Nghiên cứu chính sách tích tụ ruộng đất, tháo gỡ khó khăn và đồng hành cùng doanh nghiệp

(Baohatinh.vn) - Sáng 18/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”. Đầu cầu Hà Tĩnh do Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn điều hành.

Việt Nam xuất khẩu 5 - 7 triệu tấn gạo mỗi năm tại 150 nước, vùng lãnh thổ

Trong 10 năm (2009 - 2019), Việt Nam từ một nước thiếu ăn trở thành quốc gia đứng vào nhóm 6 nước hàng đầu thế giới về sản lượng lúa và bình quân lương thực đầu người, tăng cao vai trò hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác.

Nghiên cứu chính sách tích tụ ruộng đất, tháo gỡ khó khăn và đồng hành cùng doanh nghiệp

Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” (Ảnh: VGP).

Dự kiến có 14 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó có 3 chỉ tiêu về lúa gạo; 2 chỉ tiêu về rau; 2 chỉ tiêu về cây ăn quả; 2 chỉ tiêu về chăn nuôi; 3 chỉ tiêu về thủy sản và 2 chỉ tiêu về đảm bảo khả năng tiếp cận lương thực.

Nghiên cứu chính sách tích tụ ruộng đất, tháo gỡ khó khăn và đồng hành cùng doanh nghiệp

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt khá (2,61%/năm). Năng suất và sản lượng các loại lương thực, thực phẩm đều tăng. Sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn; bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm. Sản lượng rau, quả, trái cây; sản lượng thịt hơi và thủy sản đều tăng cao so với năm 2009.

Đặc biệt, thị trường xuất khẩu được mở rộng, cả nước có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Riêng xuất khẩu gạo đạt bình quân mỗi năm từ 5 - 7 triệu tấn, đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa tuân thủ quy hoạch, tập trung theo hướng quy mô lớn. Cả nước xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tình hình an ninh - chính trị, giải quyết việc làm, giảm nghèo.

Nghiên cứu chính sách tích tụ ruộng đất, tháo gỡ khó khăn và đồng hành cùng doanh nghiệp

Các đại biểu tại đầu cầu Hà Tĩnh.

Đến năm 2019, bình quân thu nhập của người dân nông thôn tăng 4,3 lần so với năm 2009, khoảng cách thu nhập của nông thôn và thành thị giảm từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần.

Mục tiêu đến năm 2030, cả nước giữ ổn định 3,3 - 3,6 triệu ha, sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa; 20 - 22 triệu tấn rau đậu; 6,6 triệu tấn thịt hơi; 8 - 9 triệu tấn thủy sản... đảm bảo thu nhập người dân nông thôn tăng cao 2 lần so với hiện nay.

An ninh lương thực hướng đến nhu cầu dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần hoàn thiện cuộc sống nhân dân...

Tại Hà Tĩnh, trong 10 năm, sản lượng lương thực có hạt bình quân trên đầu người tăng cao, cao nhất là giai đoạn 2013 - 2018, từ 405 kg/người/năm lên trên 440kg/người/năm. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm tăng gấp 4 lần so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh; sản xuất từ chỗ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa kinh tế thị trường.

Giữ an ninh lương thực vững chắc trong mọi tình huống

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước với các vấn đề liên quan đến tăng trưởng dân số, thực trạng đô thị hóa, dịch bệnh, thiên tai liên tục xảy ra... thì an ninh lương thực càng trở nên bức thiết hơn.

Nghiên cứu chính sách tích tụ ruộng đất, tháo gỡ khó khăn và đồng hành cùng doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP)

“Chúng ta phải giữ vững được an ninh lương thực, thực phẩm cho toàn dân một cách vững chắc trong mọi tình huống. Đặc biệt là trong tình hình dịch Covid 19 hiện nay, việc giữ ổn định đời sống nhân dân, nhịp độ sản xuất là sức mạnh để chúng ta chiến thắng dịch” - Thủ tướng nói.

Theo đó, yêu cầu Bộ NN&PTNT cần “chốt” diện tích sản xuất lúa, sản lượng lúa và khả năng đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực quốc gia. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu... Trước mắt, Việt Nam phải đáp ứng đủ lương thực, thực phẩm cho 104 triệu dân đến năm 2030. An ninh lương thực tập trung vào nhu cầu dinh dưỡng và an toàn thực phẩm...

Chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đề nghị các ngành tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thiện đề án xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh gắn với xây dựng các chuyên đề tái cơ cấu nông nghiệp.

Nghiên cứu chính sách tích tụ ruộng đất, tháo gỡ khó khăn và đồng hành cùng doanh nghiệp

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường nghiên cứu chính sách tích tụ ruộng đất, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast