Người công giáo ghi ơn Bác Hồ

Đây là câu chuyện do linh mục Nguyễn Văn Ngọc kể trong cuốn "Kể chuyện Bác Hồ" tập II, NXB Giáo dục 2006, trang 126. Câu chuyện có nội dung như sau:

"Năm 1946, linh mục Nguyễn Văn Ngọc khi đó đảm đương công việc ruộng đất của Nhà Chung tại giáo xứ Lương Văn, có trách nhiệm cung cấp lương thực để đài thọ cho 600 linh mục, chúng sinh dòng tu nam, nữ của thành phố. Trong điều kiện Huế bị bao vây, linh mục không có cách nào chở được số lúa gạo vào thành phố cho Nhà Chung ăn tiêu.

Linh mục rất lo lắng, đem chuyện này thưa lại với đồng chí Quế, lúc đó là cán bộ Việt Minh của mặt trận Thừa Thiên - Huế, vẫn có liên lạc với giáo xứ Lương Văn. Sau môt hồi suy nghĩ, đồng chí Quế khuyên linh mục Ngọc nên viết thư xin phép Bác Hồ, đồng chí sẽ cố gắng tìm cách chuyển giúp.

Không còn cách nào khác, linh mục Ngọc đánh bạo viết thư lên Cụ Chủ tịch, thực lòng cũng không dám hy vọng sẽ đến được với Bác Hồ trong hoàn cảnh chiến tranh, Người lại ở quá xa và đang bận trăm nghìn công việc lớn lao của đất nước.

Thật bất ngờ, một tháng sau, đồng chí chuyển đến cho linh mục Ngọc một cái thiếp có chữ ký và dấu của Cụ Chủ tịch. Nội dung gồm hai điểm:

1) Cho phép linh mục Nguyễn Văn Ngọc được phép chở 9000 thúng lúa lên thành phố Huế trong vòng một tháng để trợ cấp cho Nhà Chung.

2) Linh mục Ngọc được tự do đi lại trong tỉnh Thừa Thiên để coi sóc ruộng đất của Nhà Chung, tiếp tục trồng cấy, không được để ruộng đất bỏ hoang..."

Câu chuyện đã nói lên chính sách của Đảng, Bác Hồ xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta là thưc hiện đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Tấm lòng bác ái bao la của Bác Hồ không chỉ đoàn kết các dân tộc và tôn giáo trong nước, mà còn đối với các dân tộc, tôn giáo yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Bác Hồ từng nói, chúng ta đánh đuổi bọn thực dân xâm lược Pháp và đế quốc Mỹ, nhưng chúng ta đoàn kết với nhân dân tiến bộ của nước Pháp và nước Mỹ. Lòng Bác quặn đau khi thấy những nô lệ da màu bị đối xử thậm tệ trên đất nước Mỹ. Trong một lần thấy một tù binh Pháp co ro trong giá rét của căn cứ Việt Bắc, Bác đã cởi chiếc áo khoác của mình đang mặc ra cho tên lính Pháp, khiến hắn vô cùng cảm động. Tháng 10 năm 1959, khi trả lời cố vấn biên tập một tờ báo của Nhật Bản, về việc Chính phủ Nhật Bản dự định bồi thường chiến tranh cho Việt Nam nhưng lại chọn chính quyền miền Nam lúc đó do nguỵ quyền Sài Gòn kiểm soát, Bác Hồ đã trả lời: "... Nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà thấy rằng, việc đòi hỏi Nhật Bản bồi thường sẽ là một gánh nặng cho nhân dân Nhật Bản. Vấn đề cốt yếu trong quan hệ giữa hai nước không phải là việc đòi bồii thường, mà tình đoàn kết hợp tác giữa hai dân tộc Việt - Nhật đấu tranh chống chiến tranh, bảo vệ là quý hơn hết" (sách đã dẫn, trang 153). Mặc dù lúc ấy hơn ai hết, Bác Hồ là người hiểu rõ những tội ác tày trời do bọn phát xít Nhật gây ra cho nhân dân ta trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, bắt nhân dân ta phải nhổ lúa trồng đay, vơ vét hết thóc lúa, làm cho hơn hai triệu đồng bào chết đói năm 1945. Vì vậy sau khi giành được độc lập, một trong ba công việc cấp bách đặt ra cho Chính phủ lúc bấy giờ, nhiệm vụ "diệt giặc đói" được đặt lên đầu tiên.

Tấm lòng nhân ái, bao dung của Bác Hồ đã làm cho cả thế giới tôn kính, ngưỡng mộ. Kết thúc câu chuyện, vị linh mục đã ca tụng Bác Hồ, vị chủ tịch có lòng bác ái mênh mông của Chúa, tất cả vì lợi ích và cuộc sống con người, không phân biệt lương hay giáo. Bác Hồ đúng là hiện thân của chính sách đại đoàn kết dân tộc, đại đoàn kết tôn giáo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast