Kim Liên mùa sen nở

(Baohatinh.vn) - Mới đầu tháng năm, hàng triệu người con từ khắp cả nước và du khách quốc tế háo hức về Kim Liên, về Làng Sen với tấm lòng thành kính. Hòa theo dòng người về Làng Sen hôm nay, chúng tôi cứ bồi hồi nhịp bước...

Hương sắc Làng Sen

Tháng năm về! Trời Nam Đàn trở nên trong xanh vời vợi. Hương sắc sen hồng tỏa ra từ ao làng cụ Phó Bảng thơm ngát quyện vào không gian đầy ắp hương lúa ngày mùa. Bức tranh đồng quê trở nên nồng nàn. Làng Sen (làng Kim Liên, xã Kim Liên) với bờ tre, giếng nước, ao sen êm đềm, dân dã, mộc mạc như chính con người của Bác. Bất chợt, những kỷ niệm thuở ấu thơ của vị Cha già dân tộc dội về trong ký ức rất đỗi thiêng liêng…! Trong cái nắng oi nồng đầu hạ, chúng tôi tranh thủ dạo một vòng quanh Làng Sen - quê nội Bác và vào nhà tưởng niệm thành kính dâng lên Người bó hoa tươi thắm rồi vội vã theo đoàn người hướng về làng Hoàng Trù - quê ngoại Bác. Anh bạn đồng nghiệp liên tục bấm máy, ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất nơi Làng Sen và làng Hoàng Trù trước khi lên đỉnh núi Chung để thưởng ngoạn cảnh sắc non nước làng Kim Liên.

Du khách thăm làng Hoàng Trù, quê Ngoại Bác
Du khách thăm làng Hoàng Trù, quê Ngoại Bác

Núi Chung hôm nay vẫn một màu xanh bình dị như bao rừng cây khác, nhưng nơi đây, thuở nhỏ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung thường thả diều, vui chơi cùng các bạn. Từ làng Hoàng Trù hướng về phía Tây nam, núi Chung chỉ cách khoảng 1 km, ngự giữa địa phận 2 làng Ngọc Đình và Tịnh Lý thuộc xã Kim Liên. Núi Chung là nơi gắn bó với tuổi thơ của Bác Hồ kính yêu.

Chung sơn tam đỉnh hình vương tự

ChúnG tôi may mắn được gặp gỡ và trò chuyện với một vị cao niên trong làng Ngọc Đình, đó là cụ Hồ Chiêm. Năm nay, cụ Hồ Chiêm đã bước sang tuổi 98 nhưng vẫn rất minh mẫn và thông Nho, thạo Hán. Theo ông, thời xưa, núi Chung là một khu rừng cây tươi tốt, um tùm, có cây cổ thụ, có hoa bốn mùa, nhiều chim làm tổ, nhảy nhót líu lo, là nơi hội tụ mọi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của các làng trong xã Kim Liên. Bác Hồ kính yêu của chúng ta thuở nhỏ đã từng gắn bó với núi Chung qua những buổi thả diều, đánh trận giả, kéo co với bạn bè quanh Dăm Sim hoặc trèo lên các động cao thăm các công trình văn hóa, tâm linh trên núi.

Di tích Kim Liên
Di tích Kim Liên

Dưới chân núi Chung, về phía Bắc có một hồ nước lớn tên gọi là bàu Cửa, tên chữ là Cự Thủy. Bàu Cự Thủy có trữ lượng nước lớn, trong xanh, tôm cá bơi lội tung tăng. Núi Chung, bàu Cự Thủy là cảnh quan tiêu biểu, là niềm tự hào của xã Kim Liên. Do đó, các bậc tiền nhân đã lấy núi Chung, tượng trưng cho đất, bàu Cự Thủy, tượng trưng cho nước để đặt tên cho quê hương mình là Chung Cự. Trên núi Chung có chùa Đạt và đền Thánh Cả được người dân nơi đây tự hào bằng những câu ca: Nhất vui là cảnh quê mình/ Kim Liên sen tốt, Ngọc Đình chuông kêu.

Cùng với thắng cảnh kỳ vĩ của Đại Huệ, núi Chung, Kim Liên là xứ sở của cây sen. Khi tiếng chim tu hú gọi hè là lúc sen ngào ngạt hương, tô điểm cho cảnh trí thiên nhiên thêm hữu tình và làm dịu bớt cái nóng nực đầu hè.

Trong chuyến đi lần này, chúng tôi cũng may mắn được gặp ông Nguyễn Sinh Quế, là cháu trong chi họ của Bác Hồ. Năm nay 81 tuổi đời và 62 năm tuổi Đảng, là cán bộ khoa học nhưng ông Quế rất mê làm thơ và hiện đang là chủ tịch hội thơ Kim Liên, từng xuất bản nhiều tập thơ ca ngợi về công đức Bác Hồ, về vẻ đẹp quê hương Kim Liên. Đặc biệt, núi Chung là nơi ông gắn bó rất nhiều kỷ niệm vì đền Thánh Cả ngày xưa là nơi ông rèn chữ thành người.

Hoài niệm về tuổi thơ của mình, ông kể: “Đền Thánh Cả ở núi Chung ngày xưa là nơi đặt trường học của làng Kim Liên. Sau những buổi học ở đền Thánh Cả, bọn trẻ chúng tôi lên đỉnh núi Chung thả diều, bắt chim, chơi trò đánh giặc giả rất vui. Lớn lên, tôi đi theo cách mạng cho đến khi được nghỉ hưu”. Bất chợt, ông Quế hướng đôi mắt sâu ngấn lệ về phía núi Chung, giọng thâm trầm: “Đặc biệt, khi đang công tác, tôi may mắn được gặp lại Bác cả 2 lần Người về thăm quê. Lần nào về, Bác cũng hỏi tôi: Núi Chung dạo này có thích không, có lắm tiếng chim hót như xưa không? Tôi xúc động thưa với Bác: Trên đỉnh núi Chung vẫn rất nhiều chim và bà con Kim Liên trồng thêm nhiều cây cối xanh tươi... Và đó cũng là lần cuối, người dân Nam Đàn chúng tôi được nghe giọng nói ấm áp của Bác”.

Là con cháu trong dòng họ Đại tôn Nguyễn Sinh lâu đời ở làng Kim Liên, ông Quế rất thông hiểu cảnh sắc, giai thoại về núi Chung xưa và nay. Núi Chung có hình chữ Vương, độ cao chừng 50m và là cảnh quan tiêu biểu của Nam Đàn. Núi Chung có 3 đỉnh chính. Nhân dân ở đây quen gọi đỉnh núi là đôộng. Đỉnh thứ nhất ở về phía Đông, gần làng Vân Hội (Kẻ Móng) gọi là đôộng Móng. Đỉnh thứ 2 cao nhất, gần 50m ở phía sau làng Tịnh Lý gọi là đôộng Bò. Nơi đây có miếu nhỏ thờ ông thần Bò. Nhân dân làng Tịnh Lý kỵ húy chữ “bò” nên gọi con bò là con me. Về phía Tây bắc, dưới chân đôộng Bò có lăng Tả tướng quân Lê Giác (còn có tên là Lê Dốc), một vị tướng cuối thời Lê, có bãi luyện quân của Tú tài Vương Thúc Mậu và là nơi thuở thiếu thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường lên chơi trò kéo co và tập đánh trận giả.

Du khách về thăm quê Bác
Du khách về thăm quê Bác

Tiếp đến đỉnh thứ 3 có tên là đôộng Đền. Đây là nơi tập trung đền, chùa lớn và nhà thánh của tổng Lâm Thịnh. Tại khu văn hóa tâm linh này có nhà cửa, đền đài tráng lệ, nguy nga, quanh năm có thông reo, chim hót, tạo thành vẻ u tịch, thiêng liêng. La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723–1804) khi từ núi Bùi Phong (thuộc dãy Thiên Nhẫn) sang đất Kim Liên, cảm khái trước vẻ đẹp hữu tình và phong thủy của núi Chung đã để lại câu thơ nổi tiếng: Chung sơn tam đỉnh hình vương tự/ Kế thế anh hùng vượng tử tôn (nghĩa là: Núi Chung ba đỉnh hình chữ Vương. Con cháu đời nối đời anh hùng, thịnh vượng)

Núi Chung không cao lắm, nhưng đứng trên đỉnh đôộng Bò, ta có thể thấy hết cả một vùng Kim Liên rộng lớn ngập tràn trong sắc xanh trù phú. Phóng tầm mắt ra xa, ta còn thấy được làng Thông Lạng, quê hương của Lê Hồng Phong; làng Xuân Nha, quê hương của Phạm Hồng Thái; làng Tùng Ảnh, quê hương của Trần Phú; làng Đông Thái, quê hương của Phan Đình Phùng; thành phố Vinh, nơi sinh của Nguyễn Thị Minh Khai và dưới chân núi Hồng Lĩnh là quê hương của nhà thơ, nhà kinh tế, nhà quân sự Nguyễn Công Trứ và Đại thi hào Nguyễn Du. Cảnh quan, đất nước, núi sông quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn chặt với lịch sử nước nhà trong tất cả các thời đại.

Núi Chung có vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ, lại là nơi có nhiều đền đài, miếu mạo, di tích lịch sử. Do đó, ông Quế đã đề xướng và tham gia khảo sát với ý tưởng xây dựng núi Chung thành điểm du lịch văn hóa tâm linh. Năm 2012, tỉnh Nghệ An đã khởi công xây dựng đền thờ thân sinh gia đình Bác. Theo đó, các di tích lịch sử văn hóa cũng đang được trùng tu, tôn tạo lại, góp phần làm cho yếu tố phong thủy ở ngọn núi có thế hình chữ Vương ngày càng kỳ thú, hữu tình, thiêng liêng. Khi các công trình văn hóa lịch sử trên đỉnh núi Chung được hoàn thành sẽ trở thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh gắn với Làng Sen và làng Hoàng Trù, tạo thành một quần thể cho du lịch có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho con cháu muôn đời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast