Nơi ghi dấu hồn thiêng Đất Việt

Tôi chưa có dịp ra thăm Hoàng Sa để có những ngày đêm cùng sống, cùng ăn, cùng ở và cùng xuống lòng đại dương với những ngư dân. Song, tuổi thơ của tôi gắn liền với những ngày trốn dưới khoang thuyền theo cha đi biển… Và, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cảm nhận rõ hơn những giờ phút nghẹt thở của ngư dân khi vượt qua vùng biển “tử thần”, hiểu được cái giá của độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải mà bao thế hệ cha anh đã đổ máu xương để bảo vệ, gìn giữ...

Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2013

Tôi còn nhớ như in những bài viết về Hoàng Sa, những kỳ “Nín thở đi qua vùng biển tử thần”, “10 ngày nghẹt thở trên vùng biển Hoàng Sa” hay “Hiểm nguy giữa biển Hoàng Sa”… của ngư dân. Bởi nơi vùng biển này chỉ tính trong hơn 10 năm qua đã có hàng trăm tàu của ngư dân Việt Nam, chủ yếu ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đánh bắt tại đây bị tàu Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, cướp tàu và đòi tiền chuộc, thậm chí, nhiều người bị thương… nhưng điều đó không làm chùn bước của những ngư dân can trường bám biển, của những con tàu ngày đêm rẽ sóng ra khơi bởi trong trái tim họ, biển đảo Hoàng Sa là phần máu thịt thiêng liêng không thể thiếu.

Một lần, tôi đọc trên báo câu chuyện của một ngư dân ở Quảng Ngãi 3 lần trắng tay vì bị Trung Quốc bắt giữ, thu tàu trong hơn 5 năm qua. Ông kể: hai lần trắng tay trở về, rồi đi làm thuê không đủ nuôi vợ con 7 người trên bờ. Đánh liều, ông tiếp tục vay tiền mua tàu để ra Hoàng Sa. Lần này thì ông cùng 11 thuyền viên tiếp tục bị bắt, thu tàu và đòi tiền chuộc với số tiền vượt ngoài khả năng của một ngư dân nghèo. Việc ngư dân Việt Nam đi ngang hay đánh bắt tại Hoàng Sa thường xuyên bị tàu tuần tra Trung Quốc bắt giữ, thu tàu xảy ra như cơm bữa trong những năm gần đây bởi Trung Quốc không muốn sự có mặt thường xuyên của ngư dân Việt Nam tại vùng biển này. Nhưng đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, việc Trung Quốc bắt giữ tàu, đòi tiền chuộc là vô lý, đó là chưa kể hàng trăm tàu khác với hàng trăm ngư dân phải bỏ mình nơi vùng biển này vì bão tố. Những ngư dân đều xem Hoàng Sa là nhà của họ, mỗi năm, hơn 2/3 thời gian họ sống và mưu sinh nơi vùng biển đầy nguy hiểm này nên “bà con ngư dân tụi tui một cảnh 2 quê. Nhà ở đất liền nhưng cuộc sống thì ở biển Hoàng Sa, tất cả miếng cơm manh áo, tài sản và tính mạng đều ở hết ngoài biển nên vùng biển Hoàng Sa như ngôi nhà thứ hai”.

Những ngư dân đang bám biển Hoàng Sa để mưu sinh như những chiến binh canh giữ đất trời ngoài trùng dương của Tổ quốc, họ như những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền trường tồn trên vùng biển đảo Hoàng Sa suốt mấy trăm năm nay. Cực khổ trăm bề nhưng họ quyết không bỏ biển, vẫn xem biển đảo Hoàng Sa là nhà, là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Tôi lại được thăm Hoàng Sa một lần nữa bởi cuộc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử” được tổ chức tại TP Hà Tĩnh từ ngày 2 - 8/6/2013 nhằm giới thiệu một số văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ, Pháp ngữ do các nhà nước phong kiến Việt Nam, nhà nước phong kiến Trung Hoa ban hành trong các thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Những văn bản này khẳng định các nhà nước Việt Nam trong lịch sử đã xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Triển lãm giới thiệu 200 bản đồ và tư liệu của Việt Nam và các nước, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hệ thống tư liệu này phản ánh sự hiện diện thường xuyên của quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Hoàng Sa và vùng biển phụ cận… Các tài liệu này sẽ được triển lãm tại thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong thời gian sau đó.

Duyên lính đảo. Ảnh: Vũ Anh Tuấn
Duyên lính đảo. Ảnh: Vũ Anh Tuấn

Hoàng Sa - mảnh đất thiêng giữa trùng khơi, những sắc phong vua ban cho những dòng tộc có công khai phá và bảo vệ Hoàng Sa vẫn còn tươi nguyên nét mực. Dù lớp bụi thời gian đã phủ mấy trăm năm nhưng chiếc thuyền căng buồm ra Hoàng Sa vẫn còn đó, những thủy binh đội Hoàng Sa can trường, dũng mãnh một thời đã tạo nên hào khí Hoàng Sa bất tử trong lòng con dân đất Việt hôm nay và mãi mãi sau này. Những con dân đất Việt can trường nơi đầu sóng ngọn gió, những cột mốc chủ quyền “sống” giữa Hoàng Sa đang kế tục bước chân tiền nhân hàng trăm năm qua, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại vùng biển này. Họ tự hào là những “công dân” của Hoàng Sa không hề biết run sợ trước bão tố và trước bất cứ thế lực hung bạo nào!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast