Kiểm soát quyền lực nhà nước trong Hiến pháp

(Baohatinh.vn) - Hiến pháp sửa đổi đã hình thành một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ phía nhân dân bằng các hình thức dân chủ trực tiếp. Việc quy định Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và Tòa án nhân dân (TAND) là cơ quan thực hiện quyền tư pháp - Hiến pháp đã tạo cơ sở xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong bộ máy nhà nước.

Thể chế quan điểm về kiểm soát quyền lực nhà nước, Hiến pháp sửa đổi khẳng định chủ thể kiểm soát quyền lực nhà nước là nhân dân. Tại Điều 2, Hiến pháp sửa đổi khẳng định bản chất của nhà nước ta là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Nhà nước là của nhân dân, người dân phải là người chủ kiểm soát quyền lực nhà nước của mình. Từ sự khẳng định nguồn gốc, bản chất của Nhà nước, Hiến pháp sửa đổi tại khoản 3, Điều 2 đã bổ sung một nguyên tắc mới: kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Từ quan điểm nói trên, Hiến pháp đã xác nhận nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến, Quốc hội không còn là thiết chế duy nhất có quyền lập hiến như hiến pháp hiện hành. Khi nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến thì nhân dân là chủ thể kiểm soát quyền lực nhà nước. Vì thế, Hiến pháp sửa đổi đã đặt nền móng hiến định cho sự ra đời một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài, tức là từ phía nhân dân trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước.

Điều 6, Hiến pháp sửa đổi quy định ngoài việc nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ đại diện (thông qua Quốc hội, HĐND và các cơ quan khác của Nhà nước) còn thực hiện bằng các hình thức dân chủ trực tiếp như bầu cử và bãi nhiệm (Điều 7); công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân (Điều 29); công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với các cơ quan nhà nước… (Điều 28); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân… giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức (Điều 9), Công đoàn Việt Nam… tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước (Điều 10). Như vậy, Hiến pháp sửa đổi đã hình thành một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ phía nhân dân bằng các hình thức dân chủ trực tiếp.

Có thể thấy rằng, nói đến kiểm soát quyền lực nhà nước thì điều quan trọng trước tiên là tổ chức bộ máy nhà nước phải được phân công, phân nhiệm một cách đúng đắn, mạch lạc giữa 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Có phân công, phân nhiệm mới có cơ sở để kiểm soát quyền lực. Nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến, thì nhân dân là chủ thể phân công quyền lực nhà nước chứ không phải là Quốc hội. Hiến pháp năm 1992 quy định quyền lực nhà nước được cấu thành từ 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp (Điều 2) nhưng chưa chỉ ra được một cách rõ ràng cơ quan nào là cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Hiến pháp sửa đổi đã có một bước tiến mới trong việc phân công quyền lực nhà nước, khắc phục được nhược điểm đó bằng việc quy định Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Việc xác nhận các cơ quan khác nhau thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là một thay đổi quan trọng so với mô hình tập quyền XHCN trước đây, tạo điều kiện để quy định nhiệm vụ, quyền hạn một cách đúng đắn, mạch lạc giữa các cơ quan Quốc hội, Chính phủ và TAND.

Đây chính là cơ sở để kiểm soát quyền lực nhà nước, nhân dân có căn cứ để nhận xét, đánh giá hiệu lực và hiệu quả thực hiện quyền lực nhà nước của mỗi quyền. Đồng thời khắc phục được sự trùng lặp, không rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước của mô hình tập quyền XHCN trước đây. Các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước sẽ lần lượt được sửa đổi theo các tư tưởng mới nói trên của Hiến pháp để hình thành một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong bộ máy nhà nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast