Kỳ họp thứ 3: Niềm tin của người dân tạo ra giá trị hữu hình rất lớn

Bộ NN&PTNT có chiến lược xây dựng những thiết chế xã hội nông thôn, tạo sự chia sẻ và tin tưởng giữa doanh nghiệp và người dân, giúp nhanh chóng hồi phục sau những đứt gãy xã hội và chuỗi cung ứng.

Kỳ họp thứ 3: Niềm tin của người dân tạo ra giá trị hữu hình rất lớn

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời phiên chất vấn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sáng 8/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nguồn vốn vô hình quan trọng không kém nguồn lực hữu hình

Trả lời câu hỏi về các mối liên kết trong việc phát triển dựa trên niềm tin, vận dụng vốn xã hội trong phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng niềm tin của người dân hay vốn xã hội đều là thứ vô hình nhưng là nguồn vốn để phát triển quan trọng không kém những nguồn lực vật chất, hữu hình. Nếu biết chuyển hóa thì sẽ tạo ra giá trị hữu hình rất lớn.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan , vốn xã hội, niềm tin của người dân, sự cố kết cộng đồng tạo nên sức mạnh, làm nên thành công trong việc thực hiện các chương trình muc tiêu quốc gia. Vì vậy, việc kích hoạt được nguồn vốn xã hội là điều vô cùng quan trọng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có định hướng, chiến lược xây dựng những thiết chế xã hội nông thôn, những nhóm nghề nghiệp, nhóm xã hội, chính quyền cấp cơ sở tạo mạng lưới xã hội tham gia sâu vào sự phát triển ở địa phương, qua đó nâng cao tính tự chủ, tự lực của người dân, giữ vững niềm tin và sự cố kết xã hội, tạo sự chia sẻ và tin tưởng giữa các thành phần doanh nghiệp và người dân, giúp nhanh chóng hồi phục sau những đứt gãy xã hội, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Liên quan đến vấn đề giá cả, thị trường nguồn nguyên liệu đầu vào, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ đã vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo nhiều hội nghị để siết chặt công tác quản lý thị trường, chỉ đạo các hệ thống, các hiệp hội ngành hàng tháo gỡ khó khăn, góp phần giảm đà tăng giá.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm hữu cơ trong nông nghiệp, nghiên cứu các quy trình sản xuất nông nghiệp giảm sử dụng nguyên liệu, vật tư đầu vào; nghiên cứu các nguyên liệu, vật tư thay thế phù hợp.

Nông nghiệp hướng tới hiệu quả cao, tối ưu hóa giá trị

Tham gia giải trình làm rõ thêm một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chưa bao giờ ngành nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ như hiện nay, từ sản xuất đủ ăn, đáp ứng được nhu cầu của người dân, cho đến xuất khẩu đạt tỷ trọng cao. Diện mạo của nông thôn thay đổi nhanh chóng, đời sống nhân dân được cải thiện hết sức rõ rệt.

“Có được kết quả này trước hết là nhờ vào sự nỗ lực, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó sáng tạo của người nông dân; chủ trương lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành của Chính chủ, đặc biệt là của ngành nông nghiệp Việt Nam,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, nhưng cũng đồng tình với nhận định của một số đại biểu rằng, hiện nay, ngành nông nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp của chúng ta đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững và người dân yên tâm sản xuất, trách nhiệm này thuộc về các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần dùng các công cụ điều hành chiến lược, quy hoạch, chính sách, kế hoạch để có được sự phát triển trong thời gian tới.

Bộ trưởng cho rằng cần căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, thay đổi ngay tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng tới hiệu quả cao; không tối đa hóa sản lượng mà tối ưu hóa giá trị…

Để nông nghiệp luôn là trụ đỡ nền kinh tế

Báo cáo về một số nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng ngành còn tồn tại nhiều hạn chế.

Việc xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn, thị trường đòi hỏi chất lượng cao. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện của thị trường.

Kỳ họp thứ 3: Niềm tin của người dân tạo ra giá trị hữu hình rất lớn

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm rõ vai trò của Chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

“Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Nông sản của ta, nhất là rau quả, vẫn chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tình trạng “được mùa mất giá,” ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra thường xuyên hàng năm, gây thiệt hại nhiều mặt về kinh tế-xã hội,” Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ rõ.

Về một số giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, trước hết, các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương cần tập trung cao và thực hiện thật tốt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thông qua về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đai.

Để ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển hơn nữa, theo Phó Thủ tướng, tới đây Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trọng tâm như đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp từ khâu đầu tư, nghiên cứu chọn tạo giống đến quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để có sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu.

Tập trung chỉ đạo, tổng kết đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; xây dựng cơ chế chính sách, phát huy nguồn lực đất đai, hình thành, phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng tại một số địa phương. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.

Theo Hạnh Quỳnh (Vietnam+)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast