Hội nghị trực tuyến toàn quốc phòng chống Covid-19: Nhiều bài học kinh nghiệm quý từ thực tiễn

Lãnh đạo các địa phương tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng 29/5 đều ủng hộ mạnh mẽ các giải pháp, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, đồng thời phân tích và rút ra các bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn phòng chống dịch.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc phòng chống Covid-19: Nhiều bài học kinh nghiệm quý từ thực tiễn

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những ngày qua, các địa phương, nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TPHCM đã dồn lực cho công tác chống dịch, tăng cường năng lực phòng chống dịch trong tất cả các khâu từ điều tra, truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị… với nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt.

Đưa doanh nghiệp trở lại sản xuất

Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Quang Thái cho biết đến nay chưa phát hiện ổ dịch mới, năng lực xét nghiệm và lấy mẫu đảm bảo tốc độ truy vết. Công tác hậu cần phục vụ xét nghiệm, điều trị cơ bản đảm bảo.

Hiện nay Bắc Giang đã chuẩn bị các cơ sở điều trị với năng lực tiếp nhận 5.500 bệnh nhân, vận hành 1 đơn vị điều trị tích cực với 50 giường và đang lập thêm 1 đơn vị điều trị tích cực 100 giường, có khả năng nâng lên 150 giường.

Toàn tỉnh có 282 khu cách ly tập trung với năng lực tiếp nhận 24.000 người, đã sử dụng 174 khu với khoảng 15.000 người; đang triển khai dự phòng nâng công suất tiếp nhận lên 30.000 người.

Sau khi tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp (KCN), tỉnh Bắc Giang đã lập 35 tổ rà soát, đánh giá các điều kiện, nguy cơ để quay trở lại sản xuất của 231/310 DN. Theo đó có 34 DN ít nguy cơ, 15 DN nguy cơ thấp, 40 DN nguy cơ trung bình, 60 DN nguy cơ rất cao. Tỉnh đang hướng dẫn DN hoàn thiện các điều kiện để hoạt động trở lại nhưng phải bảo đảm an toàn, nhất là các DN nằm trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đối với các DN sản xuất linh kiện điện tử, làm việc môi trường kín, tỉnh đã hướng dẫn DN chia nhỏ các khu sản xuất, các nhóm sản xuất ở cùng nhau, sinh hoạt cùng nhau, đi cùng xe để có nguy cơ thì khoanh được ngay, theo mô hình “công nhân an toàn, sản xuất an toàn, DN an toàn”.

Bắc Giang đã triển khai tiêm vaccine ưu tiên cho tuyến đầu chống dịch, công nhân tại DN đang hoạt động.

Thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục làm sạch các ổ dịch, rà quét định kỳ 3 ngày/lần đối với khu có nguy cơ cao, đặc biệt khu phong toả, cách ly; tiếp tục sàng lọc diện rộng ở các địa bàn chưa có nguy cơ; hướng dẫn các DN khôi phục sản xuất, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine…

Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết hiện nay tỉnh đang tập trung mọi biện pháp quyết liệt nhất để xử lý các ca nhiễm lây từ cộng đồng vào DN sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, bảo vệ bằng được hoạt động sản xuất.

Đơn cử như xã Phương Liễu (huyện Quế Võ) có 35.000 người thì 23.000 người là công nhân, mật độ rất lớn, nếu không làm tốt ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng, DN thì hậu quả khôn lường.

Đến thời điểm hiện tại, năng lực cách ly của Bắc Ninh khoảng 20.000 người, cơ sở điều trị đáp ứng được 1.500 giường, trong đó điều trị tích cực từ 50 đến 100 giường. Công suất xét nghiệm đạt khoảng hơn 30.000 mẫu PCR mẫu gộp mỗi ngày và sẽ được nâng lên hơn 40.000 mẫu; đồng thời sử dụng xét nghiệm nhanh sàng lọc trong KCN, các điểm nguy cơ cao trong cộng đồng…

Tỉnh yêu cầu tất cả các DN phải xây dựng các phương án đảm bảo an toàn dịch bệnh, giãn cách lao động, phân luồng lao động, tổ chức ca kíp, khai báo y tế… để duy trì sản xuất. Đến nay, khoảng 700 DN với 240.000 lao động sẽ thực hiện phương án duy trì sản xuất, những DN không đáp ứng được sẽ tạm dừng hoạt động.

Đặc biệt, tỉnh đã tập trung chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch COVID-19 từ công tác xét nghiệm, cài đặt phần mềm Bluzone, khai báo y tế điện tử toàn dân (đã đạt 70% dân số); tạo lập QRCode của DN cập nhật lên hệ thống an toàn COVID (antoancovid.vn), lập tổ phân tích thông tin để truy vết, đánh giá, dự báo những khu vực có nguy cơ cao…

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, bài học lớn nhất là phải làm tốt công tác cách ly, phong toả để dịch không lây ra cộng đồng, ra các địa phương khác. Bắc Ninh sẽ kiên trì thực hiện vừa sản xuất, vừa chống dịch với các giải pháp đồng bộ, cụ thể.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc phòng chống Covid-19: Nhiều bài học kinh nghiệm quý từ thực tiễn

Phiên họp được tổ chức trực tuyến tới UBND tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quận, huyện, thị xã có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Ảnh VGP/ Nhật Bắc

Tránh cả hai khuynh hướng như lưu ý của Thủ tướng

Tại Hội nghị , Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã bình tĩnh, chủ động, xử lý linh hoạt các giải pháp chống dịch trên địa bàn, hơn 10 chùm ca bệnh xuất hiện từ đầu tháng 5 về cơ bản đã được kiểm soát và làm sạch.

Thành phố triển khai hàng loạt giải pháp phù hợp với tình hình như kiểm soát chặt chẽ người ra vào các công sở, tăng cường hội nghị trực tuyến, kiểm soát công nhân từ nơi sản xuất tới nơi lưu trú, phát huy vai trò các tổ COVID cộng đồng, xử phạt hơn 4.000 trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền 7,2 tỷ đồng…

Thực hiện quyết định rất kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã tăng thêm 70% phụ cấp cho lực lượng chống dịch; đồng thời lên phương án “nuôi quân nhiều ngày”, huy động hơn 1.000 sinh viên y khoa và bác sĩ đã nghỉ hưu sẵn sàng tham gia chống dịch. Thành phố cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương, xét nghiệm mỗi ngày 10.000 mẫu cho Bắc Giang và 5.000 mẫu cho Bắc Ninh.

“Với trách nhiệm và sự gương mẫu, Hà Nội khẳng định đã và sẽ kiểm soát tốt tình hình trong mọi tình huống, tránh cả hai khuynh hướng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và hoảng hốt, bị động như lưu ý của Thủ tướng”, Chủ tịch Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Chủ tịch Hà Nội nêu các bài học kinh nghiệm, đó là phải huy động tổng lực cả hệ thống chính trị vào cuộc, giao trách nhiệm tới tận bí thư chi bộ, tổ dân phố; khi có ca mắc thì kích hoạt toàn bộ lực lượng chống dịch theo công thức “48 giờ vàng” để truy vết F0; thực hiện triệt để nguyên tắc khoanh vùng hẹp, quản lý chặt, xét nghiệm rộng và phải phát huy vai trò của cơ sở, của tổ COVID cộng đồng; thực hiện “3 trước” là đánh giá tình hình trước, chuẩn bị phương án, kịch bản trước, phát hiện, hành động trước.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ 18/5 tới nay đã ghi nhận 4 chuỗi lây nhiễm. Trong đó, 2 chuỗi lây nhiễm liên quan công ty ở quận 3 và quán bánh canh tại quận 3 đều đã được điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để. Chuỗi lây nhiễm liên quan hội thánh truyền giáo Phục Hưng hiện đã điều tra, truy vết gần 1.000 F1 và 37.000 F2. TPHCM đang mở rộng truy vết để xác định chuỗi lây nhiễm thứ 4 tại Bệnh viện Hoàn Mỹ có liên quan đến chuỗi lây nhiễm hội thánh truyền giáo Phục Hưng hay không.

TPHCM nhận định nguy cơ lây nhiễm rất cao tại các tòa nhà văn phòng kín và đây là mối lo lớn cho trung tâm kinh tế, công nghệ như TPHCM. Thành phố sẽ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, giữ mức độ cảnh giác cao nhất với dịch bệnh, xử lý nghiêm mọi vi phạm; mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề phải chủ động phòng thủ; nâng mức cảnh giác tại các bệnh viện, KCN; quản lý chặt các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà; tăng cường quản lý các hoạt động tôn giáo, đẩy mạnh truyền thông để mỗi người tự nhận thức bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng… Nâng công suất cách ly lên khoảng 30.000 người; tổ chức tiêm vaccine đợt 3 đúng tiến độ với 73.000 liều…

Áp dụng triệt để, linh hoạt các biện pháp giãn cách xã hội

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh, 10 ngày gần đây nhất không có ca nhiễm trong cộng đồng. Đà Nẵng đã xét nghiệm xong toàn bộ công nhân làm việc trong các KCN, bàn giao cho DN. Kể từ ngày bàn giao công nhân, chủ DN phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu xảy ra tình hình dịch bệnh như tạm dừng sản xuất, chịu toàn bộ chi phí phòng chống dịch bệnh, bị xử lý theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, Đà Nẵng tiếp tục duy trì xét nghiệm sàng lọc khoảng 20.000 người/ngày, siết chặt một số biện pháp ngăn dịch xâm nhập từ bên ngoài.

Bài học của Đà Nẵng là sự chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. Chủ động được nguồn lực từ vật tư y tế, sinh phẩm, lực lượng truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, cơ sở cách ly, điều trị. Đà Nẵng áp dụng triệt để nhưng linh hoạt các biện pháp giãn cách xã hội, không cực đoan, theo nguyên tắc truy vết nhanh, khoanh vùng hẹp, xét nghiệm rộng. Việc xử lý các tình huống dịch bệnh trong KCN phải nhanh, khoanh kịp thời trong vòng 24 giờ. Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, đặc biệt là khai báo kiểm soát người ra vào KCN bằng quét mã QRCode.

Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Trần Lưu Quang nhấn mạnh phương châm phòng chống dịch của thành phố là nhanh hơn, cao hơn một cấp độ so với khuyến cáo của ngành Y tế với sự đồng thuận của DN, người dân. Lãnh đạo ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai sót trong phòng chống dịch. Không để thiếu nguồn lực trong phòng chống dịch, vận dụng tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Xác định KCN là khu vực trọng điểm, đến nay Hải Phòng đã xét nghiệm 22% số công nhân tại các KCN và sang tuần tới sẽ nâng lên 50%.

Theo Hà Văn - Đình Nam/baochinhphu

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast