Kỷ niệm 60 năm đình chỉ chiến sự tại Việt Nam

Sáng 18/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 60 năm Ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam (20/7/1954-20/7/2014).

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" cho Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam DCCH tại Hội nghị Geneva. Ảnh" VGP/Quang Hiếu
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" cho Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam DCCH tại Hội nghị Geneva. Ảnh" VGP/Quang Hiếu

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh- Trưởng Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm; Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước… tham dự.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định đây là cột mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân ta để giành độc lập, tự do.

Lần đầu tiên, Chính phủ Pháp và mỗi nước tham gia Hội nghị Geneva cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị của Việt Nam.

Hiệp định Geneva là một bước tiến quan trọng, khẳng định khát vọng của nhân dân Việt Nam về một nền hòa bình gắn liền với độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; vừa có ý nghĩa pháp lý, vừa tạo ra cơ sở vật chất, tinh thần để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn đất nước.

Thắng lợi tại Hội nghị Geneva là thắng lợi của đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến, đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; thắng lợi của 9 năm kháng chiến trường kỳ với những hy sinh to lớn của nhân dân; thắng lợi của nền ngoại giao cách mạng non trẻ.

Lần đầu tiên, nền ngoại giao non trẻ của Việt Nam bước lên vũ đài quốc tế trong bối cảnh tình hình thế giới và quan hệ quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia Hội nghị đều theo đuổi những mục tiêu và lợi ích khác nhau, nhưng “chúng ta đã giành thắng lợi”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định thắng lợi tại Hội nghị Geneva là thắng lợi của đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến, đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; thắng lợi của 9 năm kháng chiến trường kỳ với bao hy sinh gian khổ của nhân dân ta. Ảnh: Quang Hiếu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định thắng lợi tại Hội nghị Geneva là thắng lợi của đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến, đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; thắng lợi của 9 năm kháng chiến trường kỳ với bao hy sinh gian khổ của nhân dân ta. Ảnh: Quang Hiếu.

Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam DCCH đã phát huy được chiến thắng của quân và dân ta trên chiến trường, sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, vận dụng nhiều hình thức hoạt động phong phú với phương pháp đấu tranh kiên định, lập luận sắc bén, thuyết phục nhưng linh hoạt, mềm dẻo và sách lược.

Thắng lợi của Hội nghị Geneva còn là thắng lợi của tinh thần đoàn kết quốc tế bởi nhân dân ta đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình của các lực lượng cách mạng Lào, Campuchia, sự hỗ trợ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế, của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ, biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu đó.

Chủ tịch nước cho rằng Hiệp định Geneva đã để lại nhiều bài học quý báu, trong đó có bài học nên cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bài học về tăng cường tiềm lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước- nhân tố bên trong có ý nghĩa quyết định.

Trong niềm tự hào đó, Chủ tịch nước bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại- người đã trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam DCCH tại Hội nghị Geneva năm 1954; cố Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam; ghi nhận và đánh giá cao công lao của cán bộ, chiến sĩ đã phục vụ cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị.

“60 năm trôi qua, nhiều đồng chí đã không còn nữa, nhiều đồng chí tuổi cao sức yếu không về dự được Lễ kỷ niệm. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin gửi tới các đồng chí và gia đình lời thăm hỏi ân cần cùng những tình cảm thân thiết nhất”, Chủ tịch xúc động nói.

Để phát huy những truyền thống anh hùng của dân tộc trong thời kỳ mới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu lĩnh vực đối ngoại cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ như tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo toàn diện và thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với hoạt động đối ngoại; phối hợp hài hòa, chặt chẽ các kênh ngoại giao.

Các đồng chi lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Hiếu
Các đồng chi lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Hiếu

Ngoài ra, chúng ta phải tiếp tục giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác cùng phát triển….; đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực mưu toan xâm phạm độc lập, chủ quyền , thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời kiên trì chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng những cam kết khu vực và luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời thực hiện nhất quán phương châm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.

Chủ tịch nước nêu rõ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc thực hiện đường lối và các chủ trương, chính sách đối ngoại không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành đối ngoại mà trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Vì vậy, “cần nâng cao năng lực và ý thức của tất cả các tổ chức, cơ quan, ban ngành địa phương, doanh nghiệp và từng người dân trong xử lý những vấn đề liên quan hoặc có yếu tố nước ngoài”, tạo lòng tin và tình cảm tốt đẹp của nhân dân các nước đối với Việt Nam, cùng góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng.

Các đại biểu thăm Triển lãm ảnh và hiện vật liên quan đến Hiệp định Geneva. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Các đại biểu thăm Triển lãm ảnh và hiện vật liên quan đến Hiệp định Geneva. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" cho Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam DCCH do những đóng góp to lớn và quan trọng tại Hội nghị Geneva.

Phát biểu sau khi nhận danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước, ông Trần Việt Phương - thành viên đoàn Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Geneve, nguyên Thư ký riêng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nói đây là phần thưởng xứng đáng đối với những anh hùng và liệt sĩ đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

*Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, Triển lãm ảnh và hiện vật liên quan đến Hiệp định Geneva được trưng bày tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội.

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast