Nhà nước pháp quyền và quyền làm chủ của nhân dân

Bất cứ một quốc gia nào trên thế giới đã sinh ra nhà nước là sinh ra pháp quyền. Một quốc gia mạnh hay yếu đều phụ thuộc vào kỷ cương phép nước yếu hay mạnh. Chính vì thế, xây dựng nhà nước pháp quyền là yếu tố khách quan, phù hợp với tiến trình phát triển lịch sử ở mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.

Pháp quyền nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam từ lâu đã được đại đa số nhân dân thực hiện nghiêm túc, bởi pháp quyền của ta là của dân, do dân và vì dân. Dân chính là tai mắt, là trí tuệ, là “linh hồn” vĩ đại của pháp quyền, hay nói cách khác, trên phương diện lý luận, thì pháp quyền đó là thể chế của hiến pháp được xây dựng và hoàn thiện từ sức mạnh dân chủ của nhân dân.

Ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình, Hồ Chủ Tịch đọc Tuyên ngôn độc lập và trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Để mọi người được thực hiện dân chủ, dân quyền và dân sinh, ngay sau khi giành được chính quyền, Việt Nam đã bắt tay ngay vào việc xây dựng bản hiến pháp đầu tiên của một đất nước đã thoát khỏi xiềng gông nô lệ của thực dân, phong kiến. Bản Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện rõ quyền lập hiến và quyền con người Việt Nam từ các giá trị tư tưởng đã trở thành giá trị pháp luật trong điều kiện và hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam. Từ hiện thực sinh động trong cuộc sống nên những quy định của Hiến pháp năm 1946 đã trở thành những chuẩn mực hiến định đầu tiên cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Gần 7 thập kỷ qua đã có 4 bản hiến pháp lần lượt được bổ sung, chỉnh sửa. Những bản hiến pháp này đều dựa vào từng hoàn cảnh và xu thế vận động của quy luật khách quan. Bất luận hoàn cảnh nào, cùng với những kỳ tích mà chúng ta đã đạt được trong chiến đấu, sản xuất và dựng xây đất nước, nhân dân ta rất tôn trọng và vững niềm tin với những bản hiến pháp đó. Từ Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi và bổ sung năm 2010) là những cột mốc quan trọng trong quá trình củng cố và xây dựng pháp quyền ở nước ta.

2013 là một năm cả nước ta tập trung cao độ trí tuệ và nguyện vọng của nhân dân để góp ý chỉnh sửa, bổ sung cho bản hiến pháp mới. Với mục đích cao cả nhất: thực hiện tốt quyền làm chủ của nhân dân bằng những điều cụ thể nhất, khoa học nhất, đáp ứng đời sống của nhân dân. Khi nền dân chủ càng cao và càng đi đúng hướng theo hoàn cảnh lịch sử thì dân sẽ giàu, nước sẽ mạnh.

Chúng ta cần hết sức tỉnh táo trong bối cảnh tình hình chính trị trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Cần phải có những biện pháp rắn hơn, mạnh hơn đối với những kẻ lợi dụng dân chủ để kích động, lôi kéo những phần tử xấu chống phá Đảng, Nhà nước và pháp quyền XHCN. Nhà nước và pháp quyền là sức mạnh vĩnh hằng của nhân dân dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng. Chính nhờ sức mạnh này, mỗi công dân mới đảm bảo quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast