Làm rõ chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa

Các học giả đồng thuận quan điểm Nhà nước Việt Nam từ lâu đời đã thực hiện chủ quyền liên tục và hòa bình đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Những tranh luận xung quanh vấn đề trên được đưa ra tại hội thảo quốc tế “ Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Những khía cạnh lịch sử và pháp lý” diễn ra sáng nay 27/4 tại Quảng Ngãi.

Hội thảo do trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức nhân dịp lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tri ân và tôn vinh những bậc tiền nhân đã có công lớn trong việc thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (tổ chức từ 27-29/4, tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi).

Hơn 50 đại biểu là các học giả quốc tế, Việt kiều, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu đến từ Mỹ, Nga, Canada, Thụy Điển, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam và đại diện một số bộ, ban, ngành và địa phương trong nước tham dự hội thảo.

Chủ quyền lâu đời

PGS.TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng trong bài phát biểu khai mạc gợi mở biên độ trao đổi, tranh luận tại hội thảo, đó là làm rõ những vấn liên quan đến chủ quyền lịch sử pháp lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa, bản chất của các tranh chấp đang tồn tại hiện nay.

Trao đổi với các đại biểu, ông cho hay, Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

‘Ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục, từ khi hai quần đảo này còn là vùng đất vô chủ” - PGS Phước khẳng định.

Ông cũng nhấn mạnh, hiện nay quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc đánh chiếm bằng vũ lực vào các năm 1956 và 1974; một số bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa cũng bị Trung Quốc đánh chiếm bằng vũ lực vào năm 1988.

“Bất cứ hành động chiếm đóng bằng vũ lực ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế”, ông Phước nhấn mạnh.

TS Phạm Đăng Phước cho rằng trong bối cảnh tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc trường tổ chức hội thảo là nhằm mục đích làm rõ những cơ sở pháp lý lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời trao đổi về phương hướng, giải pháp cho các tranh chấp để biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác.

Các học giả là Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài cũng khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể chối cãi. Với những cứ liệu lịch sử khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tại hội thảo, các đại trao đổi ý kiến về các vấn đề như: quy định của luật pháp quốc tế về vấn đề chủ quyền lịch sử; các phương thức thụ đắc lãnh thổ được luật pháp quốc tế thừa nhận rộng rãi; làm rõ những bằng chứng pháp lý, lịch sử khẳng định Nhà nước Việt Nam từ lâu đời đã thực hiện chủ quyền liên tục và hòa bình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với thực tiễn luật pháp quốc tế; phương thức giải quyết hòa bình những bất đồng, tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vấn đề liên quan ở Biển Đông hiện nay...

Tranh chấp: cơ chế ứng xử ràng buộc pháp lý

Trao đổi về những diễn biến liên quan ở Biển Đông, ông Roberto Tofani, nhà báo, giảng dạy về lĩnh vực kinh tế, chính trị khu vực Đông Nam Á tại Đại học La Sapienza, Roma, Italia cho rằng với vấn đề biển đông hiện nay cần thiết phải sớm có qui tắc ứng xử ràng buộc về pháp lý.

‘Vấn đề hiện nay là các bên cần có những ứng xử theo thông lệ quốc tế để ổn định trong khu vực” - ông nói.

Subhas Kapila - cố vấn các vấn đề chiến lược và quan hệ quốc tế cho Nhóm phân tích Nam Á (SAAG) đặt ra vấn đề những hàm ý chiến lược và viễn cảnh về giải pháp giải quyết xung đột.

Theo ông, chính sách của Trung Quốc có hai mục đích quan trọng là đẩy Mỹ ra khỏi Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương bằng sự suy giảm về chính trị và thụ động về chiến lược. Bên cạnh đó xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc hải quân, thu hẹp khác biệt với Mỹ trong thế thượng phong ở Tây Thái Bình Dương....

Nguồn: VNN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast