Hội thảo về Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi

(Baohatinh.vn) - Trong 2 ngày 14 - 15/8, tại TP Hà Tĩnh, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) với sự tham dự của đại diện ngành tòa án các tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế...

Bí thư Trung ương Đảng - Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình và Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì hội thảo.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu với hội thảo
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu với hội thảo

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, TAND tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 vừa qua.

Luật gồm 11 chương và 91 điều với nhiều nội dung quan trọng được bổ sung, chỉnh sửa. Theo kế hoạch tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, hiện nay, TAND tối cao đang tổ chức các hội thảo, phối hợp với Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Tại hội thảo lần này, các đại biểu tham dự sẽ tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng như: Tòa án thực hiện quyền tư pháp; nguyên tắc tổ chức của TAND; việc đảm bảo để thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nhiệm vụ phát triển án lệ của TAND tối cao; về quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao; nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; việc thành lập Tòa án giản lược trong cơ cấu tổ chức của TAND; nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án quân sự; các ngạch thẩm phán và phương thức tuyển chọn thẩm phán...

Tại hội thảo, lãnh đạo Tòa án nhân dân Hà Tĩnh tham luận một số nội dung như: Dự thảo luật cần quy định có biện pháp đảm bảo cho TAND thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp mới và định hướng cải cách tư pháp; Điều 5 của Dự thảo luật quy định "TAND được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính" thì chỉ nên quy định "TAND được tổ chức theo thẩm quyền xét xử" là phù hợp; cần làm rõ mối quan hệ lãnh đạo, quản lý của Chánh án TAND đối với thẩm phán, hội đồng xét xử để hạn chế các tác động tiêu cực của việc chỉ đạo về đường lối xét xử, mức án trong các vụ án cụ thể, làm ảnh hưởng đến việc độc quyền xét xử...; nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án TAND cấp tỉnh cần được quy định như luật hiện hành là có quyền kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND sơ thẩm; trong giai đoạn hiện nay không nhất thiết phải thành lập Tòa giản lược ở tất cả các tỉnh thành mà chỉ cần quy định thủ tục rút gọn trong các luật tố tụng do các Tòa chuyên trách xét xử...

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình cung cấp một số thông tin quan trọng, cơ bản về tình hình phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN và hoạt động xét xử trên địa bàn thời gian qua, đồng thời cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao đối với ngành tòa án Hà Tĩnh.

Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục hỗ trợ, theo dõi, động viên để Hà Tĩnh nói chung và ngành tòa án nói riêng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast