Hồ Chí Minh triết lí sau lời giản dị

(Baohatinh.vn) - Nói đến Hồ Chí Minh là nói đến phong cách gần dân, ngay cả ngôn ngữ cũng lấy dân làm trung tâm để tìm cách diễn đạt phù hợp.

Tiếp thu tinh hoa các nền văn hóa Đông - Tây, từ Nho giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo đến quan điểm dân chủ và tiến bộ phương Tây, quan điểm của Mác – Ăng-ghen, Lê-nin, Hồ Chí Minh hiểu rõ về khát vọng, quyền sống của con người. Tuy nhiên, để chuyển tải thông điệp ấy, ẩn đằng sau là ý thức kêu gọi sự bình đẳng, Người lại phát ngôn ngắn gọn: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Hay khi muốn biểu lộ tư tưởng về xã hội dân chủ, tiến bộ, văn minh, Người bộc bạch chân thành ham muốn “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Nhưng, hơn ai hết, Người nhìn thấy được chiều sâu cho sự giải phóng tận gốc con người, đó là sự giải quyết những nhu cầu thiết thực trước mắt: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Khi nói về tinh thần vị tha, khoan dung, tinh thần thương yêu, che chở, Người nhìn bàn tay: “Năm ngón tay cũng có ngón dài ngón ngắn. Nhưng ngắn dài đều hợp lại trên nơi bàn tay…”. Hay nói về việc trau dồi đạo đức cách mạng, loại trừ chủ nghĩa cá nhân, Người nói nôm ra về biểu hiện cá nhân: “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”.

Để khuyên về thực hành đạo đức cách mạng, Người chỉ rõ thực chất: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển, củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Hay khi nói về sự đoàn kết nhất trí trong Đảng (không thể tách rời sự tự ý thức, tự rèn luyện của mỗi đảng viên), Người diễn giải: “phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” v.v...

Tiếp xúc trực tiếp với nhiều lí luận, nhưng ấn tượng để lại sâu đậm nhất đối với Hồ Chí Minh là lí luận của Mác - Lênin. Chính quan điểm thực tiễn: “Vấn đề tìm hiểu xem tư duy con người có thể đạt tới được chân lí hay không hoàn toàn không phải là vấn đề lí luận mà là vấn đề thực tiễn” (C.Mác) đã góp phần hình thành ở Hồ Chí Minh tư tưởng, tác phong luôn gắn với thực tiễn. Thực tiễn này bao gồm tình hình cụ thể, sự đòi hỏi của cách mạng và đặc điểm sử dụng ngôn ngữ của người Việt. Bởi vậy, khi chuyển tải tư tưởng, kêu gọi các tầng lớp tham gia làm cách mạng, Người đã diễn đạt bằng ngôn ngữ đời thường.

Nói về đoàn kết, Người hồn nhiên: “Hòn đá to/ Hòn đá nặng...”, hay: “Ong kia yêu giống thương nòi/ Đồng tâm hiệp lực đuổi loài cáo đi”. Nói về ý chí của thanh niên và thúc giục họ, Người làm thơ ngũ ngôn: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Nói về niềm tin vào tương lai, Người sử dụng ngôn ngữ Truyện Kiều: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” v.v...

Xuất phát từ tư tưởng và quan niệm như trên, khi phát ngôn (lời nói trực tiếp và lời nói thông qua văn bản: thơ văn, bài báo, bài phát biểu), Hồ Chí Minh đã sử dụng với mức độ đậm đặc chất liệu dân gian. Đó là: các triết lí của cha ông (về đoàn kết, lòng yêu Tổ quốc, tình thân ái); hình ảnh của những vị vua, tướng lĩnh, hiền triết quen thuộc (vua Hùng, Quan Công, Trương Dực Đức, Khổng Tử); cách diễn đạt của truyền thống người Việt (thích nói có vần vè, đăng đối, lặp lại, nói lái, dùng thơ), cách nói nôm na “Khổ lắm ắt là đến lúc vui”, “chặt phứa, chém nhào”. Ngay cả khi gửi tâm tình cho Đảng, cho dân, Người cũng sử dụng lối văn nhẹ nhàng, trong sáng, giản dị mà tha thiết: “Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thương yêu...”.

Bên cạnh các đặc điểm ngôn ngữ như trên, Hồ Chí Minh còn rất chú trọng phát âm. Người luôn sử dụng giọng nói Xứ Nghệ nhưng các thanh điệu rất chuẩn, tuyệt đối không có sự vay mượn tiếng vùng miền khác trong phát ngôn như xu hướng của nhiều người ở Nghệ An, Hà Tĩnh gần đây.

Hiện nay, cán bộ, đảng viên và toàn xã hội đang ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là phong cách quần chúng. Để làm được điều đó, thiết nghĩ, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự “coi mình là người bình thường”, sâu sát người dân, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó tìm cách diễn đạt cho người dân dễ hiểu nhất, tuyệt đối không vận dụng lí luận khi nói với người dân, đồng thời chú trọng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast