Hội khoa học lịch sử Đại hội nhiệm kỳ 2012-2017

Hội Khoa học lịch sử Hà Tĩnh vừa tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2012-2017. Giáo sư, Viện sĩ, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đinh Xuân Việt; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thiều Đình Duy; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Quốc Vinh, cùng các nhà nghiên cứu lịch sử địa phương, đại biểu của các ngành liên quan tới dự.

Hội KHLS Hà Tĩnh được thành lập theo Quyết định số 1371 ngày 13-11-1993 của UBND tỉnh Hà Tĩnh và hoạt động theo điều lệ của Hội KHLS Việt Nam.

BCH Hội KHLS Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2012-2017 ra mắt
BCH Hội KHLS Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2012-2017 ra mắt

Sau một thời gian hoạt động, 3 trong 5 thành viên của BCH, người nghỉ hưu theo chế độ, người luân chuyển công tác, BCH không được kiện toàn, bổ sung nên không duy trì hoạt động được. Mặc dù vậy, hoạt động của hội viên vẫn được duy trì gắn với công tác chuyên môn trên các lĩnh vực. Nhiều công trình nghiên cứu, đề tài khoa học, nhiều ấn phẩm về sử học, KHXHNV, di sản văn hóa liên tục ra đời và được đánh giá cao. Điển hình như các công trình: Lịch sử Hà Tĩnh (tập 1,2); lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh (tập 1,2,3); lịch sử MTTQ tỉnh Hà Tĩnh; lịch sử phong trào phụ nữ Hà Tĩnh; di tích danh thắng Hà Tĩnh, địa chí các huyện Nghi Xuân, Can Lộc…

Đối với cấp huyện, đến nay, đã biên soạn, hoàn chỉnh lịch sử Đảng bộ của 9/12 huyện, thị, thành. Một số huyện còn tổ chức biên soạn lịch sử ngành…

Cùng với việc ra đời của hàng loạt ấn phẩm, nhiều hoạt động khác gắn với hoạt động nghiên cứu Sử học cũng được triển khai thực hiện qua các mảng đặc thù của các hội viên Hội KHLS như nhóm nghiên cứu địa phương học ngoài các công trình chung về KHXH&NV và văn nghệ dân gian còn tập trung mảng đề tài sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn các công trình địa chí các huyện, thị, xã, phường, làng cổ gắn với các lễ hội truyền thống của các địa phương; khối Di sản văn hóa tập trung vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, xây dựng hồ sơ xếp hạng các di tích cấp tỉnh và quốc gia, tu bổ, phục hồi, nâng cấp các di tích LSVH, tổ chức nhiều cuộc sưu tầm, trưng bày, tọa đàm, hội thảo khoa học với các chuyên đề về KHLS địa phương…

Đặc biệt, mảng Giáo dục và Đào tạo có lực lượng hội viên đông đảo nhất, được dào tạo cơ bản và phân bổ đều khắp các địa phương, là lực lượng nòng cốt truyền bá và giáo dục kiến thức lịch sử cho thế hệ trẻ. Trong thời gian qua, các hội viên lịch sử ngành giáo dục đã tập trung cải tiến phương pháp giảng dạy, bổ sung kiến thức và đưa vào chương trình giảng dạy những kiến thực lịch sử địa phương cho học sinh, giúp học sinh nắm vững lịch sử dân tộc cũng như lịch sử truyền thống của địa phương. Ngoài chương trình giảng dạy, ngành Giáo dục và Đào tạo còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ quê hương Hà Tĩnh, về lãnh tụ và các danh nhân nổi tiếng; tổ chức sân chơi bổ ích và thiết thực như chương trình “Rạng rỡ Hồng Lam” cho học sinh PTTH và PTCS…

Trong nhiệm kỳ tới, Hội KHLS tập trung một số nhiệm vụ chính: Củng cố và mở rộng hệ thống tổ chức Hội của tỉnh, khôi phục lại hệ thống Hội ở các huyện, thị, thành phố và các đơn vị trực thuộc; tuyên truyền, phổ biến điều lệ Hội KHLS Việt Nam trong toàn bộ lực lượng hoạt động liên quan đến KHLS; phối hợp tốt với các cơ quan liên quan để tổ chức lực lượng tham gia có hiệu quả vào hoạt động tư vấn, phản biện, thẩm định các công trình nghiên cứu , xuất bản liên quan đến KHLS; tập hợp lực lượng tham gia nghiên cứu, biên soạn lịch sử để giúp các địa phương, đon vị có nhu cầu viết lịch sử truyền thống…

GS Phan Huy Lê: Hà Tĩnh còn nhiều nội dung, đề tài cần được Hội KHLS tổ chức nghiên cứu, tìm tòi và làm sáng rõ...
GS Phan Huy Lê: Hà Tĩnh còn nhiều nội dung, đề tài cần được Hội KHLS tổ chức nghiên cứu, tìm tòi và làm sáng rõ...

Phát biểu tại Đại hội, Giáo sư, Viện sĩ Phan Huy Lê cho rằng Hội KHLS Hà Tĩnh thành lập khá sớm và đã có những đóng góp quan trọng cho lịch sử Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Tuy nhiên, Giáo sư cũng bày tỏ băn khoăn về sự gián đoạn trong hoạt động của Hội trong thời gian qua. Giáo sư mong muốn, qua Đại hội lần này, Hội KHLS Hà Tĩnh kiện toàn lại tổ chức, tập hợp một cách rộng rãi nhất những người làm sử học và liên quan trên địa bàn tỉnh, xây dựng đội ngũ qui cũ; biết vận dụng điều lệ, tôn chỉ mục đích của Hội KHLS Việt Nam cụ thể trong điều kiện tỉnh Hà Tĩnh; chủ động đề xuất những đề tài, dự án cần thiết đề nghị tỉnh tạo điều kiện triển khai.

Đặc biệt, Hội cũng cần phối hợp với ngành giáo dục nâng cao chất lượng học và dạy môn lịch sử trong nhà trường, cải tiến và nâng cao chất lượng dạy và học để thế hệ trẻ có niềm đam mê lịch sử. Giáo sư cũng nhấn mạnh, Hà Tĩnh là tỉnh có bề dày và nội dung lịch sử phong phú, đa dạng, có những nét độc đáo. Nhân dân Hà Tĩnh không chỉ là ra lịch sử mà còn rất yêu thích lịch sử. Đây là điều kiện thuận lợi để Hội KHLS Hà Tĩnh phát huy vai trò, chức năng của Hội, hướng tới xây dựng Hội trở thành Hội đặc thù.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Trưởng Ban Tuyên giáo Đặng Quốc Vinh cũng đánh giá cao sự đóng góp của Hội KHLS Hà Tĩnh trong thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, hoạt động của Hội gián đoạn nhưng các hội viên Hội KHLS vẫn âm ỉ hoạt động không mệt mỏi và đã cho ra đời nhiều ấn phẩm tốt, góp phần quan trọng xây dựng lịch sử Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.

Trưởng Ban Tuyên giáo nhấn mạnh: Đại hội lần này đã khép lại một thời kỳ khủng hoảng, mở ra một thời kỳ mới cho Hội KHLS Hà Tĩnh. Thay mặt BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo đề nghị Hội bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ XVII của tỉnh; Nghị quyết XI của Trung ương; Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Hội KHLS Việt Nam; về điều lệ của Hội và tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của giáo sư Phan Huy Lê để triển khai hoạt động, chăm lo xây dựng tổ chức Hội ngày càng lớn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast