Mọi vụ bức cung, nhục hình đều xảy ra trong giai đoạn tạm giam, tạm giữ (!?)

Đây là nhận định của Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong khi nêu ý kiến về dự thảo luật Tạm giam, tạm giữ tại UB Thường vụ Quốc hội chiều 27/2. Ông Phong khuyến cáo, cần kiểm soát chặt giai đoạn quan trọng mấu chốt trong giai đoạn tố tụng hình sự này…

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý: "Dù biện pháp tạm giữ, tạm giam chỉ hạn chế 6 quyền của cá nhân nhưng thực tế nhiều quyền khác cũng không thực hiện được".
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý: "Dù biện pháp tạm giữ, tạm giam chỉ hạn chế 6 quyền của cá nhân nhưng thực tế nhiều quyền khác cũng không thực hiện được".

Dự thảo luật Luật Tạm giữ, tạm giam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo nhận sự ủng hộ của cơ quan thẩm tra – UB Tư pháp của Quốc hội về sự cần thiết ban hành để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, nhất là tình trạng chết, bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở nhà tạm giữ, trại tạm giam trong thời gian qua, đồng thời phúc đáp yêu cầu của tiến trình cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Một vấn đề UB Tư pháp yêu cầu xác định rõ hơn là về mô hình hệ thống các cơ quan quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam. Cơ quan thẩm tra đặt vấn đề, cần tách việc quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra hình sự để bảo đảm tính khách quan trong công tác giam giữ, tránh tình trạng chết, bức cung, nhục hình và các hình thức khác vi phạm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam xảy ra trong thời gian qua.

Theo đó, UB Tư pháp nhận định, cần tổ chức mô hình quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống dọc do Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ như đối với hệ thống trại giam hiện nay, bảo đảm minh bạch, rõ trách nhiệm giữa quản lý tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra, có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan này trong việc chấp hành pháp luật tạm giữ, tạm giam, nhất là bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự của người bị tạm giữ, tạm giam.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng ghi nhận những ý kiến đề nghị giữ mô hình quản lý nhà tạm giam, tạm giữ như hiện nay (Công an cấp tỉnh quản lý Trại tạm giam, Công an cấp huyện quản lý nhà tạm giữ để bảo đảm phục vụ kịp thời, thuận lợi cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án).

Thực tiễn tổ chức hệ thống nhà tạm giữ, trại tạm giam cho thấy, mỗi tỉnh có 1 trại tạm giam và mỗi huyện có 1 nhà tạm giữ. Qua giám sát, khảo sát, UB Tư pháp cảnh báo, có những trại tạm giam, nhà tạm giữ luôn trong tình trạng quá tải, nhưng cũng có trại tạm giam, nhà tạm giữ lại không có đủ số lượng theo quy mô xây dựng, giam giữ. Do đó, Dự án Luật cần nghiên cứu xây dựng mô hình hoàn thiện hơn để sử dụng trại tạm giam, nhà tạm giữ, khắc phục được tình trạng bất cập này.

Ngoài ra cũng có nhiều ý kiến đề nghị, dự án Luật cần quy định rõ cả về quyền hạn và trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của các chủ thể thực hiện quản lý đối với người bị tạm giữ, tạm giam nhằm bảo đảm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam.

Giữ quy định cùm chân - duy trì một hình thức nhục hình?

Bàn về nội dung này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đặt vấn đề, quản lý chặt chẽ hoạt động tạm giữ, tạm giam để chống hiện tượng nhục hình, bức cung nhưng bất cập đầu tiên là nhà tạm giữ, trại tạm giam vẫn đang lẫn lộn trong việc thực hiện cả chức năng tạm giữ, tạm giam.

Theo nguyên tắc người bị tạm giữ, tạm giam vẫn chưa bị kết tội, vẫn là một người bình thường mà bị hạn chế quyền tự do là rất nghiêm trọng. Ông Lý lập luận, dù quy định việc tạm giữ, tạm giam chỉ han chế 6 quyền của cá nhân nhưng thực tế nhiều quyền khác như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp… đều khó thực hiện được.

Chủ nhiệm Phan Trung Lý cũng khuyến cáo cân nhắc quy định về hình thức cùm chân người bị tạm giam, tạm giữ vì đây là hình thức tác động rất nặng nề đến quyền con người.

Mọi vụ bức cung, nhục hình đều xảy ra trong giai đoạn tạm giam, tạm giữ (!?) ảnh 2
Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong khuyến cáo, cùm chân cũng là một hình thức dùng nhục hình.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh tiếp cận ở góc độ khác. Theo ông Khánh, quyền im lặng là quyền cơ bản, quan trọng nhất đối với người bị tạm giam, tạm giữ nhưng thực tế những người này mới chỉ được đảm bảo một số quyền rất đơn giản như quyền được thăm thân, tiếp xúc với luật sư còn rất nhiều quyền công dân, dân sự khác đều không được thực hiện.

Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong khái quát: “Có thể khẳng định mọi vụ bức cung, nhục hình đều xảy ra trong thời điểm cá nhân bị tạm giữ (có thời hạn tối đa 9 ngày), các vụ thông cung, nhục hình thì xảy ra trong thời gian tạm giam. Trong giai đoạn này, thẩm quyền của VKS cần được khẳng định để đảm bảo cơ chế kiểm soát chế độ tạm giam, tạm giữ, bảo vệ quyền con người”.

Ông Phong nêu phân tích, cách chống bức cung, nhục hình, xâm phạm quyền con người tốt nhất trong lĩnh vực này là hạn chế tối đa các trường hợp tạm giam, tạm giữ con người. Ông Phong gợi ý kinh nghiệm của người nhiều nước cho phép quy đổi số ngày tạm giữ, tạm giam sang hình thức bảo lãnh bằng tiền, quản chế không giam giữ…

Riêng về quy định cùm chân, Phó Viện trưởng VKSND nhận xét, đây đã là một hình thức nhục hình nên ông Phong thẳng thắn đề nghị đưa ra khỏi quy định trong dự thảo luật.

Giải trình thêm về quy định này, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, cơ quan soạn thảo dự luật đã nghiên cứu các quy định của thế giới, ghi nhận nhiều nước hiện vẫn áp dụng hình phạt cùm chân, xiềng chân. Thực tế, tướng Vương chỉ rõ, có rất nhiều đối tượng phạm tội manh động, liều lĩnh, như sát thủ Lê Văn Luyện – đối tượng giết người man rợ và nghiện ma túy, nhiều người phạm tội khác vừa hiếp dâm vừa giết người rất dã man, khi bị bắt giữ rất hung hãn, dùng mọi thủ đoạn để bỏ trốn… Những đối tượng này, theo tướng Vương, cần duy trì quy định hình thức cùm chân.

Theo Dân trí

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast