Những bài học quý từ sự bứt phá mạnh mẽ của Hà Tĩnh

Năm năm trước, Hà Tĩnh vẫn là một tỉnh thuần nông. Thế nhưng, khi xây dựng đường hướng phát triển, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, Hà Tĩnh đã táo bạo đặt ra mục tiêu: xây dựng Hà Tĩnh từ một tỉnh nông nghiệp sớm trở thành tỉnh có công nghiệp-dịch vụ phát triển. Đến nay, lĩnh vực công nghiệp- dịch vụ đã đóng góp trên 73 % trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Sự bứt phá ngoạn mục đó để lại những bài học hay trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh.

Đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm cao

Trao đổi ý kiến với chúng tôi về nguyên nhân tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ đó, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định: "Nguyên nhân cơ bản nhất là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đã xây dựng được đường hướng phát triển đúng, phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh và tình hình phát triển của đất nước nên đã tranh thủ được nhiều nguồn lực giúp Hà Tĩnh có bước phát triển mang tính đột phá. Mặt khác, Hà Tĩnh đã tìm ra được biện pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết khá hiệu quả. Đó là xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao trong nhân dân, vượt qua khó khăn, thử thách đưa Hà Tĩnh tiến lên phía trước".

Giờ học tin học tại Trường TH Cẩm Bình
Giờ học tin học tại Trường TH Cẩm Bình

Để làm được điều đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ra chủ trương hướng mạnh về cơ sở, tập trung cho cơ sở để “hiểu dân và để dân hiểu”, “nói cho dân nghe, nghe dân nói”...Nhằm mục đích đoàn kết, huy động sức mạnh của toàn dân thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Trên tinh thần đó, Tỉnh uỷ đã thành lập 12 đoàn công tác do các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm trưởng đoàn. Các thành viên là trưởng, phó các sở , ban, ngành và đoàn thể cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tại cơ sở. Cách làm này, không chỉ giúp cơ sở tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà còn giúp cán bộ sâu sát, gần dân, hiểu dân hơn, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tích luỹ thêm kinh nghiệm giải quyết công việc trong thực tế. Ngược lại, người dân cũng từ đó mà hiểu hơn về cán bộ, về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là những chủ trương lớn của tỉnh, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của họ. Từ đó có sự hiểu biết, đồng cảm và sẻ chia với nhau, đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước. Nhờ vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể huyện Can Lộc đã vận động nông dân toàn huyện làm được một việc khó, đó là: hy sinh lợi ích cá nhân, xoá bỏ những thửa ruộng manh mún, dồn điền, đổi thửa thành công. Mở ra hướng làm ăn mới rộng lớn hơn, hiệu quả hơn; đồng thời, tạo ra hiệu ứng lan toả dồn điền đổi thửa ra cả tỉnh.

Có mặt tại Khu kinh tế Vũng Áng trong những ngày cuối cùng trước hạn bàn giao mặt bằng, chúng tôi không khỏi sửng sốt và cả xót xa nữa trước khung cảnh tan hoang như vừa trải qua một trận bom rải thảm. Cả một vùng rộng hàng trăm ha đã thành bình địa. Hàng nghìn căn nhà, có cả những ngôi nhà còn tươi màu sơn, đỏ màu ngói đã bị đập bỏ. Có những ngôi mộ mọc lên chưa lâu cũng phải di dời. Nhưng người dân không nề hà, tay họ vung búa đập bỏ, phá dỡ nhà mình mà nét mặt vẫn hân hoan. Tiếp chuyện khách lạ mà vẫn hồ hởi, phấn khởi chẳng một lời than vãn, kêu ca. Ông Chuyên, ở xóm Liên Minh, xã kỳ Long vừa chất đồ đạc lên xe tải vừa nói với chúng tôi trong hơi thở gấp gáp:

- Đi thôi các chú ạ, Nhà nước cần thì dân ủng hộ, nhưng mà phải đúng, phải hay. Với lại, được đền bù thoả đáng, nơi ở mới lại đẹp và thuận tiện hơn thì tội chi mà không đi!

Máy đập liên hợp trên đồng đất Can Lộc. Ảnh : MT

Chúng tôi chợt hiểu: khi lòng dân hoà quyện với ý Đảng thì sẽ là như thế thôi. Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân Hà Tĩnh tự dỡ nhà mình đem lấp hố bom cho ô tô đi qua “tất cả vì sự nghiệp thống nhất đất nước”. Hôm nay, người dân Hà Tĩnh lại tự tay đập bỏ nhà mình để nhường đất cho dự án. Chắc họ cũng hiểu “có cơn trở dạ nào mà không đau”, để Hà Tĩnh mau thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu thì sự hy sinh đó, dẫu đau đến mấy cũng là cần thiết. Một khí thế cách mạng mới đang dâng trào trong huyết quản mỗi mỗi người dân nơi đây. Nhờ đó, Hà Tĩnh đã làm được một việc rất lớn và cũng rất khó là: trong hơn một năm đã di dời hơn hai nghìn hộ dân bàn giao cơ bản hơn 3.000 ha mặt bằng cho nhà đầu tư Formosa. Nếu không có sự đồng tâm, nhất trí, đoàn kết cao độ giữa Đảng với dân thì không thể có được kết quả như thế. Có lẽ vì thế mà trong cuộc làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với tỉnh Hà Tĩnh về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh, các đồng chí trong Bộ Chính trị đã thống nhất đánh giá: trong nhiệm kỳ qua, Hà Tĩnh đã làm được một điều rất đáng quý là đã xây dựng được sự đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, tập trung trí tuệ, sức lực của toàn Đảng, toàn dân để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Phát huy dân chủ, lựa chọn đúng người, bố trí đúng việc

Có đường hướng đúng, có sự đoàn kết, quyết tâm cao, nhưng không có cán bộ đủ tầm, thạo việc để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra thì hiệu quả không chắc đã được như mong muốn. Nhận thức rõ điều đó, nên ngay từ đầu, Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã chọn công tác cán bộ làm khâu đột phá. Quan điểm chỉ đạo là phát huy dân chủ, nhìn từ nhiều phía, nghe từ mọi hướng, khách quan, công bằng trong lựa chọn nhân sự, bố trí vị trí công tác để hạn chế sở đoản, phát huy sở trường đạt hiệu quả cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc. Công tác cán bộ phải vừa tĩnh, vừa động. Vị trí nào đã phát huy tốt tác dụng thì giữ nguyên, vị trí nào bộc lộ yếu kém thì kiên quyết thay thế. Lập trình nhiều phương án để vừa kịp thời thay thế những vị trí yếu vừa chọn ra được đội ngũ tối ưu. Trên tinh thần đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hà Tĩnh đã đề bạt, bổ nhiệm, thay đổi, phân công lại công tác 410 lượt cán bộ thuộc diện Tỉnh uỷ quản lý; luân chuyển, điều động 86 cán bộ, tám lượt các đồng chí là Uỷ viên Ban Thường vị Tỉnh uỷ, 30 lượt các đồng chí là Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 100 lượt các đồng chí là cấp trưởng thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và chủ trì cấp huyện, thị. Qua đó, đội ngũ cán bộ toàn tỉnh Hà Tĩnh về cơ bản đã được bố trí đúng người, đúng việc, từng bước khẳng định được uy tín và năng lực công tác. Anh em, đồng chí nể phục, tôn trọng và biết bảo ban, nghe nhau làm việc. Ai cũng đều cố gắng làm tròn vai của mình. Do đó, những cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm hay tuyển dụng mới đều phát huy và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều đáng chú ý là trong nhiệm kỳ qua, các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Hà Tĩnh đều có sự thay đổi, nhưng bộ máy vẫn hoạt động ổn đinh, kinh tế-xã hội vẫn chuyển dịch đúng hướng và có bước phát triển.

Thi công cảng than chuyên dụng cho nhà máy nhiệt điện Vũng Áng. Ảnh: ĐT

Có sự đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng, đồng thuận, quyết tâm cao trong nhân dân và có một đội ngũ cán bộ được bố trí hợp lý, hoạt động đều tay nên mục tiêu cơ bản đề ra đầu nhiệm kỳ 16 là: xây dựng Hà Tĩnh từ một tỉnh nông nghiệp sớm trở thành tỉnh có công nghiệp-dịch vụ phát triển đang dần trở thành hiện thực. Cụ thể là trong năm năm qua, Hà Tĩnh đang hình thành được trung tâm công nghiệp nặng quy mô lớn của khu vực và cả nước tại Khu kinh tế Vũng Áng với các sản phẩm chủ lực là gang thép, nhiệt điện, lọc hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, cảng biển…Hiện đã thu hút được gần 100 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 192 nghìn tỉ đồng. Bên cạnh đó, một số công trình, dự án đã tập trung hoàn thành giai đoạn đầu tư, từng bước đi vào hoạt động góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, xây dựng như: Nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang, Nhà máy thủy điện Hương Sơn, Nhà máy sản xuất que hàn Lilama, Nhà máy cán thép Vạn Lợi…Dự án Khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã bóc được trên 7 triệu m3 đất tầng phủ và dự kiến bắt đầu khai thác quặng vào năm 2011. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp của Hà Tĩnh có bước chuyển dịch tích cực trong cơ cấu kinh tế cũng như cơ cấu sản xuất nội ngành. Giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm 18,7%. Chất lượng sản phẩm được nâng cao; tỉ trọng công nghiệp khai khoáng từ 24,4% giảm xuống còn 19,5%. Công nghiệp chế biến và phân phối điện, nước tăng từ 75,6% lên 78,3%. Tiềm năng, lợi thế trong phát triển công nghiệp đã được khai thác, phát huy toàn diện và hiệu quả hơn. Công nghiệp phát triển kéo theo sự phát triển của hoạt động thương mại-dịch vụ. Tốc độ tưng trưởng bình quân hằng năm của các ngành dịch vụ đạt 10,3%, đóng góp trên 30% tăng trưởng GDP. Kết quả đó đã tạo cơ sở vững chắc để tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, Hà Tĩnh tự tin khẳng định mục tiêu: trở thành tỉnh có công nghiệp-dịch vụ phát triển vào năm 2015.

Hướng đi nào cho năm năm tới?

Nói như vậy không có nghĩa là nhiệm kỳ qua, Hà Tĩnh đều làm tốt mọi việc mà rồi đây, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 này, Hà Tĩnh sẽ phải dành thời gian làm rõ vì sao một số chỉ tiêu đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Vì sao chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp sau chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp còn chậm dẫn đến khó khăn trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, mối liên kết “bốn nhà” đề cập đã từ lâu mà đến nay vẫn chưa đâu vào đâu cả. Trong công tác xây dựng Đảng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Đội ngũ cán bộ đã được kiện toàn một bước nhưng chưa phải là đã hết những người yếu kém, vẫn thiếu cán bộ quản lý, quản trị sản xuất kinh doanh, cán bộ khoa học, kỹ thuật và chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực...

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận ký Tuyên bố Hội nghị về đào tạo đảm bảo nhân lực đáp ứng nhu cầu KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh

Từ những gì đã làm được trong năm năm qua, dĩ nhiên con đường phát triển của Hà Tĩnh trong năm năm tới là kế thừa và phát triển những cái đã có để đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp-dịch vụ phát triển vào năm 2015. Nhưng để đạt được mục tiêu đề ra và bảo đảm phát triển bền vững thì Hà Tĩnh phải tạo lập và giữ được thế đứng của kiềng ba chân: phát triển công nghiệp đi đôi với phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm vệ sinh môi trường (bao gồm cả môi trường xã hội). Trong đó, cần chú ý đúng mức vấn đề môi trường vì với những dự án lọc dầu, khai khoáng, luyện thép, nhiệt điện...cùng với nguồn nhân lực không nhỏ đã, đang và sẽ hiện diện trên đất Hà Tĩnh, khi đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường chung quanh, nếu ngay từ bây giờ không có biện pháp ứng phó cụ thể thì hậu quả sẽ rất khó lường. Bởi theo tính toán của các chuyên gia thì tổn phí khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường sẽ gấp nhiều lần số lợi nhuận thu được từ phát triển công nghiệp.

Tuy nhiên, để sau năm năm nữa, Hà Tĩnh thực hiện trọn vẹn các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra thì vấn đề cốt tử là Hà Tĩnh vẫn phải giữ vững được sự đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng, sự đồng thuận và quyết tâm cao trong nhân dân. Làm sao cho cán bộ, người dân cùng chung tiếng nói, cùng chung hành động như Hà Tĩnh đã và đang có./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast