tiên thế kỷ XXI, mỗi người dân Việt Nam lại bồi hồi tưởng như mới hôm qua, mới đâu đây!

Có lẽ bởi vì trong những ngày Tết độc lập này, có ai không nhớ không thương vị lãnh tụ đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, người đã mang lại những mùa thu bình yên cho đất nước, để “non song nghìn thuở vững âu vàng”. Người đã ra đi vào chính ngày sinh nhật thiêng liêng của đất nước - ngày Quốc khánh 2-9. Tròn 40 năm Bác “đi vào thế giới người hiền” mà mỗi người dân nước Việt vẫn bắt gặp bóng Bác trong hình sông dáng núi, trong cỏ cây hoa lá bốn mùa, trong sắc cờ bay tháng Tám, trong những bước chân náo nức của đàn em thơ ngày tựu trường. Không ai quên được những lời nói vang lên tha thiết và rung động từ trái tim yêu nước và thương dân của Bác trước giờ phút đi xa:

"Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới"...

Điều mong ước cuối cùng ấy cũng chính là điều mong ước lớn nhất trong cả cuộc đời của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, người cộng sản Nguyễn Ái Quốc, người lãnh tụ Đảng, vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh. Đó là niềm khát khao mãnh liệt, là tiếng gọi thiêng liêng, là động lực tinh thần to lớn để Người có thể vượt qua mọi gian lao khổ cực, gông cùm tù tội, nắng mưa bão tố của cuộc đời để tạo nên hình hài cho đất nước, phấn đấu cho khát vọng tự do, cơm no áo ấm, hòa bình, thịnh vượng của đất nước. Chính vì chưa thực hiện được mong ước lớn ấy khi “tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp” nên từ năm 1965, Người đã bắt đầu viết những lời dặn dò để lại cho toàn dân toàn Đảng. Trong 4 bản Di chúc Bác viết từ năm 1965 đến 1969, Người đã dặn dò nhiều điều về công tác xây dưng Đảng, về cuộc kháng chiến chống Mỹ, về việc hàn gắn vết thương chiến tranh, kiến thiết nước nhà sau khi đánh thắng Mỹ, việc giáo dục thanh niên, về phong trào cách mạng thế giới, về việc riêng…

Ngay trong giờ phút đau thương của toàn dân tộc, đứng trước linh cữu Bác, dưới Quảng trường Ba Đình, hàng triệu cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và toàn dân ta đã thề sẽ thực hiện những lời di huấn thiêng liêng của Người. Trong 5 lời thề dưới tang kỳ, có lời thề cuối cùng: Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ Tịch. Noi gương Người, toàn thể nhân dân ta, thanh niên ta nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ Tịch tới đích cuối cùng.

Nhìn lại 40 năm qua, dù phải trải qua không ít bão táp của thế giới, của đất trời, của lòng người và cả vấp váp hy sinh nhưng ở chặng đường cuối cùng của thập niên đầu tiên thế kỷ XXI, soi lại lời thề với Bác, mỗi người dân Việt Nam có quyền tự hào đã tiếp bước con đường của Bác, thực hiện trọn vẹn tâm nguyện, ước mong của Người trước lúc đi xa: giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đoàn kết xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

Vốn là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, Hà Tĩnh chúng ta đã vinh dự được nhiều lần Bác gửi thư khen ngợi, quan tâm động viên và về thăm vào năm 1957. Trong giờ phút cùng cả nước chìm trong đau thương và mất mát khi được tin Bác Hồ qua đời, Hà Tĩnh đã cử đoàn đại biểu 6 người do đồng chí Nguyễn Xuân Linh - Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Tiến Chương - Chủ tịch ủy ban hành chính tỉnh dẫn đầu đã ra viếng và túc trực bên linh cữu Người, dự lễ truy điệu Bác ở Quảng trường Ba Đình. Ông Nguyễn Tiến Chương nhớ lại: “Cùng với cả nước, chúng tôi đã giơ cao nắm tay thề nguyện thực hiện tốt Di chúc của Bác, làm theo lời dặn của Người: “Phải làm sao cho tình hình Hà Tĩnh nổi bật lên”. Từ đó đến nay đã 40 năm tròn, cùng cả nước, Hà Tĩnh đã vượt qua bao gian khổ hy sinh của cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày thắng lợi, đi lên xây dựng CNXH với một gia tài nghèo nàn và lạc hậu.

Những ngày này, đi trên mọi miền đất quê hương, trong sắc trời tháng Tám trong trẻo và yên bình, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những khu đô thị mới Bắc Nguyễn Du, Phan Đình Phùng, sông Cày, thị trấn Nghèn, thị trấn Hương Khê… đang vươn mình trong dáng dấp trẻ trung và hiện đại. Đường Hồ Chí Minh, tỉnh lộ 5 và huyện lỵ Vũ Quang 10 năm tuổi cùng với công trình thủy lợi thủy điện Ngàn Trươi - Cẩm Trang, thủy điện Hương Sơn... đã làm đổi thay cả một vùng núi rừng miền Tây tỉnh nhà. Những vùng quê như Thiên Lộc, Cẩm Nam, Quang Lộc, Thạch Châu, Cương Gián… đang ngày càng nhiều thêm trên dải đất quê hương. Cảng Vũng Áng đã rộn ràng khu công nghiệp với những chuyến tàu vào ra và những công trình đang vươn giàn giáo, những chuyến xe tấp nập ngày đêm chuẩn bị cho dự án FORMOSA hứa hẹn đổi thay diện mạo của một vùng thượng Kỳ Anh - Đèo Ngang. Cùng với hàng triệu học sinh cả nước, 35 vạn học sinh và giáo viên tỉnh ta đang nô nức bước vào năm học mới trong những ngôi trường khang trang đẹp đẽ với niềm vui kết quả kỳ thi đại học đạt cao và Hà Tĩnh vẫn giữ vị trí tốp đầu trong cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn.

Chúng ta đang giữ trọn lời thề học tâp đạo đức cao cả và sáng ngời của Bác, không ngại gian khổ hy sinh. Mặc dù chặng đường mới còn không ít gian nan thử thách, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Tĩnh vẫn quyết tâm:

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast