Hà Tĩnh, những ngày mùa thu lịch sử 1945

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh đã diễn ra rất khẩn trương và thắng lợi nhanh chóng. Chỉ trong một thời gian ngắn từ 16/8 - 21/8/1945, nhân dân Hà Tĩnh dưới sự lãnh đạo của mặt trận Việt Minh đã nhất tề đứng đậy, lật đổ thế lực thống trị của thực dân phong kiến, giải phóng toàn bộ quê hương mình…

Kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Tháng 6/1945, thực hiện chỉ thị của T.Ư, Ban vận động Việt Minh liên tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh họp, quyết định nhiều biện pháp tích cực để khẩn trương chuẩn bị lãnh đạo quần chúng giành chính quyền khi thời cơ đến, đồng thời quyết định triệu tập Đại hội Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh.

Xô Viết Nghệ Tĩnh - cuộc tổng diễn tập giành chính quyền của Cách mạng Tháng Tám 1945

Xô Viết Nghệ Tĩnh - cuộc tổng diễn tập giành chính quyền của Cách mạng Tháng Tám 1945

Đến 15/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa (UBKN) tỉnh được thành lập. UBKN ban hành lệnh khởi nghĩa. Cùng với lệnh khởi nghĩa là lời kêu gọi đồng bào: “Hãy đoàn kết dưới ngọn cờ đỏ sao vàng của Việt Minh, đứng dậy đánh đổ chính phủ việt gian, lập chính quyền nhân dân cách mạng, sẵn sàng lực lượng đối phó với bọn phản động”.

Sau lệnh khởi nghĩa ban hành, UBKN các huyện được thành lập và nhanh chóng thống nhất kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền. Mít tinh, biểu tình, tuần hành vũ trang lôi cuốn hàng vạn người tham gia rầm rộ. Bộ máy chính quyền thực dân phong kiến tê liệt. Thời cơ ngàn năm có một đã đến.

Mở đầu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng là huyện Can Lộc. Sáng 16/8/1945, một nhóm thanh niên cứu quốc đã huy động lực lượng tước vũ khí bọn bảo an, bắt giữ tri huyện và chiếm huyện đường. Ngày 17/8/1945, Việt Minh các tổng, xã, làng đã dồn sức vân động toàn dân nổi dậy giành chính quyền và sang hết ngày 18/8/1945, việc khởi nghĩa giành chính quyền ở các tổng, xã, làng trong huyện đã hoàn thành thắng lợi. UBND cách mạng lâm thời được thành lập rộng khắp các làng, xã, tổng trong huyện.

Ngày 17/8/1945, UBKN ở phân khu Nam Hà đã ra lệnh cho UBKN 2 huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà khởi nghĩa giành chính quyền. Quần chúng nhân dân với giáo mác, gậy gộc, cờ đỏ sao vàng từ 4 phía đổ về vây đồn Trường. Tên đồn trưởng phải lệnh cho binh lính hạ vũ khí đầu hàng. Quần chúng kéo về huyện lỵ mở cửa nhà lao giải phóng tù nhân, tuyên bố thành lập UBND lâm thời huyện. UBND cách mạng lâm thời huyện Cẩm Xuyên do đồng chí Nguyễn Hữu Thái làm Chủ tịch.

Ở Thạch Hà, tháng 6/1945, tại Đan Chế, BCH Việt Minh lâm thời huyện đã được thành lập gồm 7 đồng chí do đồng chí Phan Nguyên Trị làm Bí thư. Từ đó, Việt Minh, tự vệ các xã được thành lập. Ngày 17/8/1945, BCH Việt Minh huyện tổ chức cuộc họp đại biểu Việt Minh tại xã Phù Việt. Cuộc họp bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền và bầu ra UBKN huyện, do đồng chí Phan Thao làm Chủ tịch. UBKN ra lệnh cho các xã Phù Việt, Ngọc Lụy, Ngọc Điền, Đan Chế… huy động quần chúng vũ trang kéo về giành chính quyền huyện. Trước áp lực mạnh mẽ của lực lượng cách mạng, chính quyền địch ở huyện nhanh chóng sụp đổ. Ngày 20/8/1945, tại sân vận động TX Hà Tĩnh, đồng chí Phan Thao, thay mặt Việt Minh huyện tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng Thạch Hà trong tiếng hô vang khẩu hiệu của hàng ngàn quần chúng nhân dân.

Ở TX Hà Tĩnh, ngày 14/8/1945, Việt Minh thị xã bí mật tổ chức mít tinh tại Trường Tiểu học Pháp - Việt để nghe đại diện Việt Minh nói chuyện tình hình thế giới, trong nước và thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 16/8/1945, không khí chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền rầm rộ, náo nức khắp nơi. Trước khí thế cách mạng của nhân dân, kẻ địch vô cùng hoảng sợ, gần như nằm im bất động. Ngày 18/8/1945, Tỉnh trưởng Hà Văn Đại xin rút lui và ký giấy giao nộp vũ khí, sổ sách, giấy tờ, tiền quỹ cho Việt Minh. 9h sáng cùng ngày, nhân dân thị xã từ khắp các ngả đường ở các xã Đại Nài, Trung Tiết, Đại Tiết và các xã lân cận thuộc huyện Thạch Hà phối hợp tổ chức biểu tình với hàng ngàn người kéo về sân vận động thị xã chào mừng thắng lợi Cách mạng tháng Tám. Thị xã đỏ rực cờ hoa và rạng người những khuôn mặt. Ngày 25/8/1945, chính quyền nhân dân cách mạng lâm thời TX Hà Tĩnh được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Tám làm Chủ tịch.

Mít tinh tổng khởi nghĩa ở Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội 19/8/1945

Mít tinh tổng khởi nghĩa ở Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội 19/8/1945

Theo sự phân chia của Việt Minh liên tỉnh, Nghi Xuân thuộc phân khu Vinh - Bến Thủy. Ngày 14/8/1945, Việt Minh Nghi Xuân đã tổ chức hội nghị đại biểu Việt Minh toàn huyện tại nhà cụ Lê Duy Hy xã Xuân Viên. Hội nghị thảo luận, bàn biện pháp đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị đã bầu ra UBKN Nghi Xuân gồm 7 đồng chí do đồng chí Lê Tĩnh làm Chủ tịch. Chiều 19/8/1945, hàng ngàn người dân các tổng Phan Xá, Xuân Viên, Đan Hải cùng với nhiều lực lượng tự vệ chỉnh tề đội ngũ, giương cao cờ đỏ sao vàng từ các ngả đường rầm rộ kéo về huyện lỵ mít tinh. Chính quyền cũ từ hào lý, bang tá, mật thám, quan lại, viên chức đứng đầu là Nguyễn Dữ phải giao nộp triệu đồng, sổ sách giấy tờ, vũ khí, công quỹ… Tại buổi mít tinh, đồng chí Lê Tĩnh tuyên bố: “kể từ giờ phút này chính quyên thuộc về tay nhân dân”.

Tại Đức Thọ, dưới sự chỉ huy của Việt Minh, 2h chiều 18/8/1945, UBKN huyện do đồng chí Mai Trọng Đạn làm Chủ tịch đã vận động nhân dân các xã trong huyện nhất tề đứng dậy, nổi trống mõ liên hồi, giương cao cờ đỏ sao vàng, rầm rộ tuần hành khắp các ngả đường trong huyện. Bọn Nhật ở thị trấn Đức Thọ hoảng sợ, bọn lính ở đồn Linh Cảm quay súng trở về với nhân dân. 4h chiều cùng ngày, quần chúng khắp nơi trong huyện tập trung tại đình Đông Thái, đồng chí Mai Trọng Đạn trịnh trọng tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Ngày 20/8/1945, một cuộc mít tinh lớn chưa từng có được tổ chức tại chợ Giấy. Trước hàng vạn người, giữa không gian rực rỡ băng cờ, biểu ngữ, trong tiếng reo hò vang dội, UBKN huyện trịnh trọng giới thiệu danh sách UBND cách mạng lâm thời huyện Đức Thọ do đồng chí Hồ Văn Ninh làm Chủ tịch.

Tại huyện Kỳ Anh, 10h ngày 18/8/1945, được tin việc giành chính quyền ở tỉnh đã thắng lợi, UBKN huyện nhận định thời cơ đã chín muồi và tập trung lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa. 12h cùng ngày, nhân dân vùng Voi kéo đến tập trung ở Yên Hạ nghe Việt Minh huyện truyền đạt mệnh lệnh khởi nghĩa, xong rầm rộ kéo về huyện đường. Đoàn biểu tình càng lâu càng đông. Khắp nơi vang rền tiếng hô: “Việt Nam độc lập muôn năm”, Việt Minh muôn năm”. Chính quyền cũ buộc phải tan rã, tri huyện nộp ấn tín, sổ sách giấy tờ cho cách mạng. UBND cách mạng lâm thời huyện được thành lập gồm 3 đồng chí do đồng chí Nguyễn Nhạ làm Chủ tịch.

Ngày 19/8, UBKN huyện Hương Sơn vận động quần chúng biểu tình biểu dương lực lượng rồi kéo đến chiếm đồn bảo an, giành chính quyền ở huyện. Trước khí thế mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, quân Nhật ở đồn Ferey phải rút về Vinh. UBKN do đồng chí Trần Đình làm Chủ tịch, phân công người xuống địa phương tiếp tục thúc đẩy việc giành chính quyền ở tổng, xã, thôn.

Ba ngày sau, sáng 21/8/1945, UBKN huyện Hương Khê do đồng chí Nguyễn Tuy làm Chủ tịch đã tổ chức quần chúng tước vũ khí của binh lính đồn Chu Lễ, tiếp quản huyện lỵ. Sau khi giành chính quyền ở huyện, UBKN lãnh đạo các xã nhanh chóng tổ chức giành chính quyền cấp xã. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hương Khê, đánh dấu mốc thắng lợi trọn vẹn của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn tỉnh.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh đã diễn ra rất khẩn trương và thắng lợi nhanh chóng. Chỉ trong một thời gian ngắn từ 16/8 - 21/8/1945, nhân dân Hà Tĩnh dưới sự lãnh đạo của mặt trận Việt Minh đã nhất tề đứng đậy, lật đổ thế lực thống trị của thực dân phong kiến, giải phóng toàn bộ quê hương mình. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh chứng tỏ sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân, là kết tinh truyền thống yêu nước của nhiều thế hệ nhân dân. Thắng lợi đó là bước tạo đà để Hà Tĩnh bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc.

.................................................................

(Bài viết sử dụng tư liệu trong “Lịch sử Hà Tĩnh, tập 1; NXB Chính trị Quốc gia; 2000; Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh; tập 1; NXB Chính trị Quốc gia; 1993; Lịch sử Đảng bộ các huyện: Nghi Xuân, Can Lộc; Thạch Hà, thị xã Hà Tĩnh, Kỳ Anh, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Nghi Xuân và lời kể của một số cán bộ cách mạng lão thành).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast