Hà Tĩnh đề nghị tổ chức kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du ở cấp quốc gia

(Baohatinh.vn) - Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII tại Hà Nội, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Võ Kim Cự cùng các thành viên trong đoàn đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và lãnh đạo Bộ VHTT&DL.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự: Đề nghị Bộ VHTT&DL quan tâm, tham mưu Ban Bí thư trung ương Đảng, Chính phủ, Ban Tuyên giáo trung ương đưa nội dung tổ chức Lễ kỷ niệm lần thứ 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du vào danh mục kỷ niệm cấp quốc gia năm 2015
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự: Đề nghị Bộ VHTT&DL quan tâm, tham mưu Ban Bí thư trung ương Đảng, Chính phủ, Ban Tuyên giáo trung ương đưa nội dung tổ chức Lễ kỷ niệm lần thứ 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du vào danh mục kỷ niệm cấp quốc gia năm 2015

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đã khái quát tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, trong đó nhấn mạnh, năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng Hà Tĩnh đã đạt nhiều kết quả khá toàn diện.

6 tháng đầu năm 2014, tổng sản phẩm GDP trên địa bàn tăng 12,07% so với cùng kỳ năm 2013 (cao nhất so với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ), thu ngân sách ước đạt 4.057 tỷ đồng (bằng 57% kế hoạch), trong đó: thu ngân sách nội địa ước đạt 2.100 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 1.957 tỷ đồng.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả nổi bật, được Chính phủ đánh giá là điểm sáng của toàn quốc; năm 2013 có 7 xã về đích nông thôn mới và hiện đã xây dựng và phát triển được 2.580 mô hình có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm đến 60 tỷ đồng/năm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội có chuyển biến tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên. Công tác giảm nghèo được triển khai tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,70%. Công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được chú trọng.

Các dự án trọng điểm được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ. Hà Tĩnh nằm trong các tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư và về tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới. Hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư tiếp tục được mở rộng.

Công tác quản lý nhà nước và quy hoạch tổng thể phát triển văn hoá, thể thao, du lịch, gia đình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được chú trọng, hệ thống di tích trên địa bàn được quan tâm trùng tu, tôn tạo và từng bước phát huy hiệu quả. Các di sản văn hóa phi vật thể được nghiên cứu bảo tồn, triển khai phục hồi nhiều lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian… Tỉnh đã và đang phối hợp với tỉnh Nghệ An lập hồ sơ “Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phong trào TDĐKXDĐSVH được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, gắn kết với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò là phong trào thi đua yêu nước rộng lớn, tác động tích cực đến việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn .

Hoạt động du lịch đã tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước, tiếp tục xây dựng một số tua – tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh, tổ chức các tua du lịch sang Lào và Thái Lan bằng đường bộ qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo – Nậm Phào. Kêu gọi và thu hút một số dự án đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ; từng bước chấn chỉnh và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn, hoàn thành công tác điều tra tài nguyên du lịch; triển khai kế hoạch xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Tĩnh…

Hoạt động thể thao về quy mô, chất lượng phong trào thể thao quần chúng ngày càng được nâng cao...

Tuy nhiên, do điều kiện Hà Tĩnh còn là một tỉnh nghèo, đầu tư cho phát triển văn hóa, thể thao và du lịch còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu. Để giúp tỉnh tháo gỡ một số khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đề nghị Bộ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ tỉnh 6 nội dung chính:

1. Đề nghị Bộ quan tâm, tham mưu Ban Bí thư trung ương Đảng, Chính phủ, Ban Tuyên giáo trung ương đưa nội dung tổ chức Lễ kỷ niệm lần thứ 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du vào danh mục kỷ niệm cấp quốc gia năm 2015. Tỉnh đã xây dựng dự thảo kế hoạch, kính đề nghị Bộ cho ý kiến chỉ đạo để tỉnh triển khai sớm.

2. Đề nghị Bộ đồng hành, đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí nâng cấp, chỉnh trang một số hạng mục hạ tầng thiết yếu trong khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du và phục vụ cho các hoạt động kỷ niệm, vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du.

3. Đề nghị Bộ tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An trong việc vận động UNESCO sớm công nhận dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

4. Để sớm đưa Khu du lịch Thiên Cầm đạt các tiêu chí Khu du lịch quốc gia, đề nghị Bộ ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ hạ tầng du lịch hàng năm cho khu du lịch này; đồng thời đưa Khu lưu niệm Nguyễn Du, Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc thành điểm du lịch quốc gia trong chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tạo điều kiện giúp tỉnh tiếp tục tiếp cận và thụ hưởng các dự án ODA, nhất là về văn hóa, du lịch.

5. Ngày 12/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1780/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”, tỉnh Hà Tĩnh đang có kế hoạch xây dựng Nhà văn hóa cho công nhân ở Khu kinh tế Vũng Áng, vì vậy, đề nghị Bộ ủng hộ về mặt chủ trương, đưa vào kế hoạch của Bộ và hỗ trợ kinh phí giúp tỉnh triển khai thực hiện.

6. Hiện trên địa bàn tỉnh có 73 di tích cấp quốc gia, trong đó có nhiều di tích xuống cấp, cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể như: dân ca ví giặm, hò, vè, hát sắc bùa, ca trù, các lễ hội dân gian… đang dần bị mai một nhưng nguồn lực để đầu tư khôi phục còn nhiều khó khăn. Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đề nghị Bộ quan tâm, ưu tiên bố trí tăng nguồn CTMTQG hàng năm để phục vụ chống xuống cấp di tích, khôi phục các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

Sau khi nghe phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Cục, Vụ, Viện có liên quan, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cơ bản nhất trí và ủng hộ tỉnh, giao cho các đơn vị liên quan của Bộ phối hợp với tỉnh để cùng xử lý trong thời gian sớm nhất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast