Hoàn thiện cơ chế giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng

Ngày 4/12, tại thành phố Hà Tĩnh, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Dự án hỗ trợ thực hiện chính sách của Canada (PIAPIII) và tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo “Hoàn thiện cơ chế giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng”. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội và 17 tỉnh, thành phía bắc. Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đinh Xuân Việt, Chủ tịch UBND tỉnhVõ Kim Cự. Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình chủ trì hội thảo.

Phát biểu chào mừng Hội thảo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự thay mặt lãnh đạo tỉnh báo cáo khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trong thời gian qua cũng như những triển vọng, cơ hội và thách thức trong việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà những năm tiếp theo. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự nhấn mạnh, bên cạnh việc tập trung các nguồn lực phát triểm kinh tế - xã hội, Hà Tĩnh luôn xem công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ trong tâm và xuyên suốt.

PGS. TS Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên Thường trực UB Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và Nhi đồng của Quốc hội: Việc phát hiện và xử lý tham nhũng trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục còn bộc lộ nhiều hạn chế. Số vụ việc tham nhũng trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục được phát hiện và xử lý là quá nhỏ và hoàn toàn không tương xứng với thực tế, khi mà tham nhũng trong các lĩnh vực này đang có xu hướng phát triển và đang trở thành một vấn nạn rất lớn của đất nước. Điều nàu cho thấy, công tác phòng chống tham nhũng, phát hiện và xử lý tham nhũng trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục ở Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và cần được giám sát chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Cùng với việc hoàn thiên cơ chế giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tham nhũng đến tận cơ sở. Hà Tĩnh đã tổ chức tập huấn về công tác phòng chống tham nhũng cho hơn 34 vạn lượt người. Thông quá các chủ trương, nghị quyết của tỉnh, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng chống tham nhũng, từng bước nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với quá trình đấu tranh, bài trừ tham nhũng… Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện 17 vụ tham nhũng, xử lý 46 đối tượng có liên quan

Tại hội thảo, đa số các ý kiến cho rằng, thời gian mặc dù các cấp, ngành liên quan đã có nhiều cố gắng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả hoạt động giám sát đã phát huy vai trò của các cơ quan hữu quan trong công tác phòng chống tham những, góp phần đẩy lùi và hạn chế nạn tham nhũng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, số vụ việc, số người liên quan đến tiêu cực và tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp. Tham nhũng còn len lỏi vào cả những lĩnh vực như nhân đạo, cứu trợ xã hội, gây bức xúc, bất bình trong xã hội.

Tiến sỹ Phạm Ngọc Kỳ - Văn phòng Chủ tịch nước. Nâng cao năng lực, phẩm chất cho người hoạt động trong lĩnh vực giám sát, phát hiện và xử lý tham nhũng. Suy cho cùng, cơ chế giám sát, phát hiện và xử lý tham nhũng đều bắt nguồn từ yếu tố con người. Chúng ta có xây dựng được cơ chế, chính sách tốt đến mấy đi chăng nữa thì việc thực hiện cũng phải do con người, do đó cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người tham gia hoạt động giám sát. Người tham gia hoạt động giám sát, phòng chống tham nhũng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng và trình độ chuyên môn cao. Đối tượng bị giám sát, phòng chống tham nhũng thường là những người có chức, quyền và có trình độ. Vì vậy cùng với việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giám sát, chúng ta phải có chính sách bảo vệ những người hoạt động trong lĩnh vực giám sát, phòng chống tham nhũng.

Gần 20 ý kiến đã được trình bày tại hội thảo xoay quanh những vấn đề đang được quan tâm hiện nay như: cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng tiêu chí đánh giá tình hình tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng; những vẫn đề đặt ra trong nghiên cứu, hoàn thiện phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; thực trạng và giải pháp giám sát phòng chống và xử lý hành vi tham nhũng trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thanh niên và nhi đồng; Hoàn thiện phạm vi, thẩm quyền, phương thức, trình tự nội dung tiêu chí thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; Mối quan hệ giữa Ủy ban Tư pháp với UB Thường vụ Quốc hội, thanh tra Chính phủ; Thực tiễn giám sát phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế và sử dụng các quỹ bảo hiểm, ủng hộ người nghèo và các quỹ khác thuộc chức năng của Ủy ban về các vấn đề xã hội…vv.vv. Trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, khoa học về thực trạng trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay, các đại biều cũng đã đề xuất những giải pháp, nội dung liên quan nhằm hoàn thiện cơ chế giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng một cách hiệu quả.

TS. Đỗ Văn Đương - Ủy viên thường trực UB Tư pháp. Công tác giám sát, phát hiện tham nhũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn

Nhìn vào trường hợp của Tập đoàn Vinashin, năm 2009-2010, tập đoàn này đứng trước bờ vực phá sản, nợ phải trả đến 86 nghìn tỷ đồng, nợ đến hạn phải trả là 14.000 tỷ đồng. Năm 2011, tình trạng tương tự diễn ra với công ty hàng hải Vinaline. Nhiều tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành hiệu quả thấp, gây mất vốn nhà nước. Có những doanh nghiệp lỗ thật, lãi giả mà lương vẫn cao. Có những doanh nghiệp khi đòi tăng giá sản phẩm thì báo lỗ, nhưng khi cổ phần thì báo lãi… từ thực tế này, câu hỏi đặt ra là tại sao những sai phạm của doanh nghiệp nhà nước âm ỉ, kéo dài nhiều năm lại không bị phát hiện? Ai là người chịu trách nhiệm trong việc này? Tại sao đã có nhiều cuộc thanh tra, giám sát tài chính của các đơn vị khác nhau nhưng không hiệu quả, phải chăng do yếu về năng lực chuyên môn hay thiếu vị trí pháp lý độc lập, hay cũng tiêu cực, tham nhũng, bao che?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast