Nhà tù Phú Quốc - biểu tượng của tinh thần bất khuất và lòng quả cảm, kiên trinh

Dẫu phải chịu nhiều đau thương, mất mát nhưng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trang sử hào hùng, oanh liệt, vẻ vang trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Thời khắc ghi đậm mốc son chói lọi bằng cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử quét sạch bóng quân thù, đập tan chế độ tay sai nguỵ quyền Sài Gòn vào trưa 30/4/1975. Gần 4 thập kỷ đất nước hoà bình, thống nhất nhưng biết bao bằng chứng tội ác tày trời của kẻ thù vẫn còn đó. Nhà tù Phú Quốc là một trong những chứng tích như thế…

Tôi đã có dịp đến nhiều tỉnh, thành phố ở miền Nam. Đi đến đâu cũng mừng vui bởi thấy cuộc sống tươi mới bừng lên khắp thành thị, thôn quê. Từ miền đông đến miền tây Nam Bộ, từ quê hương Đồng Khởi Bến Tre đến đất mũi Cà Mau cực nam Tổ quốc thân yêu, đâu đâu cũng rạo rực một sức sống mới.

Miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” kiên cường, anh dũng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, năng động, sáng tạo trong sự nghiệp đổỉ mới. Để có bức tranh thanh bình hôm nay, nhân dân ta đã phải chịu nhiều hy sinh, mất mát trong cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù hung bạo nhất thời đại của thế kỷ XX.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm khu di tích lịch sử trại giam tù binh cộng sản Việt Nam Phú Quốc - Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm khu di tích lịch sử trại giam tù binh cộng sản Việt Nam Phú Quốc - Ảnh: Tư liệu

Trong chuyến hành trình dài ngày, tôi đã được đặt chân đến Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, hòn đảo lớn nhất Việt Nam. Địa danh Phú Quốc đã có từ hơn 400 năm trước, bây giờ được mệnh danh là “Thiên đường nhiệt đới của Châu Á”.

Phú Quốc non nước mây trời hòa quyện như tranh, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần- xa. Hòn đảo xinh đẹp này có nhà tù Phú Quốc (hay còn gọi là Trại giam tù binh Phú Quốc), nơi ghi đậm tội ác của chủ nghĩa đế quốc và bè lũ tay sai dựng lên từ đầu tháng 7/1967. Đây là trại giam lớn nhất của giặc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam. Chúng giam giữ trên 30.000 ngàn chiến sỹ yêu nước và dân thường bị bắt trong các cuộc chiến đấu hoặc càn quét, vây ráp.

Chứng tích tội ác của chế độ Nhà tù Côn đảo
Chứng tích tội ác của chế độ Nhà tù Côn đảo

Mỗi một chiến sỹ, người dân không may sa vào tay kẻ thù được đưa đến đây đều phải chịu những cực hình vô nhân đạo bởi dã tâm của những tên “đao phủ” thời hiện đại.

Bằng các thủ đoạn đê hèn, mục đích của kẻ thù là làm cho những người yêu nước Việt Nam đau đớn về thể xác, bạc nhược về tinh thần rồi nhụt chí đầu hàng chúng hoặc không còn được sự tín nhiệm để tiếp tục chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.

Âm mưu thâm độc là thế nhưng cuối cùng chúng vẫn bị hạ gục bởi ý chí sắt thép của các chiến sỹ cách mạng. Cho dù bị tra tấn dã man với đủ cực hình, thậm chí hơn cả thời trung cổ, nhưng họ không bao giờ lung lay, nao núng.

Những tù binh mang thương tích do những trận đòn roi tra tấn
Những tù binh mang thương tích do những trận đòn roi tra tấn

Trong lao tù, các chiến sỹ trước sau giữ trọn chí khí, một lòng theo Đảng, theo cách mạng, quyết đấu tranh với kẻ thù đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Bên họ luôn có sự đùm bọc, chở che, thương yêu của đồng chí, đồng bào. Những người bị bắt có quê quán ở hầu khắp các tỉnh, thành phố khắp cả nước.

Trong gian trưng bày di ảnh, hiện vật ở Nhà tù Phú Quốc, tôi ghi được danh sách 57 người con quê hương Hà Tĩnh, phần nhiều là ở các huyện Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn và Cẩm Xuyên. Rất tiếc là do lâu ngày nên nhiều di ảnh, bút tích của các chiến sỹ không thể nhìn rõ bằng mắt thường. Chỉ có tinh thần, ý chí tiến công kẻ thù với khát vọng độc lập, tự do cho Tổ quốc thì toát lên trông thấy trên mỗi gương mặt.

Khách tham quan lặng mình trên những "chuồng cọp", nơi giam giữ những chiến sỹ cách mạng
Khách tham quan lặng mình trên những "chuồng cọp", nơi giam giữ những chiến sỹ cách mạng

Họ đều là những người con kiên trung, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thời gian lặng lẽ trôi qua. 38 năm sau ngày đất nước trọn niềm vui một nhà, du khách khắp nơi nườp nượp đến Phú Quốc.

Trong dòng người tứ xứ đó, phần lớn đều ghé thăm “địa ngục trần gian” Phú Quốc. Chị Trần Thị Ngọc Giàu, Phó trưởng Ban quản lý Khu di tích Nhà tù Phú Quốc cho biết, không chỉ có du khách trong nước mà ngày càng có nhiều người nước ngoài đến đây tham quan, tìm hiểu. Nhiều du khách không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh tù đày, đánh đập còn được lưu giữ qua những bức ảnh, sách, báo và cả những nhân chứng sống…

Từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chưa bao giờ Phú Quốc phát triển nhanh chóng như hiện nay. Sân bay, bến cảng và các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử văn hoá luôn nhộn nhịp.

Hòn đảo này được xác định là điểm nhấn trong lộ trình phát triển kinh tế du lịch không chỉ riêng của tỉnh Kiên Giang mà của cả nước. Đảo Phú Quốc quanh năm lộng gió biển khơi với nhiều tiềm năng, lợi thế đang hứa hẹn những điều tốt lành trong quá trình phát triển.

Đứng trước Nhà tù Phú Quốc, ngước mắt nhìn không gian bát ngát màu xanh của những cánh rừng tự nhiên nhấp nhô soi bóng xuống làn nước biển xanh biếc, tôi lại nghĩ đến một thời oanh liệt chưa xa. Biết bao người con yêu nước đã quyết tử với kẻ thù vì nghĩa lớn.

Quá khứ đau thương mà anh dũng, hào hùng. Thế hệ hôm nay và cả mai sau không bao giờ quên ơn các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trên hòn đảo này. Nhà tù Phú Quốc vẫn còn đó những bằng chứng tội ác của kẻ thù giữa thế kỷ XX mà cứ ngỡ ở thời mông muội.

Thanh bình đảo Phú Quốc
Thanh bình đảo Phú Quốc

Ai đã từng đặt chân đến đây, được nhìn xà lim, chuồng cọp, được nghe kể về những tù nhân hằng ngày phải đương đầu chống chọi với giặc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước mới thấu hiểu sức chịu đựng và lòng can đảm của họ biết nhường nào. Những năm tháng đau thương, đen tối đã đi qua. Bao quanh hòn đảo là những hàng dương, hàng dừa sớm chiều vi vu ru giấc ngủ vĩnh hằng của biết bao chiến sỹ cách mạng đã hiến trọn đời cho Tổ quốc độc lập, tự do, cho hoà bình, hạnh phúc của nhân dân.

Vết thương chiến tranh đang được hàn gắn theo thời gian, chỉ có tinh thần bất khuất của các chiến sỹ yêu nước thương nòi thì vẫn còn đó. Từ Phú Quốc trở về đất liền, tôi mong có ngày trở lại để được tìm hiểu những điều chưa biết về sự hy sinh to lớn của các chiến sỹ yêu nước đã nằm lại ở hòn đảo tươi đẹp này, trong đó có nhiều người con của quê hương Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast