Khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIII

(Chinhphu.vn) Sáng 20/10), Quốc hội Khóa XIII bắt đầu họp kỳ thứ 2, làm việc trong hơn 27 ngày nhằm xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về lập pháp, phát triển kinh tế-xã hội…

> Phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội (tải về tại đây)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Kỳ họp - Ảnh Chinhphu.vn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Kỳ họp - Ảnh Chinhphu.vn

Kỳ họp có sự tham dự của 500 đại biểu, diễn ra từ ngày 20/10-26/11/2011.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả quan trọng.

Tuy nhiên tình hình trong nước và quốc tế tiếp tục xuất hiện thách thức mới… Từ bối cảnh trên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng chúng ta phải có quyết tâm rất cao, các giải pháp thích hợp bảo đảm thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nỗ lực đạt kết quả tốt hơn trong cuối năm 2011, tạo tiền đề vững chắc cho năm 2012 và những năm tiếp theo.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nhóm nội dung quan trọng.

Quốc hội sẽ xem xét một số báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, ngân sách, chương trình mục tiêu quốc gia, quy hoạch sử dụng đất, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

Quốc hội sẽ thông qua 5 dự án luật, cho ý kiến về 13 dự án luật.

Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại khu kinh tế, làng nghề; xem xét một số báo cáo kết quả giám sát; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất một số nội dung về đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng làm việc của Quốc hội báo cáo Quốc hội để thực hiện ngay trong Kỳ họp này.

Sau bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủvề Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011- 2015; Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2011 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012.

Sau đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp này.

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội nhận được 1.026 ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước. Các cử tri cho rằng, trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và sự điều hành của Chính phủ, kinh tế tiếp tục phát triển, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Các cử tri cũng kiến nghị tập trung vào một số vấn đề gồm sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, giáo dục và đào tạo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Quốc hội cũng nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra các Báo cáo kinh tế- xã hội nói trên của Chính phủ.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản tán thành với Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 2006- 2010 và năm 2011 cũng như việc xây dựng các chỉ tiêu cho kế hoạch phát triển KT-XH 2011- 2015.

Trong giai đoạn 2006- 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7%, mặc dù thấp hơn kế hoạch đề ra nhưng vẫn là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và thế giới. Nước ta cũng hoàn thành hầu hết các mục tiêu thiên niên kỷ cam kết với quốc tế; kết quả giảm nghèo nhanh được thế giới đánh giá cao; ổn định chính trị, xã hội được giữ vững, vị thế đất nước được nâng cao.

Trong năm 2011, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8% - 6%, những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô trong những tháng đầu năm 2011 bước đầu đã chuyển biến theo hướng tích cực. An sinh xã hội về cơ bản được bảo đảm, nhất là ở khu vực nông thôn.

Trong 5 năm tới, Ủy ban Kinh tế nhất trí với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phát triển KT-XH của Chính phủ trong thời gian tới và đề nghị Chính phủ tập trung vào các giải pháp chủ yếu như tái cơ cấu kinh tế cần gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục chính sách khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.

Củng cố mạng lưới an sinh xã hội với 3 nội dung: an sinh về việc làm, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng bảo trợ xã hội. Tăng cường bảo vệ môi trường, tăng cường tiềm lực an ninh- quốc phòng và phòng chống hiệu quả tham nhũng, lãng phí…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast