Hồ Chí Minh - Nhân cách văn hóa lớn

(Baohatinh.vn) - Từ chỗ hấp thụ được các giá trị văn hóa của dân tộc và tinh hoa văn hóa phương Đông, trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tìm hiểu kỹ và học hỏi được rất nhiều ở văn hóa Pháp nói riêng và văn hóa phương Tây nói chung. Quá trình tích lũy các nguồn văn hóa đã đưa Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng của sự giao thoa văn hóa Đông - Tây, đưa hoạt động chính trị của Người trở thành giá trị văn hóa mang tầm nhân loại. Đúng như nhà báo Xô viết O.Man-đen-xtam đã nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai” (1).

Kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015)

Hồ Chí Minh - Nhân cách văn hóa lớn ảnh 1
Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng. Ảnh tư liệu

Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa cộng sản bắt nguồn từ văn hóa yêu nước, bởi vậy, khi bắt gặp “Dự thảo luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, Người đã reo lên: “Con đường cứu nước là đây rồi!”, đây chính là bước ngoặt đưa Người đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin để giải phóng đồng bào mình: “Tôi kính yêu Lê-nin vì Lê-nin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình” (2).

Người tìm thấy ở chủ nghĩa Mác – Lê-nin mục đích giải phóng con người là sự thống nhất giữa văn hóa - con người - phát triển, là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực. Đó chính là triết lý nhân văn của Hồ Chí Minh nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Sự lựa chọn mục tiêu lý tưởng chính trị của Người là kết quả của quá trình tích lũy văn hóa; từ tri thức, kinh nghiệm kết hợp với truyền thống dân tộc và các giá trị tinh thần, tư tưởng nhân đạo để ứng xử trước tình thế cách mạng của dân tộc và thời đại. Đó chính là nhân cách văn hóa mang tính phổ quát và độc đáo ở Hồ Chí Minh.

Nhận rõ sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, Người đã hoạt động không mệt mỏi để thức tỉnh, tổ chức, tập hợp, đoàn kết quần chúng, tranh đấu giành tự do, độc lập. Hồ Chí Minh xem việc thức tỉnh quần chúng là nhiệm vụ có tính tiên quyết nên Người luôn coi trọng lĩnh vực tuyên truyền cách mạng, trong đó, văn hóa - văn nghệ là công cụ được Người sử dụng một cách thường xuyên. Người kêu gọi: “Văn hóa phải soi sáng cho quốc dân đi”, “Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự quyền, tự chủ”, “Phải xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc”(3).

Hồ Chí Minh - Nhân cách văn hóa lớn ảnh 2
Bác Hồ trò chuyện cùng đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên cầu ao sen, khu vườn Tỉnh ủy Hà Tĩnh ngày 15/6/1957. Ảnh tư liệu

Hồ Chí Minh quan niệm về con người mới, cán bộ mới rất nhân văn và thức thời. Người nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đảng chú trọng đến nhân tố văn hóa đạo đức trong nhân cách của người cán bộ, đảng viên làm cách mạng. Từ đó, Người đã thu hút hiền tài; đã đào tạo, phát hiện, tập hợp một thế hệ thanh niên yêu nước đi theo con đường cách mạng; đã cảm hóa được nhiều nhân tài, đưa họ vào hàng ngũ cách mạng phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Tiêu biểu như các nhân sĩ, trí thức Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố; các nhà khoa học Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng... Đó là trí tuệ, bản lĩnh của một vị lãnh tụ chiến lược, là tinh thần khoan dung, nhân ái của một nhân cách văn hóa lớn, tất cả đều hướng tới lợi ích tối cao của nhân dân và dân tộc.

Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính trị với văn hóa; là sự tỏa sáng của tài năng chính trị với đạo đức, phong cách và năng lực sáng tạo văn hóa. Người là nhà chính trị, nhà hoạt động cách mạng, đồng thời, là biểu tượng của một nhân cách văn hóa lớn. Hồ Chí Minh không chỉ đã khai phá ra con đường giải phóng dân tộc, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân mà chính Người đã tự nguyện dấn thân vào cuộc đấu tranh gian khổ, nguy hiểm với tất cả nghị lực phi thường được hun đúc từ tâm hồn, trí tuệ, niềm tin để cảm hóa, thuyết phục, thu phục con người thuộc mọi đối tượng, mọi tầng lớp, lứa tuổi, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc.

Nhân cách của lãnh tụ Hồ Chí Minh mang tính thời đại, nhưng trong đó chứa đựng dáng dấp một nhà hiền triết phương Đông. Ở Người toát lên sự thanh cao, giản dị, không bị ham muốn vật chất làm vẩn đục tâm hồn; không để sự hy sinh, tù đày lao khổ làm nhụt chí khí, giảm tinh thần lạc quan. Nhân cách đó có sức tỏa sáng và quy tụ triệu triệu con người, ngay đến kẻ thù cũng phải nể phục. Cuộc đời hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh là một chỉnh thể kết tinh những gì ưu tú, tốt đẹp nhất của trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm con người và bản sắc văn hóa Việt Nam. Người đã để lại cho nhân dân ta không chỉ ở tấm gương sáng để học tập, mà còn là một nhân cách văn hóa lớn trường tồn trong kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam.

_________

(1) (2) (3). Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 1995 T.1 tr.35, tr.10 tr.128, T.6 tr.173

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast