Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống

Ngày25-9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (9-1949 - 9-2009). Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh dự và phát biểu ý kiến.

Ðến dự có, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, các đồng chí: Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Hà Thị Khiết, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư và một số đại biểu quốc tế. Nguyên Tổng Bí thư Ðỗ Mười gửi lẵng hoa và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư chúc mừng.

Tại buổi lễ, GS, TS Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên T.Ư Ðảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đọc diễn văn nêu bật những mốc quan trọng của Học viện trong 60 năm xây dựng, trưởng thành cùng sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Ðảng, của dân tộc và những thành tựu, đóng góp chủ yếu của Học viện cũng như một số kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình nói trên và mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh nhiệt liệt biểu dương những thành quả xây dựng, phát triển và những đóng góp to lớn của Học viện trong sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc suốt 60 năm qua, góp phần thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng". Học viện đã theo sát và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Ðảng trong các thời kỳ cách mạng, đào tạo, bồi dưỡng hàng chục vạn cán bộ trung, cao cấp của Ðảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, hàng nghìn thạc sĩ, tiến sĩ của các chuyên ngành lý luận chính trị, khoa học hành chính và một số ngành khoa học xã hội khác. Ðồng thời, coi trọng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận và thực tiễn, nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá cao, có giá trị thiết thực, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới của Học viện, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh chỉ rõ:

Một là, với tư cách là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, Học viện cần chú trọng đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, CNH, HÐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Yêu cầu hàng đầu trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Học viện là phải trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, những vấn đề của khoa học chính trị và khoa học hành chính.

Mặt khác, phải hết sức coi trọng trang bị về phương pháp và năng lực tư duy sáng tạo, hướng vào giải quyết những vấn đề cấp bách do thực tiễn cuộc sống và những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng đặt ra. Cần suy nghĩ thấu đáo và thực hành một cách nghiêm túc chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn, giữa học và hành. Chú trọng tăng cường hơn nữa việc nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng của người cộng sản. Các đồng chí cán bộ các ngành, các địa phương về học tại Học viện cần biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, chú trọng rèn luyện về mọi mặt, để khi tốt nghiệp có bước trưởng thành rõ rệt, thật sự là những cán bộ lãnh đạo, quản lý có tầm trí tuệ cao, có phương pháp đúng đắn và gương mẫu về mọi mặt, xứng đáng là những công bộc của nhân dân...

Hai là, quán triệt sâu sắc yêu cầu mới về công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Một trong những nội dung cơ bản nhất trong xây dựng Ðảng là không ngừng nâng cao nhận thức, tư tưởng và trình độ lý luận của Ðảng, nhất là trong điều kiện Ðảng cầm quyền. Trong thời gian tới, Học viện cần có những đóng góp tích cực, xứng đáng hơn vào công tác lý luận của Ðảng, hướng vào việc làm sáng tỏ hơn nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; trước mắt là đóng góp vào nhiệm vụ bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 của Ðảng để trình Ðại hội lần thứ XI của Ðảng ta. Ðặc biệt là phải tổng kết lý luận xây dựng CNXH từ thực tiễn Việt Nam, nhất là từ thực tiễn của công cuộc đổi mới.

Công tác nghiên cứu khoa học của Học viện còn cần phải tập trung vào việc tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận về hệ thống chính trị, về nội dung, phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Ðảng, về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và nhiều vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống. Ðội ngũ cán bộ của Học viện phải tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, chủ động phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Ba là, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học những năm tới đặt ra rất lớn và nặng nề, đòi hỏi Học viện phải chú trọng nhiều hơn nữa việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là lực lượng cán bộ nghiên cứu và giảng dạy. Cần có kế hoạch bồi dưỡng và phát huy tốt nhất lực lượng cán bộ đáng quý hiện có, đồng thời có chiến lược cán bộ dài hạn để tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Học viện. Ðặc biệt, cần phải coi trọng việc rèn luyện nâng cao bản lĩnh và phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cho đội ngũ cán bộ của mình...

Nhân dịp này, thay mặt BCH Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã trao tặng Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh bức trướng mang dòng chữ: "ÐOÀN KẾT, ÐỔI MỚI, PHẤN ÐẤU VÌ SỰ NGHIỆP ÐÀO TẠO CÁN BỘ VÀ NGHIÊN CỨU LÝ LUẬN".

Nguồn: Báo Nhân dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast