Ngọt bùi nhớ thuở đắng cay...

(Baohatinh.vn) - Lịch sử cách mạng Việt Nam mãi mãi khắc ghi mốc son chói lọi, hào hùng của mùa thu Cách mạng tháng Tám năm 1945 - cuộc cách mạng đã làm hồi sinh cả dân tộc...

Ôi nhớ những năm nào thuở trước

Năm nay đã bước vào tuổi 92 nhưng cụ Nguyễn Thị Vấn (xã Phù Việt, Thạch Hà) vẫn còn minh mẫn. Cụ nhớ như in về một thời đầy máu và nước mắt trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Thời đó, nông dân chiếm hơn 95% dân số. Trong đó hầu hết là thiếu ruộng hoặc không có ruộng. Họ phải làm kiếp tá điền, nhận ruộng phát canh của địa chủ, lĩnh trâu bò của địa chủ, cày cấy nạp tô.

Nổi dậy giành chính quyền. Ảnh tư liệu
Nổi dậy giành chính quyền. Ảnh tư liệu

Treo hái là hết lúa. Địa chủ đã bóc lột tô, tức, nhân công hết sức nặng nề đối với nông dân. Đặc biệt, từ năm 1941, nhân dân ta phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” dưới 3 tầng áp bức Pháp - Nhật, thuế điền tăng lên 18%, nạn lạc quyên, đóng góp, phu đài, tạp dịch thường xuyên diễn ra. Thanh niên phải đi lính làm bia đỡ đạn cho bọn thực dân, phát xít. Nạn đầu cơ tích trữ làm cho giá cả tăng vọt, nhất là chính sách nhổ lúa trồng đay, chính sách mua thóc tạ của phát xít Nhật dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực, làm cho đời sống nhân dân thêm cơ cực, lầm than. Thật đúng như nhà thơ Tố Hữu từng viết:

Ôi nhớ những năm nào thuở trước

Xóm làng ta xơ xác héo hon...

Con đói lả ôm lưng mẹ khóc

Mẹ đợ con đấu thóc cầm hơi.

Hậu quả của sự bóc lột, vơ vét của Nhật - Pháp trong 5 năm (1941-1945) cộng với 2 vụ chiêm, mùa năm 1944 bị mất nên cũng như nhiều địa phương khác, Phù Việt đã xảy ra nạn đói khủng khiếp chưa từng thấy. Nhân dân ở đây phải ăn rau, cám, củ chuối v.v... để sống cầm hơi. Hết cái ăn, họ chết rũ, chết gục đầu làng, cuối xóm; nhiều gia đình chết 2-3 người.

Cụ Vấn là người làm nghề bán nón lá nên có điều kiện đi khắp nơi như thị xã Hà Tĩnh, Can Lộc, Nghi Xuân, Kỳ Anh... đến đâu cụ cũng thấy người chết đói đầy đường, đầy chợ, bãi cồn, chôn không kịp. Thôn xóm rùng rợn, tái tê. Thị xã Hà Tĩnh hàng ngày phải dùng 2-3 chuyến xe bò mới chở hết xác người chết đói về chôn ở Cồn Cồ, Đỗ Đen. Từ cuối năm 1944 đến đầu 1945, ở Hà Tĩnh có tới 5 vạn người chết đói (cả nước gần 2 triệu người). Huyện Nghi Xuân có số người chết nhiều nhất với 8.161 người, Kỳ Anh 5.000 người... nhiều gia đình 5-6 người chết đói không còn một ai!

Trước tình hình đó, các tổ chức cách mạng phải vừa lãnh đạo nhân dân đấu tranh, vừa hướng dẫn các hoạt động cứu đói. Quần chúng được cán bộ chỉ dẫn đã vùng lên phá kho thóc của Nhật. Ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, đồng bào đã vùng lên phá hàng chục kho, lấy thóc phân phát cho hàng nghìn gia đình bị đói. Ở một số nơi, các đoàn thể cách mạng đã tổ chức cho nhân dân cướp lại thóc gạo đang bị địch cất giữ trong đồn. Nhân dân Kỳ Anh còn chặn cả đoàn thuyền chở thóc của Nhật để giành lại. Ngoài việc phá kho thóc của Nhật, trong các vùng nông thôn, nông dân ta đã buộc bọn hào lý phải đem chia các loại thóc quỹ để cứu đói.

Nhiều nơi ở Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, cán bộ cách mạng còn quyên tiền đi vào Quảng Bình mua gạo về giúp dân. Cứu đói là mục tiêu cấp bách của quần chúng nhân dân. Chống Nhật để cứu đói là hoạt động được mọi người hưởng ứng mạnh mẽ, trở thành sự kiện mở đầu cho cao trào kháng Nhật, cứu nước ở Hà Tĩnh...

Quê hương ngày mới

Tháng Tám năm 1945, cùng với người dân Phù Việt nói riêng và Hà Tĩnh nói chung, cụ Nguyễn Thị Vấn đã hăng hái tham gia giành chính quyền về tay nhân dân và đến năm 1955, cụ được cử làm chủ tịch xã. Trong ký ức của cụ mãi mãi lưu giữ không khí hào hùng của mùa thu tháng Tám 1945, nhân dân ta dưới ngọn cờ tiên phong của Đảng và lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, đã nhất tề vùng lên như sóng trào, thác đổ, cuốn phăng ách đô hộ gần 100 năm của thực dân, đế quốc, xóa tan đêm dài của ngàn năm phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.

Trung tâm hành chính xã Phù Việt (Thạch Hà) được xây dựng khang trang. Ảnh: P.V
Trung tâm hành chính xã Phù Việt (Thạch Hà) được xây dựng khang trang. Ảnh: P.V

Cách mạng đã làm hồi sinh cả dân tộc. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, nhân dân đã phát huy tinh thần yêu nước, chí khí quật cường và sức sáng tạo của dân tộc, đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của những đế quốc đầu sỏ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH, tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã làm thay đổi căn bản bộ mặt quê hương, đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Phù Việt hôm nay đang tích cực xây dựng nông thôn mới để phấn đấu về đích năm 2014. Cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư xây dựng; trường học, trạm y tế khang trang, đường giao thông được bê tông hóa đến tận thôn xóm, đêm đêm ánh điện sáng bừng trong những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Cuộc sống của các gia đình đã no đủ, cữ tháng 8 này mà nhiều hộ còn 3-4 tấn thóc trong nhà, không còn nỗi lo thiếu đói “ngày ba, tháng tám” như trước đây. Trên những con đường bê tông phẳng lỳ, từng đàn em thơ đang náo nức đến trường đón chào năm học mới, xóm thôn ríu rít tiếng cười con trẻ...

Nhờ có Đảng, không chỉ Phù Việt mà khắp nơi trong tỉnh, từ thành thị đến nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, người dân Hà Tĩnh đã đổi đời. Cuộc sống vật chất và tinh thần được nâng lên, kể cả những khi thiên tai bão lụt, hoặc mùa giáp hạt, Đảng và Nhà nước vẫn quan tâm đầy đủ, không để người dân phải chịu cảnh đói rét. Mặc dù là địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở Hà Tĩnh đã đạt 24 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 11,5%.

Đi đôi với phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân. Quy mô, chất lượng giáo dục, y tế được mở rộng và phát triển. Các gia đình chính sách, người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội được thường xuyên chăm lo và thực hiện đầy đủ các chế độ. “Ôn cố tri tân”, có hiểu được cuộc sống đói khổ, lầm than của người dân dưới chế độ cũ, chúng ta càng biết ơn Đảng và Nhà nước đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. Không ai được phép lãng quên quá khứ, bởi nếu quên quá khứ thì cũng không hiểu hết giá trị của cuộc sống hiện tại và thiếu định hướng cho tương lai.

“Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay/Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm”. Thấy được quá khứ đau thương, sống lại khí thế sục sôi cách mạng của những ngày khởi nghĩa năm xưa, chúng ta càng hiểu hơn giá trị của cuộc sống hiện tại và tự hào về Đảng, về Bác Hồ, về nhân dân và đất nước. Hào khí Cách mạng tháng Tám đang thôi thúc, giục giã các thế hệ ngày nay tiếp bước cha ông, phát huy truyền thống vẻ vang, gắn kết lịch sử và thời đại, đưa Tổ quốc Việt Nam lên một tầm cao mới, sánh vai cùng các cường quốc năm châu...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast