Hiệp định Paris – Chiến thắng của bản lĩnh Việt Nam

Cùng với những mốc son chói lọi trên mặt trận quân sự, cách mạng Việt Nam còn có những trang sử sáng ngời được đánh dấu bằng mốc son trên mặt trận ngoại giao. Trong đó, Hiệp định Paris năm 1973 là một chiến tích đặc biệt đã khép lại những mất mát, đau thương và mở ra cho dân tộc Việt Nam một tương lai tươi sáng. Mỗi mùa xuân đi qua, cả đất nước lại ôn lại lịch sử với niềm tự hào sâu sắc…

Hiệp định Paris gồm 4 bên Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa tham gia đàm phán và đi đến ký kết tại Paris ngày 27/1/1973.

Tuy là 4 bên nhưng thực chất tiếng nói của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu khi đó đối với Mỹ không có giá trị còn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là 1 và đều đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.

Sách lược tiến hành đàm phán "tuy một mà hai, tuy hai mà một" đã được hai đoàn của ta vận dụng nhuần nhuyễn, khéo léo trong suốt cả quá trình đàm phán tại hội nghị Paris. Trong đó, sự phân công, phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa hai đoàn trong toàn bộ quá trình đàm phán, thể hiện rõ từ việc xác định đấu pháp cho từng thời kỳ, từng phiên họp cho đến việc đưa ra sáng kiến về giải pháp tại diễn đàn công khai hay tại các cuộc gặp riêng. Từ những bài phát biểu của các trưởng đoàn ta trong Hội nghị cho đến việc tranh thủ dư luận trong các cuộc họp báo của những người phát ngôn; từ các hoạt động đàm phán của hai đoàn tại Paris cho đến những hoạt động ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân trên mọi lĩnh vực mọi trận tuyến đã góp phần to lớn vào kết quả của hội nghị. Đó là cả một quá trình đấu tranh lâu dài, kiên định và vô cùng bản lĩnh của chính phủ và nhân dân Việt Nam.

NQ13 Đại hội BCH TƯ Đảng khẳng định: "Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định giành thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động".

Phái đoàn ngoại giao của ta đến Paris với tinh thần và bản lĩnh ấy. Thực hiện sự chỉ đạo và vận dụng thành công sách lược "vừa đánh vừa đàm", kết hợp đàm phán với vận động dư luận thế giới và phối hợp với chiến trường để từng bước củng cố thế trận đàm phán, ngoại giao Việt Nam đã vận dụng và kết hợp ba nhân tố: chiến trường, hậu phương quốc tế và đàm phán trực tiếp với Mỹ, để không chỉ cải thiện so sánh lực lượng, mà còn tạo chuyển biến có lợi cho cuộc đàm phán tại Paris.

Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần để lại nỗi đau thương cho toàn dân tộc. Cách mạng Việt Nam mất đi vị lãnh tụ sáng suốt, tuy nhiên tinh thần đấu tranh, thái độ đấu tranh mà Người chỉ dẫn vẫn tiếp tục được thực hiện trên bàn đàm phán Paris…

Khi chiến sự diễn ra căng thẳng thì cuộc đấu trí giữa các bên, đặc biệt là giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và trợ lý Tổng thống Mỹ Kissinger càng quyết liệt. Để hỗ trợ cho thắng lợi trên bàn đàm phán, từ năm 1971, Việt Nam chủ trương tiến hành những chiến dịch lớn. Và việc làm thất bại âm mưu của địch trong chiến thắng tại Thành cổ Quảng Trị tháng 7/1971 đã hỗ trợ ta rất nhiều trên bàn đàm phán.

Theo đồng chí Trần Viết Tân, nguyên Đại sứ, nguyên Thư ký Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì sau thất bại ở Quảng Trị, ta đã nhận định: Có thể phía Mỹ sẽ chuyển văn bản, xuyên tạc tình hình, vu cáo ta và chuyển qua đường thư ký. Trưởng đoàn ta chủ trương kiên quyết không nhận văn bản của phía Mỹ. Nhận định đó đã hoàn toàn đúng vào phiên họp ngày hôm sau. Điều này thể hiện cách xử lý linh hoạt nhưng kiên quyết của phái đoàn ta trong đấu tranh giành từng chút thắng lợi.

Trên bàn đàm phán, ý chí kiên định và lập luận sắc bén của ta cũng là một thứ vũ khí khiến Mỹ phải khuất phục. Câu chuyện sau đây là một ví dụ. Trong một cuộc gặp riêng, cố vấn Henry Kissinger đưa ra một cuộn băng và một tấm ảnh để chứng minh sự “xâm lược” của quân đội miền Bắc vào miền Nam và đề nghị: “Tôi đồng ý rút nhưng mà các anh cũng phải rút”. Phản bác lại yêu cầu của cố vấn Mỹ, ta lập luận, nếu đặt giả thuyết bang Washington bị ngoại xâm, người của bang New York đến cứu bang Washington, hành động này sao có thể xem là “xâm lược”. Và rằng “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.

Trước lập luận sắc bén này, phía Mỹ lâm vào thế bí và dư luận thế giới lại thêm hiểu về bản chất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Phẩm chất ấy còn được phát huy trong việc nhận định, tiên đoán về tâm lý, âm mưu của địch trong những sự kiện ở trong nước và quốc tế về sau để giữ vững lập trường then chốt là quân đội Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam có quyền ở lại chiến trường miền Nam.

Cuộc đàm phán có thể đã kết thúc vào đầu tháng 12/1972 nhưng bất ngờ Mỹ lật lọng, ngày 18/12/1972 Ních – xơn ra lệnh ném bom huỷ diệt Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương lân cận bằng máy bay F-111 và "pháo đài bay" B-52, với mục đích ép Việt Nam phải chấp nhận điều kiện của Mỹ tại đàm phán Paris. Đáp trả lại hành động đó, quân và dân ta đã đấu tranh kiên cường, biến cuộc đấu tranh 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội thành trận Điện Biên Phủ trên không giáng một đòn quyết định buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh và đồng ý ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Trong lịch sử đấu tranh của nhân dân ta, chưa bao giờ có cuộc đàm phán nào kéo dài như tại Hội nghị Paris. Từ ngày 15-3-1968 đến ngày 27-1-1973 (4 năm, 8 tháng, 14 ngày) với 202 phiên họp công khai và 24 đợt gặp riêng mới đi đến kết thúc. Trong quá trình đàm phán đó phía Mỹ luôn tìm cách lật lọng tình hình nhưng ta luôn kiên định mục tiêu của mình, biết chọn thời cơ và ngã bài đúng lúc.

40 năm đã trôi qua nhưng những bài học lịch sử sâu sắc từ bàn đàm phán Paris vẫn còn nguyên giá trị. Một bản lĩnh Việt Nam kiên cường, kiên định, đanh thép nhưng không kém phần mềm mại, linh hoạt vẫn được phát huy trong thời đại mới. Những bài học kết hợp về đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự và ngoại giao không bao giờ cũ đối với công cuộc giữ nước của dân tộc ta, Đảng ta và nhân dân ta…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast