"Nóng" chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và khai khoáng trái phép!

Do có khá nhiều phần việc quan trọng nên tại kỳ họp thứ 7 , HĐND tỉnh không dành nhiều thời gian cho hoạt động chất vấn, nhưng các nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp vẫn làm nóng "nghị trường" bởi các vấn đề bức xúc liên quan đến quản lý lao động, đào tạo nghề, khai thác khoáng sản trái phép... Dưới đây, Báo Hà Tĩnh lược trích một số nội dung chính.

Chất vấn tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVI:

ĐB Trần Nam Hồng chất vấn tại hội trường
ĐB Trần Nam Hồng chất vấn tại hội trường

- Để phục vụ cho các chương trình, dự án đang được triển khai trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh và các doanh nghiệp đã có nhiều chính sách về đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực, lao động, nhất là tại các khu kinh tế. Tuy vậy, nhìn chung chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng lao động tại các khu kinh tế còn nhiều bất cập, số con em tốt nghiệp thạc sỹ, đại học loại giỏi, đầy đủ các tiêu chuẩn khác vẫn khó khăn khi tìm việc làm. Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới?

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Sơn
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Sơn

Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Đúng như nêu vấn đề của câu hỏi chất vấn, công tác đào tạo, thu hút, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đã được tỉnh ta đặc biệt quan tâm và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ngoài các cơ sở đào tạo trong nước, từ năm 2010 đến nay, các cấp, các ngành đã phối hợp với Khu kinh tế Vũng Áng tổ chức đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho 6.346 người và toàn tỉnh cũng đã đào tạo sơ cấp nghề cho trên 18 ngàn lao động nông thôn.

Song song với đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh cũng đã quan tâm chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp, Ban quản lý dự án chú trong giải quyết việc làm cho người lao động. Đến nay, riêng Khu Kinh tế Vũng Áng đã sử dụng 12.465 lao động, trong đó lao động Hà Tĩnh có 3.389 người. Tuy nhiên, có thể thẳng thắn nhìn nhận rằng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là đòi hỏi về lực lượng lao động kỹ thuật của các doanh nghiệp, kể cả tay nghề, tác phong công nghiệp, kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ.... Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề, tuyển dụng, giải quyết việc làm vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế về nhiều mặt.

Có nhiều lý do dẫn tới thực trạng này, tuy nhiên các nguyên nhân chính được xác định như sau: nội dung, chương trình đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên còn thiếu và yếu; định mức kinh phí cho công tác đào tạo nghề còn thấp; chính sách khá đồng bộ nhưng nguồn nhân lực thực hiện còn hạn chế; con em Hà Tĩnh theo học các ngành khoa học xã hội nhân văn nhiều, trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp lại ưu tiên tuyển dụng kỹ thuật; các công trình, dự án của tỉnh đang trong giai đoạn đầu tư nên đang cần ít lao động, tuyển dụng cho phát triển sản xuất chưa nhiều...

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế đó, thời gian tới tỉnh cần tập trung thực hiện các giải pháp: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ và người dân về tình hình phát triển KT – XH và các vấn đề có liên quan để thế hệ trẻ và các bậc phụ huynh thấy rõ tính chất quan trọng, cơ hội để định hướng nghề nghiệp; thông tin, quảng bá, chính sách thu hút, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho các khu kinh tế; tiếp tục thực hiện hệ thống chính sách đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho các đối tượng theo yêu cầu; tăng cường quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, thống nhất cơ chế tuyển dụng và quản lý lao động của các doanh nghiệp; tổ chức rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở đại học chuyên nghiệp, đào tạo nghề, chú trọng phát triển các cơ sở nghề trọng điểm, huy động tốt các nguồn lực đầu tư...

- Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong công tác quy hoạch, quản lý, cấp giấy phép khai thác các mỏ cát, đất, đá; vẫn còn xẩy ra tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép ở nhiều nơi, gây ảnh hưởng tới môi trường, sinh thái, đe dọa an toàn các công trình bảo vệ dân sinh và phục vụ sản xuất, có nơi ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân.

Giám đốc Sở TN&MT Võ Tá Đinh
Giám đốc Sở TN&MT Võ Tá Đinh

Trả lời chất về vấn đề này, ông Võ Tá Đinh - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thắng thắn thừa nhận thực trạng trên. Theo đó, từ năm 2012 đến 6 tháng đầu năm 2013 thực hiện kết luận của BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra toàn diện 119 mỏ của 103 đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn các huyện, tập trung ở: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân và Thị xã Hồng Lĩnh.

Qua kiểm tra đã thông báo hết hiệu lực khai thác khoảng sản của 20 mỏ, yêu cầu tạm dừng khai thác 2 mỏ, thu hồi 3 mỏ, yêu cầu 24 mỏ trong 90 ngày phải hoàn thiện hồ sơ và cam kết đầu tư xây dựng cơ bản mỏ, đình chỉ hoạt động khai thác 90 ngày và yêu cầu khắc phục các tồn tại trong khai thác của 15 mỏ, yêu cầu khắc phục tồn tại trong quá trình khai thác trong vòng 90 ngày đối với 31 mỏ, tiến hành truy thu các loại thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền thuê đất...

Về tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép ở nhiều nơi, theo Giám đốc Sở TN&MT thì việc khai thác khoáng sản trái phép chủ yếu xảy ra trên các lĩnh vực đất san lấp, cát xây dựng. Thời gian qua, Sở TNMT đã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện và các xã nơi xảy ra các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, tiến hành kiểm tra, lập biên bản đình chỉ, tịch thu khoáng sản, buộc di dời phương tiện ra khỏi địa bàn và xử phạt vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân vi phạm, cụ thể đã xử phạt hành chính 18 doanh nghiệp với số tiền 739,8 triệu đồng; tịch thu 680 bao quặng (50 tấn) Xerixit tại xã Sơn Bình, Hương Sơn, 253 tấn quặng inmenit tại xã Kỳ hà, Kỳ Anh; phối hợp với UBND huyện Đức Thọ thành lập tổ công tác truy bắt 70 lượt trường hợp vi phạm khai thác cát trái trên sông La, xử phạt 320 triệu đồng, tịch thu 12 máy nổ và vòi ròng, đầu hút...

Đại biểu Hồ Anh Tuấn truy vấn Giám đốc Sở TN&MT
Đại biểu Hồ Anh Tuấn truy vấn Giám đốc Sở TN&MT

Chưa hài lòng với trả lời của Giám đốc Sở TN&MT, đại biểu Hồ Anh Tuấn - Trưởng BQL KKT Vũng Áng truy vấn về vấn đề KKT Vũng Áng đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch nhưng trước đó UBND tỉnh đã quy hoạch khai thác mỏ trước đó nên ảnh hưởng đến cảnh quan và hiện tại có nhiều mỏ được cấp nhưng chưa tiến hành khai thác có thu hồi hay không? Trả lời vấn đề này, ông Võ Tá Đinh kiên quyết: Những mỏ được cấp quá thời hạn nhưng không khai thác sẽ bị thu hồi...

- Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, một số loại giống được áp dụng trên địa bàn không ổn định, vẫn còn hiện tượng độc quyền trong bán lúa giống, giá một số loại lúa giống còn quá cao trong khi giá cả nông sản thấp, tiêu thụ khó khăn. Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới?

Lãnh đạo Sở NN&PTNT đã có văn bản trả lời cho các đại biểu và cử tri cùng quan tâm đến vấn đề này như sau: Vụ xuân năm 2013, Sở NN & PTNT, Tổng Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An và doanh nghiệp Vĩnh Hòa phối hợp với một số huyện trên địa bàn sản xuất thử giống lúa DT68, AC5. Kết quả cho thấy, năng suất giống DT68 không ổn định giữa các vùng, giống AC5 nhiều diện tích bị nhiễm đạo ôn cổ bông nên ảnh hưởng đến thu hoạch của người nông dân. Vấn đề này, ý kiến phản ánh của cử tri là hoàn toàn đúng thực tế. Để giải quyết, Sở NN&PTNT đã yêu cầu các doanh nghiệp, địa phương thực hiện nghiêm túc hợp đồng kinh tế đã được ký kết để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp.

Hiện tượng độc quyền, giá lúa giống cao là do việc sản xuất, kinh doanh các giống nói chung và giống lúa nói riêng theo cơ chế thị trường, thỏa thuận giữa đơn vị cung ứng với người sử dụng, có sự quản lý và điều tiết của nhà nước thông qua chính sách hỗ trợ tiền mua giống đối với các loại mới được đưa vào sản xuất. Hiện nay, trên thị trường có nhiều giống lúa của các công ty sản xuất, tiêu thụ theo bản quyền tác giả nên có hiện tượng độc quyền trong cung ứng.

Giá cả nông sản thấp, tiêu thụ khó khăn là vấn đề khó khăn chung trong cả nước, trong đó có tỉnh ta. Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chưa được chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, thị trường nông sản thiếu ổn định. Mặt khác, trong những năm qua do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, sức mua giảm, một số sản phẩm hàng hóa nông nghiệp giá xuống thấp, tiêu thụ khó khăn nên ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người nông dân.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, tỉnh ta sẽ tập trung vào một số giải pháp như: Tập trung chỉ đạo triển khai Đề án Cơ cấu bộ giống lúa và Tổ chức sản xuất giống lúa năng suất, chất lượng cao; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quyết định, chính sách có liên quan; chỉ đạo các địa phương lựa chọn nhà cung ứng giống đáp ứng yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng, hợp lý về giá cả; tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; huy động các nguồn lực, xã hội hóa, lồng ghép các dự án thuộc chương trình giống cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2010 - 2015...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast