Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý để thúc đẩy báo chí phát triển

Năm 2012, Hà Tĩnh tiếp tục có 2 Tạp chí được Bộ TT và TT cấp Giấy phép hoạt động báo chí. Đó là Tạp chí Thông tin tư tưởng của BCH Đảng bộ tỉnh, nâng cấp từ Bản tin Thông tin tư tưởng và Tạp chí Khoa học, nâng cấp từ Bản tin Khoa học của Trường Đại học Hà Tĩnh.

Như vậy, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 6 tờ báo địa phương, bao gồm: Báo Hà Tĩnh (báo in và báo điện tử), Đài PT - TH, Tạp chí Văn hóa, Tạp chí Hồng Lĩnh, Tạp chí Thông tin-Tư tưởng, Tạp chí Khoa học và 01 Đặc san Hà Tĩnh - Người làm báo của Hội Nhà báo tỉnh.

Bức tranh đa sắc báo chí Việt Nam
Bức tranh đa sắc báo chí Việt Nam

Trên địa bàn có 5 Văn phòng Đại diện (VPĐD), bao gồm các báo: Phân xã TTXVN, Dân trí, Nông thôn ngày nay, Thanh tra, Nhà báo và Công luận. Có 6 Phóng viên thường trú (PVTT), bao gồm: Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Đầu tư, Báo Tiền phong, Báo Thời báo Tài chính Việt Nam, Báo Cựu Chiến binh, Báo Lao động Xã hội; Có 12 cơ quan báo chí có thông báo về hoạt động của phóng viên, cộng tác viên trên địa bàn, bao gồm: Báo Công an T.P HCM, Báo điện tử Vietnamnet, Báo điện tử VnExpress, Báo Lao động, Báo Pháp luật T.P HCM, Báo Công an Đà Nẵng, Báo Công an Nghệ An, Báo Bảo vệ pháp luật, Báo Đời sống và Pháp Luật, Tạp chí Kiểm sát, Báo Đời sống và Tiêu dùng, Báo Pháp luật T.P HCM.

Ngoài ra, có 41 bản tin của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, hội cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã; trên 40 trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã. Về đội ngũ nhà báo, phóng viên: Toàn tỉnh hiện có 141 phóng viên, biên tập viên được cấp Thẻ Nhà báo, có 191 hội viên Hội Nhà báo.

Năm 2012, các cơ quan báo chí địa phương, VPĐD, PVTT các báo TW và tỉnh bạn trên địa bàn đã bám sát nhiệm vụ chính trị, hoạt động đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích và định hướng tuyên truyền của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân. Các báo đã tập trung tuyên truyền kỷ niệm các sự kiện chính trọng đại, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào sự phát triển của tỉnh, phản ánh kịp thời các vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Thông qua nhiều hình thức thể hiện đa dạng, phong phú, báo chí thực sự đã trở thành một công cụ thiết yếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương. Các Nhà báo đã thực sự đồng hành cùng với tỉnh trong quá trình đổi mới và phát triển.

Về lĩnh vực Phát thanh và Truyền hình, Hà Tĩnh đã tiếp và phát sóng các kênh của Đài truyền hình trung ương; thời lượng, chất lượng các chương trình của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh không ngừng được nâng lên, đã phủ sóng 90% địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn Thành phố và một số huyện, thị đã được cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số; đáp ứng nhu cầu về thông tin thời sự chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật và thưởng thức văn hoá nghệ thuật cho nhân dân kể cả vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, Đài PT-TH đang trong quá trình thực hiện lộ trình để phát sóng lên vệ tinh, đến năm 2015 sẽ hoàn thành việc đưa sóng phát thanh - truyền hình lên vệ tinh VINASAT, phủ sóng 100% địa bàn, khắc phục được những hạn chế của thiết bị kỹ thuật thu phát sóng như hiện nay.

Với nội dung ngày càng đi sâu phản ánh thực tiễn lao động, xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương, phản ánh những vấn đề mà quần chúng quan tâm, hình thức thể hiện trên báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử ngày càng được cải tiến cho phù hợp, có chất lượng nội dung và giá trị thẩm mỹ cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn tình trạng đưa tin sai sự thật, xâm phạm đời tư, rút tít giật gân, câu khách; một số thông tin gây ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách chung và sự ổn định, phát triển của địa phương; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây sức ép để làm quảng cáo, đưa tin thiếu khách quan, sai sự thật...

Cùng với sự phát triển của các loại hình báo chí, sự ra đời các phương tiện, thiết bị truyền thông hiện đại và những xu hướng mới trong hoạt động báo chí, đòi hỏi công tác QLNN về báo chí không ngừng được đổi mới, kịp thời nắm bắt được xu hướng phát triển để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tạo điều kiện, thúc đẩy sự phát triển của báo chí.

Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/2009/QĐ-UB ngày 06/10/2009 về Quy chế phát ngôn, cung cấp, đăng phát và xử lý thông tin báo chí trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 48/2008/QĐ-UBND ngày 29/12/2009 về Quy định quản lý hoạt động các Văn phòng đại diện và phóng viên thường trú các báo trung ương và tỉnh bạn trên địa bàn, Thông báo số 3761/UBND-VX ngày 02/11/2011 về việc thông báo Danh sách Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh; Danh sách Phóng viên các VPĐD và PVTT trên địa bàn. Đây là những quy chế, quy định cụ thể của UBND tỉnh nhằm gắn kết hơn mối quan hệ của báo giới đối với mọi mặt đời sống xã hội, tạo điều kiện về nguồn thông tin, phản hồi thông tin, tạo cơ sở vững chắc hơn để thực hiện đúng Luật báo chí và tôn chỉ mục đích của các tờ báo, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí cho các đơn vị cơ sở. Nhiều văn bản QPPL, thông tin về công tác quản lý báo chí, về sự phát triển của lĩnh vực thông tin, báo chí được cập nhật và chuyển tải đến đội ngũ lãnh đạo các ban, ngành ở các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, trước tình hình có một số đối tượng giả danh nhà báo và việc cản trở hoạt động báo chí, Sở đã ban hành Công văn số 244/STTTT-BCXB ngày 16/10/2012 hướng dẫn các địa phương, đơn vị trong việc tiếp xúc, làm việc với phóng viên, nhà báo và nhà báo, phóng viên tác nghiệp ở cơ sở theo đúng các quy định của pháp luật.

Định kỳ hàng tháng Ban tuyên giáo tỉnh ủy phối hợp với sở thông tin truyên thông, hội nhà báo tổ chức hội nghị giao ban báo chí . Thông qua giao ban báo chí, các nhà báo được cung cấp thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội, định hướng tuyên truyền cũng như các chủ trương, chính sách lớn của tỉnh. Ngược lại, tỉnh cũng được nghe báo giới phản ánh những vấn đề ở cơ sở, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Có nhiều thông tin được các cấp, ngành liên quan làm rõ kịp thời, có nhiều thông tin được quan tâm, giải quyết. Một số vấn đề về thông tin trên báo như: thông tin sai sự thật, thông tin thiếu khách quan, thông tin một chiều, thông tin không mang tính xây dựng, thông tin vụn vặt, gây phản cảm… cũng được nêu lên để kịp thời chấn chỉnh. Nhiều vấn đề thời sự báo chí nêu được mổ xẻ, trả lời, phân định xử lý theo thẩm quyền, tạo được lòng tin trong nhân dân và đội ngũ những người làm báo. Giao ban báo chí định kỳ hàng tháng đã thực sự trở thành “cầu nối” giữa báo giới và cấp ủy, chính quyền ở Hà Tĩnh.

Nhiệm vụ đặt ra đối với công tác báo chí nói chung và công tác quản lý báo chí nói riêng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là cần phải nâng cao hơn nữa để vừa tạo hành lang pháp lý đảm bảo đúng định hướng lại vừa tạo điều kiện tốt nhất để báo chí phát triển.

Bản thân mỗi nhà báo - người làm báo phải xác định trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mình
Bản thân mỗi nhà báo - người làm báo phải xác định trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mình

Quản lý nhà nước về báo chí là một đặc thù, đây là nhiệm vụ của mọi cấp, ngành và của mỗi công dân. Để công tác quản lý báo chí góp phần thúc đẩy báo chí phát triển, thiết nghĩ cần hơn sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, của các cơ quan chức năng trong giám sát thực thi pháp luật về báo chí và của chính mỗi Nhà báo./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast