Một số vấn đề đặt ra cho Hà Tĩnh: Tiếp cận từ khía cạnh Văn hóa - Lịch sử

PGS.TS Bùi Đình Phong[1] viết riêng cho Hà Tĩnh Online

1.Truyền thống yêu nước lâu đời của nhân dân Hà Tĩnh cần được phát huy cao độ.

Lịch sử, hiện tại và tương lai có mối quan hệ mật thiết với nhau. Lịch sử là chiếc gương phản chiếu hiện tại và tương lai, chứ không phải là tương lai. Hiện tại và tương lai đi lên từ lịch sử, nhưng không hoàn toàn bị chi phối bởi lịch sử. Sự phát triển của tương lai có thể theo chiều thuận hoặc chiều nghịch với lịch sử. Có trường hợp lịch sử càng có bề dày thì hiện tại và tương lai càng phát triển rực rỡ. Ngược lại, có khi lịch sử không đậm nét nhưng hiện tại và tương lai vẫn huy hoàng. Như vậy vấn đề không phải chỉ ở lịch sử mà là chắt lọc lịch sử; không phải chỉ là sự tiếp nối, kế thừa lịch sử một cách giản đơn, thô thiển mà là thái độ, tư duy, cách nhìn và cách đối xử với lịch sử. Đó là trách nhiệm của thế hệ hôm nay. Xem thường thậm chí quay lưng với lịch sử, thì như người ta vẫn thường nói, đó là cách tư duy bắn vào lịch sử bằng súng lục và tất yếu phải bị trả giá bằng việc tương lai bắn vào anh bằng đại bác. Ngược lại, quá say sưa với lịch sử, ngủ quên trên ánh hào quang của lịch sử theo kiểu tư duy quay về quá khứ, hoài cổ thì sẽ bị tương lai vượt qua.

Cao trào Xô - Viết Nghệ Tĩnh

Tầm nhìn về tương lai từ lịch sử đòi hỏi cả trí tuệ và bản lĩnh để có một cách nghĩ, cách làm xuất phát từ thực tiễn, hợp quy luật, thuận lòng dân, theo xu thế thời đại, có chất lương khoa học và cách mạng. Về vấn đề nay, Bác Hồ để lại cho ta một kiểu phương pháp luận độc đáo:

“Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới.

Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam.

Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi.

Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân, tương ái, tận hiếu với dân hơn khi trước.

Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp”[2].

Kỷ niệm 180 năm ngày lập tỉnh trong bối cảnh Việt Nam và thế giới có nhiều đổi thay, đi tìm một cách tiếp cận cho hiện tại và tương lai của Hà Tĩnh là một vấn đề lớn và khó. Điều này vừa thể hiện tinh thần yêu nước và cách mạng, vừa phải có hàm lượng khoa học, thể hiện tầm nhìn, cách nhìn và cách làm của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh. Nó đòi hỏi khả năng huy động sức lực, trí tuệ, tâm huyết của các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, từ trung ương đến các tỉnh bạn, trong nước, ngoài nước, kết hợp nội lực và ngoại lực, đặc biệt là sức mạnh tại chỗ.

Trước hết, xuyên suốt, lâu dài và rất cơ bản là phải phát huy cao độ truyền thống yêu nước lâu đời của nhân dân Hà Tĩnh. Về điểm này phải nghiên cứu thấu đáo và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, về sức mạnh của nhân dân vào hoàn cảnh cụ thể của Hà Tĩnh. Người chỉ rõ rằng “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước” và “dân chúng khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng. Mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng”. Nói về quyền lợi và bổn phận của nhân dân trong một nước dân chủ, Người dạy: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”[3]. Xây dựng và phát triển Hà Tĩnh phải theo tinh thần Hồ Chí Minh: “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân. Không phải Chính phủ xuất tiền ra làm. Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động”[4]. Vấn đề ở đây là “ quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lực lượng của dân chúng nhiều vô kể. Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”[5]. Bác Hồ nói về nhân dân Việt Nam. Vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu con người Hà Tĩnh, dân chúng Hà Tĩnh.

Nói đến Hà Tĩnh, mọi người nghĩ ngay đến truyền thống yêu nước lâu đời. Tất nhiên đây cũng là truyền thống của nhân dân Việt Nam nói chung. Vì vậy, cần phải nghiên cứu chất yêu nước của con người Hà Tĩnh có gì giống và khác với truyền thống yêu nước Việt Nam nói chung. Liệu có thể chắt lọc được gì về cốt cách, đặc tính của con người Hà Tĩnh ở điểm này? Ít ra cùng phải nghiên cứu cốt cách con người xứ Nghệ? Trước đây đã có một số luận văn nghiên cứu đức tính con người xứ Nghệ. Đây là những công trình khoa học có giá trị, cần phải được tiếp tục đi sâu nghiên cứu, phát triển có chất lượng khoa học để nắm vững chất Nghệ trên cả hai phương diện ưu và nhược nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế. Ông Nguyễn Văn Giản, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh có nhận xét: “Con người xứ Nghệ bề ngoài mộc mạc, bình dị nhưng giàu đức khảng khái, ngoan cường và thủy chung, tín nghĩa. Đồng thời, họ cũng có những hạn chế riêng, đã có người khái quát hơi cực đoan rằng: chặt chẽ đến mức hẹp hòi, tiết kiệm đến mức “cá gỗ”, kiên quyết đến mức bảo thù và dễ tả khuynh, cảnh giác đến nỗi đa nghi”[6].

Cũng trong tác phẩm đã dẫn, tác giả Hoàng Tùng có bài viết Phong cách Nghệ Tĩnh. Trong bài viết của

mình, trên cơ sở các sự kiện tiêu biểu[7], tác giả cho rằng: “Đức tính phổ biến của người Nghệ Tĩnh là tinh thần phấn đấu bền bỉ chống địch họa, thiên tai, chống những cái ngang trái trong đời sống xã hội. Đức tính phổ biến này hình thành một phong cách bền bỉ, gan góc, nhẫn nại… Đức tính thứ hai là sự ham học, có chí phấn đấu bền bỉ để đạt cho được mục đích… hai đức tính trở thành phong cách phổ biến này ở những trường hợp quá khích biến dạng thành ngang bướng và gàn”[8].

Bác Hồ đã từng nhận xét: “Nhân dân Nghệ - Tĩnh nổi tiếng cứng đầu. Trong thời kỳ Pháp xâm lược cũng như trong các phong trào cách mạng quốc gia (1905-1925) Nghệ - Tĩnh đã nổi tiếng. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ - Tĩnh vẫn giữ vững truyền thống cách mạng của mình”[9].

Vấn đề đặt ra cho Hà Tĩnh hôm nay và ngày mai để trở thành một tỉnh giàu mạnh, văn minh, có thể sánh vai với các tỉnh bạn trong khu vực miền Trung và trên phạm vi cả nước không thể không nghiên cứu khí chất và phong cách Hà Tĩnh. Khi đã bàn đến phong cách, hiểu theo nghĩa rộng tức là lề lối, cung cách, cách thức, phong thái, phong độ và phẩm cách đã trở thành nền nếp ổn định của một người hoặc của một lớp người, được thể hiện trong tất cả các mặt hoạt động như lao động, học tập, sinh hoạt, ứng xử, diễn đạt… tạo nên những giá trị, những nét riêng biệt của chủ thể đó.

Những công trình nêu trên có ý nghĩa lớn, trước hết là về mặt phương pháp luận để Đảng bộ Hà Tĩnh hôm nay nghiên cứu phục vụ cho sự nghiệp xây dựng quê hương. Ngay cả câu nói của Bác Hồ cũng cần phải được tiếp tục nghiên cứu sâu, khám phá, làm rõ “cứng đầu” là thế nào? Bởi vì, lý giải về vấn đề đó, Người khẳng định “Nghệ- Tĩnh nổi tiếng” và “vẫn giữ vững truyền thống cách mạng của mình”. Phải chăng, với kẻ thù là sự cứng đầu, còn với các mặt hoạt động cách mạng cho sự sự trường tồn của Tổ quốc và dân tộc thì đó là sự khảng khái, ngoan cường, bền bỉ, gan góc, nhẫn nại.

Thiếu một công trình nghiên cứu về con người Hà Tĩnh là thiếu một cách tiếp cận tương lai.

2. Cùng với việc khai thác những giá trị của truyền thống lịch sử, Hà Tĩnh nhất định phải đi lên bằng nguồn lực con người, kết hợp với đầu tư khoa học công nghệ.

Phần thứ nhất có một cái nhìn phương pháp luận hết sức khái quát về đặc tính, phong cách con người xứ Nghệ, từ đó rút ra Hà Tĩnh chỉ có thể phát triển nhanh, bền vững từ lòng yêu nước, sức lực, trí tuệ của nhân dân Hà Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Tĩnh. Điều đó có mối liên hệ chặt chẽ với nguồn lực con người bàn đến ở phần thứ hai.

Trước hết cần nhấn mạnh lại cách nhìn về lịch sử. Điều quan trọng nhất là khai thác những giá trị của truyền thống lịch sử , tức là những truyền thống tốt đẹp, chứ không phải toàn bộ lịch sử hay truyền thống. Bởi vì có truyền thống tốt và truyền thồng xấu. Mà truyền thống lạc hậu là một kẻ địch, bạn đồng mình của các kẻ địch khác. Về mặt lịch sử, điều quan trọng là rút ra các đặc điểm và bài học kinh nghiệm thành công và chưa thành công để phát huy huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, tạo động lực phát triển quê hương.

Tàu vào ăn hàng tại cảng Cũng Áng

Cùng với Nghệ An, Hà Tĩnh trong thời kỳ chống ách đô hộ của thực dân Pháp là nơi nổ ra những cuộc khởi nghĩa đầu tiên, thành lập chính quyền Xô- viết. Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đứng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sớm nhất trong cả nước. Hai sự kiện đều thể hiện tinh thần yêu nước và cách mạng, tính năng động, tự chủ, sáng tạo nhưng ý nghĩa không hoàn toàn giống nhau. Không phải mọi hành động đầu tiên, sớm nhất là chứa đựng giá trị tích cực. Vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu để thấy được sự kết hợp nhuần nhuyễn tính cách mạng và tính khoa học; nhiệt tình cách mạng và trí tuệ, xuất phát từ hoàn cảnh thực tế địa phương và bối cảnh đất nước. Việc thành lập chính quyền Xô-viết Nghệ Tĩnh có ưu điểm và hạn chế. Đôi khi thừa nhiệt tình cách mạng mà thiếu trí tuệ, tầm nhìn và cách thức tiến hành một cách khoa học lại gây ra hậu quả khôn lường.

Cũng như vậy, khi nghiên cứu con người Hà Tĩnh, bên cạnh những truyền thống, đức tính tốt đẹp, cần phải chỉ ra được những hạn chế, yếu kém. Trung Quốc và gần đây là Việt Nam đã có những công trình bước đầu nghiên cứu những thói hư, tật xấu của người Việt, người Trung Hoa. Đây thật sự là những chất liệu khoa học vô giá để phục vụ cho tương lai. Điều này khá xa lạ với tư duy người Việt, đặc biệt là thời kỳ trước đổi mới. Thế nhưng trong di sản Hồ Chí Minh, chúng ta lại bắt gặp tinh thần cách mạng và đổi mới đó từ rất sớm. Trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, việc tìm hiểu trí tuệ và bản lĩnh của Người trong việc sớm phát hiện ra những căn bệnh của đảng cầm quyền được coi là một động lực để phát triển Việt Nam. Nếu chưa kể đến tác phẩm Đường cách mệnh ra đời năm 1927 khi Đảng chưa ra đời thì có thể nói ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những thói hư tật xấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nói chuyện với đại biểu cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Tĩnh năm 1957, Người thẳng thắn phê bình khuyết điểm “đoàn kết kém giữa cán bộ trong và ngoài Đảng, cán bộ cũ và mới, đảng viên cũ và mới. Ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm kém. Suy bì, so sánh cá nhân, không yên tâm công tác. Cấp trên, cấp dưới, trong Đảng và ngoài Đảng, quan hệ chưa mật thiết”[10]. Nói chuyện với Hội nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Người cũng chỉ ra những khuyết điểm như “đồng bào nông thôn, nhất là nông dân lao động chưa đoàn kết chặt chẽ. Ý thức bảo vệ của công còn kém. Thuần phong mỹ tục bị kém sút”[11].

Nét quê Tùng Ảnh

Ngày nay chúng ta đều biết “con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”[12]. Nói đến con người là nói đến sự nghiệp “trồng người”. Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển quê hương, đất nước, xây dựng văn hóa và con người. Người Hà Tĩnh như đã nói, có truyền thống hiếu học. Ai cũng khâm phục cái chí ham học của người Hà Tĩnh. Trên phạm vi cả nước, các tỉnh có làng Khoa bảng như Hà Tĩnh không nhiều. Danh hiệu Anh hùng Lao động xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên về thành tích giáo dục vẫn là thông điệp cho tương lai của Hà Tĩnh. Từ những truyền thống tốt đẹp đó, có hai vấn đề đặt ra. Một là, tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy, phát triển truyền thống quý báu đó như thế nào trong lớp trẻ hiện nay ở Hà Tĩnh? Hai là, huy động được chất xám của người Hà Tĩnh trong và ngoài nước như thế nào?

Hà Tĩnh hiện nay, cùng với việc tiến hành nhiều nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đang tập trung khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Vũng Áng và một vài dự án khu công nghiệp khác, là những công trình kinh tế trọng điểm của tỉnh. Tuy nhiên hiệu quả của việc khai thác đó chỉ có thể có được khi có một nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng quản lý hiện đại, biết ứng dụng các thành tựu về khoa học và công nghệ để tăng năng suất và hiệu quả sử dụng vốn. Lịch sử lùi xa đủ thời gian để Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh rút ra những bài học cần thiết, bên cạnh phát huy mặt tích cực, cần phải chống tư tưởng nóng vội, chủ quan và tâm lý do dự, rụt rè không dám làm và làm lớn. Dám đầu tư và chấp nhận rủi ro trong phát triển.

Nhân dân Hà Tĩnh là người sẽ đem lại thành công cho công cuộc xây dựng một Hà Tĩnh giàu mạnh, nhưng lực lượng của nhân dân Hà Tĩnh chỉ có thể được phát huy dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Tĩnh. Cần phải khẳng định dứt khoát rằng sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ Hà Tĩnh là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới ở Hà Tĩnh. Muốn vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng bộ và các tổ chức cơ sở đảng phải tiếp tục và thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, phát huy sức mạnh các dân tộc trong tỉnh mà hàng đầu là sức mạnh đại đoàn kết; kế thừa và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Hà Tĩnh, đồng thời có trí tuệ và bản lĩnh khắc phục những mặt hạn chế do điều kiện lịch sử, địa lý để lại để đưa sự nghiệp phát triển Hà Tĩnh tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội XI của Đảng mở ra những triển vọng mới cho công cuộc đổi mới đất nước. Tại Đại hội này Đảng ta nhấn mạnh: “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững. Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy cơ cấu lại và điều chỉnh chiến lược phát triển doanh nghiệp; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế”[13]. Đảng bộ Hà Tĩnh cần quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào hoàn cảnh thực tế địa phương với tinh thần tự chủ, sáng tạo, không rập khuôn máy móc, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, phát huy cao độ nội lực, đồng thời biết khai thác có hiệu quả ngoại lực để từng bước hoàn thành các chương trình đề ra.

Trên bệ phóng của một bề dày lịch sử vẻ vang trong đấu tranh giải phóng và xây dựng quê hương, hôm nay Hà Tĩnh đang trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, với một đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ các phẩm chất cần thiết về đạo đức cách mạng, năng lực trí tuệ, bản lĩnh chính trị và phương pháp, phong cách công tác; biết trọng dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân. Dưới sự lãnh đạo của một Đảng bộ luôn luôn biết lắng nghe và thấu hiểu, coi trọng việc giữ gìn sự đoàn kết nội bộ như giữ gìn coi ngươi của mắt mình, có trí tuệ và bản lĩnh nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khai thác hết tiềm năng của mọi nguồn lực trong tỉnh, ngoài tỉnh, trong nước, ngoài nước từ Trung ương đến các tỉnh bạn, nguồn lực của dân và của các nhà khoa học, một Đảng bộ “đạo đức và văn minh” như Bác Hồ đã dạy, chúng ta có niềm tin và hy vọng Hà Tĩnh sẽ có những bước phát triển mới xứng đáng với tầm vóc lịch sử của tỉnh nhà, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân cả nước.


[1] Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, 135 Nguyễn Phong Săc, Cầu Giấy, Hà Nội. Email: buidinhphong@gmail.com

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.94-95.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t.5, tr.698.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t.5, tr.65.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t.5, tr.295.

[6] Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ Tĩnh: Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh (Kỷ yếu Hội thảo khoa học), Nxb. Nghệ Tĩnh, 1990, tr.9.

[7] Đó là phong trào Cần Vương do Phan Đình Phùng và Việt Nam quang phục hội do Phan Bội Châu đứng đầu. Nhóm Tâm Tâm xã chủ yếu là người Nghệ Tĩnh. Tổng Bí thư đầu tiên là người Hà Tĩnh. Người Nghệ Tĩnh đi đến hầu khắp các nơi trên đất nước ta, sang cả Lào, Căm-pu-chia…

[8] Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, Sdd, tr.349.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t.3, tr.70.

[10] Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t.8, tr.416-418.

[11]Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t.8, tr.425-426.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.20.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.191-192.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast