Lê-nin với vấn đề bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa

(Baohatinh.vn) - Kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của C.Mác và Ăng-ghen về vũ trang quần chúng để bảo vệ thành quả cách mạng của giai cấp vô sản, Lê-nin đã xây dựng nên học thuyết bảo vệ Tổ quốc XHCN…

Kỷ niệm 147 năm ngày sinh VI. Lê-nin 22/4 (1870 - 2017)

le nin voi van de bao ve to quoc xa hoi chu nghia

Tượng đài Lê-nin và các anh hùng Hồng quân Liên Xô ở Matxcơva

Trước Cách mạng tháng Mười Nga (1917), Lê-nin đã chuẩn bị những tiền đề lý luận về vấn đề bảo vệ thành quả của cách mạng vô sản, trong đó, khẳng định: Sau khi giành được thắng lợi, giai cấp vô sản và nhân dân lao động phải luôn củng cố, tăng cường sức mạnh vũ trang để bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

Người chỉ rõ: “Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hòa XHCN, thì chúng ta không thể tồn tại được. Giai cấp thống trị không bao giờ nhường quyền cho giai cấp bị trị. Nhưng giai cấp bị trị phải chứng minh trên thực tế rằng, họ không những có khả năng lật đổ bọn bóc lột, mà còn có khả năng tự tổ chức, huy động hết thảy để bảo vệ lấy mình”.

Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Ngay sau khi Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi, nhiều nước đế quốc câu kết với các thế lực tư sản, phản động trong nước thực hiện âm mưu can thiệp, gây chiến tranh xâm lược, hòng thủ tiêu thành quả cách mạng, xóa bỏ nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cần kíp và tất yếu khách quan đối với Đảng Cộng sản và Nhà nước Xô-viết: Phải sẵn sàng chuẩn bị về mọi mặt để đánh bại thù trong, giặc ngoài, bảo vệ vững chắc chế độ XHCN. Lê-nin đã nêu lên một luận điểm nổi tiếng: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”.

Về phương thức chiến lược bảo vệ Tổ quốc XHCN, Lê-nin luôn coi trọng kết hợp chặt chẽ những vấn đề chiến lược về QPAN và đối ngoại, dựa chắc trên cơ sở xây dựng và phát triển KT-XH của đất nước. Đương thời, chính Lê-nin đã trực tiếp chỉ đạo Hội đồng Quốc phòng và Hội đồng Dân ủy phát huy vai trò quan trọng trong củng cố chính quyền Xô-viết, động viên các nguồn lực cho mặt trận và xây dựng Hồng quân, đẩy mạnh phát triển KT-XH và giải quyết các vấn đề cơ bản, cấp thiết đặt ra nhằm ổn định đời sống nhân dân.

Chính quyền Xô-viết cũng tiến hành nhiều biện pháp kiên quyết trấn áp các lực lượng phản động, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội, xây dựng hậu phương vững mạnh, tạo cơ sở cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN.

le nin voi van de bao ve to quoc xa hoi chu nghia

Quảng trường Đỏ tại TP Matxcơva. ảnh: Quang Vinh

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, với những biến động khó lường, tiềm ẩn cả những thuận lợi và khó khăn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Đối với nước ta, sự nghiệp đổi mới đất nước trong hơn 30 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực; lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN tiếp tục được củng cố, tạo thuận lợi căn bản cho việc tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tuy nhiên, nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn. Các thế lực thù địch vẫn ráo riết thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”.

Trước tình hình đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phát triển KT-XH, phải thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố QPAN vững mạnh, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, đủ sức đập tan tất cả các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để tập trung phát triển KT-XH theo định hướng XHCN.

Vì vậy, trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu, vận dụng đúng đắn và phát triển một cách sáng tạo những nguyên lý phổ biến, những vấn đề có tính nguyên tắc trong học thuyết của Lê-nin về bảo vệ Tổ quốc XHCN vào điều kiện cụ thể của đất nước, chúng ta cần phải tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, được thể hiện rõ trong nhiều nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc không chỉ là sức mạnh của lực lượng vũ trang, mà là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast