Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đừng đụng vào cõi thiêng!

Quốc ca là những kỷ niệm đã trở thành linh thiêng của cả một dân tộc và cả một thời đại

Cái cõi thiêng ấy là Quốc ca Việt Nam. Sở dĩ có sự xao động trong mấy ngày qua trên các kênh truyền thông chính thống, cũng vì có một vị đại biểu Quốc hội, khi bàn về Hiến pháp, đã đề xuất nên sửa lại lời Quốc ca cho phù hợp với tình hình thực tiễn của hiện tại. Nhiều người cũng đã lên tiếng. Báo điện tử VOV đã có tiếng nói kịp thời. Nay tôi muốn nói rõ thêm. Việc sửa lời Quốc ca thực ra cũng chẳng phải mới mẻ gì. Trước đây, chúng ta còn định thay Quốc ca. Đó là vào những năm 80 của… thế kỷ trước. Cũng may các nhà lãnh đạo đã dựa vào dân, chăm chú nghe tiếng nói của dân, nên Quốc ca đã được giữ lại.

Để mở rộng dân chủ, những năm ấy đã có cuộc vận động sáng tác Quốc ca rồi xin ý kiến dân. 17 bài hát đặc sắc nhất trong tổng số hàng vạn bài hát đã được tuyển chọn, dàn dựng công phu, phát liên tục trên Đài Tiếng nói Việt Nam để cho nhân dân lựa chọn. Đã có bao nhiêu nhạc sĩ tài danh thi với Văn Cao, sáng tác Quốc ca mới mà rồi cuối cùng, đều thua ông ấy cả. Mặc dù xét về tài năng, các nhạc sĩ tham gia cuộc thi cũng đâu có xoàng. Đến ngay cả Văn Cao có sáng tác Quốc ca để thi với Tiến quân ca của chính ông thì ông cũng sẽ thua. Dứt khoát thua.

Người ta hát Quốc ca trong muôn vàn tình huống, nhưng đều ở những thời khắc thiêng liêng nhất.

Người ta hát Quốc ca trong muôn vàn tình huống, nhưng đều ở những thời khắc thiêng liêng nhất.



Bởi kiệt tác ấy nó là nó cộng với cái ở ngoài nó. Đó là những kỷ niệm đã trở thành linh thiêng của cả một dân tộc và cả một thời đại. Ở đó còn có cả những kỷ niệm linh thiêng đối với mỗi đời người. Người ta hát Quốc ca trong nhà tù, hát giữa Trường Sơn rồi Trường Sa, hát trong giây khắc kết nạp Đảng, hay đón khách quốc tế, hoặc trong muôn vàn tình huống khác, nhưng đều ở những thời khắc thiêng liêng nhất. Những tác phẩm khác, dù cũng rất hay nhưng không có được cái thế mạnh này. Đó là những giá trị ở ngoài nó. Vì thế không ai thắng được Văn Cao. Cũng không thể thay Quốc ca được, nếu để cho nhân dân lựa chọn.

Nếu có sửa Quốc ca thì phải sửa từ năm 1946, khi Tiến quân ca thành Quốc ca. Và người sửa chỉ có thể là Văn Cao. Bây giờ Văn Cao đã thành người trong cõi nhớ thương rồi, thì ai có thể thay ông mà sửa lại được. Quốc hội có quyền chọn hoặc bỏ hẳn, chứ không có chuyện thay đổi lời Quốc ca. Đến cả con Văn Cao cũng không sửa được, vì vi phạm luật Bản quyền. Đây chỉ là ý kiến của một cá nhân, một đại biểu Quốc hội, chứ không phải chủ trương của Quốc hội.

Cũng cần nói rõ hơn rằng, ngày xưa Văn Cao viết Tiến quân ca chứ có viết Quốc ca đâu. Cụ Hồ và Quốc hội khoá đầu tiên năm 1946 đã sáng suốt chọn ca khúc này thành Quốc ca. Bây giờ chê ca từ “Đường vinh quang xây xác quân thù” thì cũng có lý, nhưng không phải cái có lý nào cũng có thể làm lại được. Giai đoạn lịch sử ấy nó thế, vì đó là những năm chiến tranh. Chiến tranh là như vậy. Bài hát này lại viết cho những người lính trận thì tất nó phải thế.

Một đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Quốc ca là một phần của lịch sử Việt Nam. Và, chúng ta hãy nhìn Quốc ca bằng tâm thức lịch sử, chứ không nên áp đặt những cái nhìn theo tính chất thời thượng”. Nếu theo thời thượng thì cứ một hai năm lại chữa Quốc ca sao?

Thật có lý khi nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha cho rằng: “Quốc ca, cả phần nhạc và lời vốn là bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao. Bài hát đã đi cùng lịch sử, in vào tâm khảm mọi người dân. Ca khúc đã trở thành biểu tượng của một giai đoạn lịch sử, lời ca đã gắn liền với thời đại rồi nên không thể dễ dàng thay đổi. Dù có thể có chỗ ca từ ở thời điểm này không hoàn toàn phù hợp, nhưng nó được sinh ra trong giai đoạn lịch sử của dân tộc và thời đại đó đã sinh ra đất nước này. Nhìn sang các nước trên thế giới, thực tế, có nhiều bài Quốc ca với lời ca còn “bạo liệt” hơn nhiều, như Quốc ca của Pháp, bài ca Marseille, nhưng họ vẫn giữ nguyên vẹn đấy thôi.

Ngay cả bài Quốc tế ca cũng có những ca từ từng bị kêu là không có giá trị bền vững theo thời gian: “Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tànhQuyết phen này sống chết mà thôi”. Nghe cũng đằng đằng sát khí đấy chứ. Vậy mà họ cũng đâu có sửa!

Nhiều người dân cũng lên tiếng. Ông Lê Huy Tuấn cho rằng: “Đất nước ta có được như hôm nay cũng là nhờ bao người hy sinh, Quốc ca như vậy có gì đâu mà phải đổi. “Đường vinh quang xây xác quân thù” - đó là một sự thật, cũng là lời cảnh báo cho bất cứ thế lực ngoại xâm nào nhăm nhe xâm chiếm đất nước, xâm chiếm Biển Đông của ta. Lời đó có gì mà phải sửa. Nếu có sửa thì phải trưng cầu ý dân”.

Độc giả Trần Đại Vinh khẳng định: “Theo tôi không nên sửa lời Quốc ca vì nó không chỉ của riêng Văn Cao mà là tài sản chung của mỗi người dân Việt Nam. Những câu chữ trong bài hát là khí phách hồn thiêng sông núi, khi tiếng ca cất lên mọi người đều cảm nhận được. Tại sao phải sửa lời khi nó đã thấm vào máu của người Việt chúng ta bao lâu nay rồi?”.

Độc giả Duy Quý còn bức xúc: “Tôi thấy những cái gì cần bàn thì hãy mang ra bàn, và đã bàn tức là phải hiểu đó là nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân. Những người hay đưa ra những "sáng kiến" mà chưa cần bàn cũng biết đó không bao giờ là nguyện vọng của đại đa số nhân dân thì nhất định không nên đưa ra để bàn”.

Điểm qua ý kiến của công chúng như thế để thấy vấn đề không hề đơn giản. Dù đó chỉ là ý kiến của một cá nhân. Và ý kiến đó không phải không có lý. Nhưng như tôi đã nói, không phải cái có lý nào cũng có thể làm lại được.

Nhìn lại các ca khúc của chúng ta, nhiều bài hát nổi tiếng, giai điệu rất đẹp, nhưng lời ca lại thô, thậm chí rất phản cảm. Cũng như Trịnh Công Sơn, Văn Cao là nhạc sĩ có rất nhiều ca từ hay. Ông là nhà thơ, nên lời ca của ông, câu chữ thường chắt lọc. Mấy chữ của ông mà chúng ta bàn hôm nay cũng đâu có dở. Thậm chí nó còn rất đắc địa nếu đặt đúng trong thời điểm ra đời của nó.

Dù chưa phải hoàn thiện, nhưng vẫn không nên đặt vấn đề sửa lời Quốc ca. Trong ca khúc, lời rất quan trọng, nhưng lời chỉ là một phần của tác phẩm âm nhạc. Ra quốc tế, người ta cử Quốc ca, chỉ có nhạc chứ có lời đâu. Mà lời Quốc ca thì đã thành một phần của lịch sử. Lịch sử bao giờ cũng thiêng liêng. Đừng đụng vào cõi thiêng ấy…!/.

Theo Trần Đăng Khoa/VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast