Hướng dẫn thành lập tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tại DN

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2014/NĐ-CP quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Về việc thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp

Theo Nghị định, doanh nghiệp có từ 3 người lao động là đảng viên chính thức trở lên đủ điều kiện thành lập tổ chức Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việc thành lập và hoạt động tổ chức Đảng tại doanh nghiệpđược thực hiện như sau: Nếu doanh nghiệp đã có tổ chức Đảng, tổ chức Đảng tại doanh nghiệp tiến hành rà soát số người lao động là đảng viên đang làm việc ổn định từ 12 tháng trở lên trong doanh nghiệp đang sinh hoạt đảng ở nơi khác và đề nghị cấp ủy đảng cấp trên chuyển số người lao động là đảng viên đó về sinh hoạt tại tổ chức Đảng của doanh nghiệp.

Hướng dẫn thành lập tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tại DN ảnh 1
Ảnh minh họa

Với doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở nơi doanh nghiệp hoạt động tiến hành rà soát khi có đủ từ 3 người lao động là đảng viên chính thức đang làm việc ổn định từ 12 tháng trở lên trong doanh nghiệp đang sinh hoạt đảng ở nơi khác, tiến hành chuyển số đảng viên đó về tổ chức Đảng cấp trên cơ sở, phối hợp với doanh nghiệp làm các thủ tục thành lập tổ chức Đảng ở doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp chỉ có 1 hoặc 2 người lao động là đảng viên chính thức, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở chuyển số lao động là đảng viên đó về tổ chức Đảng cấp trên cơ sở, quyết định lập chi bộ ghép hoặc phân công đảng viên của tổ chức Đảng cấp trên cơ sở về sinh hoạt và lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp; chi bộ ghép có trách nhiệm thực hiện công tác phát triển đảng ở doanh nghiệp, khi có đủ 3 người lao động là đảng viên chính thức làm việc cùng doanh nghiệp, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở quyết định thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp chưa có người lao động là đảng viên, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở chỉ đạo cấp ủy đảng cơ sở nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, phân công cấp ủy viên, đảng viên có kinh nghiệm phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn, kết nạp đảng viên, khi đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở quyết định thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp.

Chậm nhất sau 6 tháng thành lập doanh nghiệp có công đoàn

Theo Nghị định, doanh nghiệp có từ 5 đoàn viên công đoàn, hoặc người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam, đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Nghị định nêu rõ, chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, công đoàn địa phương, công đoàn ngành, công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất phối hợp cùng doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể lao động.

Sau thời gian quy định trên, nếu doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn, công đoàn cấp trên có quyền chỉ định Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời của doanh nghiệp để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể lao động.

Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay, việc thành lập tổ chức chính trị (tổ chức Đảng), các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đã được quy định trong các bộ luật chung và luật chuyên ngành nhưng đa số các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn ngước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, việc thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội còn rất hạn chế.

Nguyên nhân cơ bản là do trong các luật chưa có các quy định cụ thể, chi tiết và thiếu chế tài thực hiện việc này. Do đó, khi người lao động có nhu cầu và đủ điều kiện để thành lập tổ chức, đề nghị doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hướng dẫn, thành lập gặp khó khăn, vướng mắc.

Vì vậy, Nghị định quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là cơ sở pháp lý quan trọng hướng dẫn doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm thực hiện và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong việc hướng dẫn, tạo điều kiện thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục hoàn thiện pháp luật để doanh nghiệp phát triển bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Theo VGP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast