Nhất quán trong ứng xử về biển Đông

(Baohatinh.vn) - Chưa ai dám khẳng định rằng, Trung Quốc đang leo thang trong chiến lược “nuốt trọn” biển Đông. Tuy nhiên, liên tiếp những hành động bất chấp luật pháp quốc tế trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta cũng đủ để những ai có lương tri thấy được một Trung Quốc đang đầy tham vọng.

Sự tham vọng và âm mưu chiến lược của Trung Quốc tạo nên những lo lắng cho đa số người dân Việt Nam, nhất là trong bối cảnh sự kiên trì trong phương pháp đấu tranh của chúng ta chưa làm “hạ nhiệt” tình hình trên biển, thậm chí Trung Quốc còn sử dụng ngày càng nhiều âm mưu thâm độc, phô trương sức mạnh quốc phòng, nhiều lần tấn công tàu của lực lượng chấp pháp và tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu quan trọng khẳng định lập trường của Việt Nam về biển Đông tại phiên khai mạc Diễn đàn kinh tế Thế giới 2014 (WEF) tại Philippines

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu quan trọng khẳng định lập trường của Việt Nam về biển Đông tại phiên khai mạc Diễn đàn kinh tế Thế giới 2014 (WEF) tại Philippines

Những chuỗi hành động đó, kỳ thực, chẳng khác một bản thông cáo gửi đến các quốc gia trên thế giới về một Trung Quốc ngụy tạo trong chiến lược “trỗi dậy hòa bình”. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên, chính phủ các nước trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Tất cả những phản ứng quốc tế đã cho thấy rằng, ứng xử của Việt Nam đối với biển Đông trong gần 2 tháng qua là hết sức nhất quán và đã đạt được những mục đích cần thiết, tránh những xung đột quân sự hậu quả khôn lường.

Sự lo lắng cho cương vực, lãnh thổ quốc gia của người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn dễ hiểu và có căn cứ. Tuy vậy, nếu theo dõi sát sao diễn biến trên biển Đông và các phản ứng của những người đứng đầu Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, chúng ta sẽ thấy sự thống nhất trong phương pháp đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Đảng và Nhà nước ta.

Tiếng nói thể hiện rõ quan điểm, lập trường của Việt Nam đối với biển Đông được phát ra trước tiên từ người đứng đầu Chính phủ. Trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines hồi cuối tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm nức lòng người khi phát ngôn trước báo giới quốc tế: “Việt Nam không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này (chủ quyền) để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Người dân hoan hô Thủ tướng. Trước sau như một, Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình”. Bởi vậy, việc kiên trì các phương pháp, không làm tình hình căng thẳng thêm là nhất quán. Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, lấy nguyên tắc tập trung dân chủ để lãnh đạo. Sự lên tiếng của Thủ tướng, các phó thủ tướng trong các diễn đàn, những phát ngôn của bộ trưởng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng kỳ thực là những lời ký thác nguyện vọng của cả hệ thống chính trị được lãnh đạo bởi Bộ Chính trị, BCH Trung ương.

Ngày 18/6, tại buổi tiếp cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi. Đồng thời, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Giải quyết các vấn đề trên biển, xuất phát từ lợi ích đại cục của hai nước, trên cơ sở các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Tiếp theo phát ngôn của người đứng đầu Đảng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong cuộc trao đổi với TTXVN khẳng định: “Chúng ta không chấp nhận việc bất cứ ai, bất cứ nước nào, dù mạnh đến đâu, bắt ta phải nhượng bộ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”. Để khẳng định lập trường kiên định, Chủ tịch nước nhắc lại lời vua Lê Thánh Tông từng nói với triều thần: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Người phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”.

Ngày 24/6, phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh phản ứng của Quốc hội trước tình hình biển Đông: “Quốc hội đã thảo luận sâu sắc, ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam, kiên quyết phản đối hành động sai phạm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không được tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam”.

Sự thống nhất trong hệ thống chính trị ở Trung ương đã thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề biển Đông và vấn đề ngoại giao với Trung Quốc. Dẫu biết rằng, nhân tâm chưa bình lặng khi trên đất nước vẫn còn những kẻ ngoại bang lăm le xâm chiếm, song, trong bối cảnh quan hệ quốc tế đang diễn biến hết sức phức tạp, tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, hơn lúc nào hết, hệ thống chính trị do Đảng ta đứng đầu với những trái tim nóng và cái đầu lạnh, cùng chí hướng khẳng định, đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng phương pháp hòa bình, tránh xung đột bằng vũ trang, quân sự.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast