Một cuộc đời sáng trong như ngọc

(Baohatinh.vn) - Cuộc đời, sự nghiệp, tài năng cùng những cống hiến lớn lao và phẩm chất cao đẹp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mãi mãi in đậm trong tâm thức của đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 - 1/1/2014)

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên thật là Nguyễn Vịnh) sinh ngày 1/1/1914, trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa - Thiên - Huế. Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 1934 và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1937. Năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Trước năm 1945, đồng chí đã bị đế quốc Pháp bắt giam 3 lần ở các nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột. Mặc dù bị kẻ thù tra tấn vô cùng dã man nhưng Nguyễn Chí Thanh vẫn kiên cường giữ vững khí tiết của người cộng sản, kiên quyết không để lộ bí mật của Đảng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), đồng chí được trả tự do. Trở về tiếp tục hoạt động, Nguyễn Chí Thanh đã cùng các đồng chí khác xây dựng lại cơ sở cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong lần về thăm Hà Tĩnh, ngày 15/6/1957. Ảnh tư liệu

Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong lần về thăm Hà Tĩnh, ngày 15/6/1957. Ảnh tư liệu

Tháng 8/1945, thay mặt tổ chức Đảng ở Trung kỳ, Nguyễn Chí Thanh tham gia Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào. Tại hội nghị quan trọng này, đồng chí được bầu vào BCH T.Ư Đảng (từ năm 1951, đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị); đặc biệt, đây là lần đầu tiên Nguyễn Chí Thanh được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau hội nghị, Nguyễn Chí Thanh được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Từ năm 1947-1950, đồng chí lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên và Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4. Với lòng yêu nước cháy bỏng, được Đảng soi đường, Nguyễn Chí Thanh sớm bộc lộ tài năng và có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng. Những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Bình - Trị - Thiên, trước tình thế cách mạng hết sức cam go, đồng chí đã đề ra chủ trương kiên quyết bám dân, xây dựng cơ sở chính trị, phát triển chiến tranh du kích để xoay chuyển tình thế.

Nhờ đó, mặt trận Bình - Trị -Thiên đã trở thành lũy thép, phá tan âm mưu chia cắt chiến lược và mở rộng chiến tranh ra vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh của địch. Năm 1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được điều động vào quân đội và được giao trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Trên cương vị mới, đồng chí đã cùng Tổng Quân ủy tạo ra bước ngoặt trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội nhân dân.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có công lớn trong việc chủ trì xây dựng, tổng kết, phát triển công tác Đảng, công tác chính trị ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, góp phần quan trọng xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, làm nòng cốt trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và đứng vững trước mọi biến động chính trị phức tạp. Năm 1960, được Đảng phân công phụ trách nông nghiệp - mặt trận hàng đầu của sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, đồng chí đã trực tiếp với đời sống và sự no đói của hàng chục triệu con người để chỉ đạo sản xuất. Liền đó, các chỉ thị về khai hoang, phục hóa; thâm canh tăng vụ, tăng năng suất trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với từng địa bàn cùng những chính sách phân phối, lưu thông mới được ban hành. Các phong trào thi đua với “gió Đại Phong” diễn ra sôi động, làm chuyển biến nền nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn và cải thiện đời sống nhân dân.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam (5.7.1967) - Ảnh tư liệu. Nguồn: Thanh Niên

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam (5.7.1967) - Ảnh tư liệu. Nguồn: Thanh Niên

Giữa năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, Nguyễn Chí Thanh được phân công vào miền Nam đảm nhiệm các chức vụ: Bí thư T.Ư Cục miền Nam và Chính ủy các LLVT nhân dân giải phóng miền Nam. Kể từ đây, tài năng quân sự của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thực sự được bộc lộ và phát huy, góp phần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cho cách mạng miền Nam, tạo tiền đề đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến toàn thắng. Năm 1967, đồng chí đột ngột từ trần do một cơn bạo bệnh trong niềm tiếc thương sâu sắc của CBCS toàn quân và đồng bào, đồng chí cả nước.

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Chí Thanh đã nêu tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, về lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân; không quản ngại gian khổ, hy sinh, toàn tâm, toàn ý thực hiện thành công mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí là một tấm gương sáng trong về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân và những thói hư, tật xấu, tàn dư của chế độ cũ. Đồng chí tiêu biểu cho một thế hệ cán bộ mới, rất năng động, sáng tạo trong suy nghĩ và hành động, nhất quán giữa lời nói và việc làm, lý luận gắn với thực tiễn; rất dân chủ, chân tình, cởi mở, luôn lắng nghe ý kiến của quần chúng, sâu sát cơ sở, sâu sát thực tiễn v.v...

Giờ đây, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đi xa, nhưng những di sản mà đồng chí để lại vẫn còn rất tươi mới. Vai trò, vị trí của công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội vẫn phát huy được tính hiệu lực và hiệu quả trong thực tiễn xây dựng quân đội. Yêu cầu xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội; nâng cao giác ngộ cộng sản chủ nghĩa, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, xây dựng đạo đức cách mạng, tác phong quần chúng và lối sống trong sạch, lành mạnh... đối với cán bộ, đảng viên vẫn đang là những vấn đề nóng hổi cả trên mặt trận tư tưởng, lý luận và thực tiễn xây dựng Đảng, xây dựng quân đội. Đó cũng là cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, “xây” đi đôi với “chống” mà Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng cũng như Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã chỉ ra.

Cùng với đồng bào và chiến sĩ cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh không bao giờ quên những hình ảnh vô cùng thân thiết, những kỷ niệm đẹp đẽ, sâu sắc đầy tình người, tình đồng chí mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh để lại. Đặc biệt là lần Đại tướng tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hà Tĩnh ngày 15/6/1957. Trong rất nhiều bức ảnh chụp hôm đó, có một bức ai cũng thích: Bác Hồ trong bộ quần áo lụa nâu và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong bộ sắc phục của ngành cùng đứng trên cầu ao sen, dưới bóng những tàu lá chuối; sen đang mùa nở rộ, tỏa hương thoang thoảng một vùng. Bác Hồ nói với những người xung quanh: “Ca dao nhiều câu nói về sen, chú nào nhớ, đọc nghe”. Đại tướng Thanh đứng bên khóm chuối mật sum suê, bèn bước nhích lại gần Bác rồi đáp: “Thưa Bác, vùng này thường có câu hát ru: Thương chồng nấu cháo le le. Nấu canh hoa lý, nấu chè hạt sen”. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ biết Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rất am hiểu mảnh đất và con người Hà Tĩnh, nơi đồng chí gắn bó từ thời làm Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4. Chúng ta mãi ghi nhớ thái độ ân cần và những lời động viên, khuyến khích, chỉ dẫn, giáo dục của đồng chí sau những sai lầm trong cải cách ruộng đất.

Đạo đức cách mạng “Sáng trong như ngọc một con người” (thơ Tố Hữu), cùng với những cống hiến to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và xây dựng LLVT nhân dân là những bài học quý đối với mỗi chúng ta. Ghi nhận công lao to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng Huân chương Sao vàng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Cuộc đời, sự nghiệp, tài năng cùng những cống hiến lớn lao và phẩm chất cao đẹp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mãi mãi in đậm trong tâm thức của đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast