"Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với ASEAN sau nhiệm kỳ của Obama"

Xem việc hợp tác với 10 quốc gia thành viên ASEAN là lợi ích quốc gia của Mỹ, Washington sẽ tiếp tục củng cố quan hệ kể cả sau khi Tổng thống Obama mãn nhiệm, đại sứ Mỹ tại ASEAN tuyên bố.

Tổng thống Mỹ Obama (giữa) trong cuộc họp với lãnh đạo các quốc gia ASEAN tại Malaysia hồi tháng 11/2015. (Ảnh: ASEANMP)

Tuyên bố trên được đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian khẳng định với kênh Channel NewsAsia, trong một cuộc phỏng vấn trước thềm hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Sunnylands, California diễn ra trong hai ngày 15 và 16/2.

“Các bạn có thể tin tưởng vào việc chúng tôi sẽ hiện diện tại đây và chú trọng vào Đông Nam Á cho dù ai là tổng thống tiếp theo”, bà Hachigian nói.

“Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất vào ASEAN còn ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của chúng tôi. Họ đóng góp nửa triệu việc làm tại Mỹ, và hàng triệu việc làm tại Đông Nam Á được các công ty của chúng tôi tạo ra khi tuyển dụng tại địa phương”.

Cuộc gặp chưa từng có tiền lệ

Năm nay sẽ là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Obama tại Nhà Trắng. Trong 8 năm vừa qua, ông đã đưa quan hệ Mỹ - ASEAN lên tầm cao chưa từng có.

Một trong những dấu hiệu về sự cam kết của ông Obama với khu vực này được thể hiện qua việc bổ nhiệm một đại sứ chuyên trách khu vực ASEAN từ năm 2010. Tháng 11 vừa qua, ông đã gặp gỡ các lãnh đạo ASEAN trong hội nghị thượng đỉnh khu vực tại Malaysia. Và tuần tới, họ sẽ một lần nữa nhóm họp tại California, trong cuộc họp chưa từng có tiền lệ.

Theo tiến sỹ Dewi Fortuna Anwar đến từ Viện khoa học Indonesia, mối quan hệ có thâm niên hàng nhiều thập kỷ giữa Mỹ và ASEAN sẽ tiếp tục, nhưng trọng tâm các vấn đề sẽ được dịch chuyển theo từng thời kỳ. Dù vậy, có thể ASEAN sẽ không có được sự quan tâm của cá nhân ông chủ Nhà Trắng, như ông Obama từng thể hiện.

“Có một cảm nhận chung rằng Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama đặc biệt thân thiện với ASEAN, và đã dành sự quan tâm cần thiết cho khu vực này. Điều này tiếp tục được toàn thể các quốc gia ASEAN đánh giá cao”, tiến sỹ Dewi nói.

“Do đó, câu hỏi là liệu chính quyền tiếp theo có dành sự quan tâm riêng cho khu vực này. Về mặt cá nhân, liệu có bao nhiều tổng thống tương lai của Mỹ từng lớn lên tại Jakarta?”

Sân khấu cạnh tranh của các cường quốc

Quan hệ Mỹ - ASEAN đến nay đã được nâng lên tầm đối tác chiến lược sau hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Kuala Lumpur. Trong cuộc gặp tại California tới đây, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận cách thức làm sâu sắc thêm quan hệ đó.

Trong số các vấn đề được bàn thảo, các nhà phân tích tin rằng an ninh hàng hải sẽ là một nội dung trong chương trình nghị sự, bởi một số quốc gia thành viên ASEAN đang có những tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông.

Washington cũng đã nêu quan ngại của mình về vấn đề, và hối thúc việc đảm bảo quyền tự do đi lại tại khu vực có những tuyến hàng hải huyết mạch. Dù vậy, tiến sỹ Dewi cho rằng ASEAN không thể trở thành bàn cờ cho sự cạnh tranh của các cường quốc.

“Đó là lí do vì sao ASEAN cần phải nỗ lực để tăng cường sự tự chủ khu vực, để đảm bảo rằng Đông Nam Á không trở thành một sân khấu ủy nhiệm cho các cuộc xung đột giữa các cường quốc. Đó là lí do vì sao ASEAN phải tiếp xúc với tất cả các cường quốc một cách bình đẳng, bởi chúng ta tin rằng sự tồn tại của chúng ta phụ thuộc vào mối quan hệ tốt với tất cả các cường quốc”.

Dù vậy Washington khẳng định cuộc họp Thượng đỉnh tại Sunnylands sẽ không bàn về Trung Quốc và rằng Mỹ quan tâm đến Đông Nam Á “vì lợi ích của mình”.

“Chúng tôi quan tâm tới ASEAN vì chính bản thân mình. Đây là khu vực với hơn 600 triệu dân. Chúng tôi đầu tư vào đây nhiều hơn vào Trung Quốc. Chúng tôi có rất nhiều lợi ích tại khu vực này”, bà Hachigian nhấn mạnh. “Việc này không hề liên quan gì tới Trung Quốc. Chúng tôi thực sự tin ASEAN hiện ổn định về mặt địa chính trị. Có rất nhiều cường quốc trong khu vực này ngoài Trung Quốc”.

Theo CNA/Dân trí

Chủ đề Hội nhập Quốc tế

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast