Khẩn trương điều chỉnh luật để phù hợp Hiến pháp mới

(Baohatinh.vn) - Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất, mọi văn bản pháp luật phải phù hợp với Hiến pháp, không được mâu thuẫn với Hiến pháp. Vì vậy, sau khi Hiến pháp (sửa đổi) 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước cũng sẽ sớm được trình Quốc hội thông qua nhằm thống nhất, hoàn thiện về tính pháp lý.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Mặc dù quan điểm chỉ đạo của Đảng là chỉ sửa những gì thực sự cần thiết và nói chung không thay đổi các nguyên tắc cơ bản cũng như mô hình tổ chức bộ máy nhà nước, vận hành quyền lực. Thế nhưng, không vì vậy mà công tác sửa đổi các luật lại không được thực hiện. Bởi cho dù có sửa Hiến pháp hay không thì việc hoàn thiện thể chế để bộ máy vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn vẫn là việc cần làm, đang và sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện.

Có thể thấy rằng, về tổ chức bộ máy là một vấn đề lớn nên việc sửa các luật liên quan sẽ chủ yếu phục vụ cho hoạt động của Nhà nước trong nhiệm kỳ tới. Vì thế, phải khẩn trương dự thảo các luật sửa đổi hay ban hành mới để kịp trình Quốc hội thông qua, đảm bảo cho Hiến pháp sớm đi vào cuộc sống, mang tính khả thi cao nhất.

Có nhiều nội dung pháp luật phải thay đổi để phù hợp với Hiến pháp, trong đó, luật về chính quyền địa phương sẽ phải sửa nhiều nhất, khó khăn nhất. Hiến pháp chỉ hiến định các vấn đề mang tính nguyên tắc, tư tưởng, còn việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, ở các cấp, các khu vực đô thị, nông thôn thế nào… sẽ phải bàn tiếp để đưa vào luật. Việc này lại liên quan tới cuộc thí điểm không tổ chức HĐND mà tới đây phải tổng kết, đánh giá. Nói chung, đây là vấn đề khó nhất và sẽ tác động tới cả mô hình tổ chức cơ quan tư pháp theo các quan điểm có tổ chức theo mô hình tòa án khu vực, theo cấp xét xử hay không và lộ trình, bước đi thế nào…

Nhằm đáp ứng sự cần thiết của việc xây dựng, sửa đổi các quy định pháp luật phù hợp với Hiến pháp 2013, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII thông qua 11 luật gồm: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Đầu tư công, Luật Hải quan (sửa đổi); Luật Phá sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi); Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Đồng thời, Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 16 dự án luật là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch.

Có thể khẳng định, việc Hiến pháp, luật chậm đi vào cuộc sống là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có cả Quốc hội, Chính phủ và các ngành liên quan. Vì thế, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ sớm thông qua, ban hành các văn bản pháp luật sửa đổi phù hợp với Hiến pháp và Chính phủ sẽ nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast