Phát triển nguồn nhân lực tại chỗ là cách tốt nhất để thu hút các dự án đầu tư

Cùng với nỗ lực chung của các địa phương trong khu vực Bắc Trung bộ, suốt gần 5 năm qua, Hà Tĩnh đã kiên trì phấn đấu, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn thể Đảng bộ và nhân dân, vừa ổn định, phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, vừa quyết tâm tạo bước đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển công nghiệp, dịch vụ, cố gắng chuyển dịch nhanh và bền vững cơ cấu kinh tế theo hướng CNH -HĐH, không ngừng nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Nhà máy thép Vạn Lợi được xây dựng tại Khu công nghiệp Vũng Áng - Kỳ Anh. Ảnh: Đình Thông

Nhà máy thép Vạn Lợi được xây dựng tại Khu công nghiệp Vũng Áng - Kỳ Anh. Ảnh: Đình Thông

Vùng Bắc Trung bộ có 6 tỉnh thì riêng 5 địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị có đặc điểm chung nhau về địa hình, điều kiện tự nhiên, lịch sử và văn hóa... Tất cả các tỉnh đều nằm trên trục giao thông Bắc - Nam của cả nước và trục Đông - Tây với nước bạn Lào, tựa lưng vào dãy Trường Sơn và hướng mặt ra biển Đông với phân bố địa hình cơ bản là miền núi, trung du, đồng bằng và vùng ven biển (chiều dài bờ biển trên 512 km). Hệ thống đường sắt, đường bộ, đường không và hệ thống cảng biển như Nghi Sơn, Cửa Lò, Cửa Hội, Vũng áng, Sơn Dương, Cửa Gianh, Nhật Lệ, Cửa Việt... thuận lợi cho giao lưu hàng hóa trong nước và quốc tế. Tuy diện tích tự nhiên của 5 tỉnh chỉ bằng 8,8% diện tích cả nước nhưng dân số lại chiếm tỷ lệ đến 17,2%. Đây cũng là vùng đất được nhiều người khẳng định là "địa linh - nhân kiệt", nơi phát tích và giao thoa những dòng họ trụ cột của đất nước, quê hương, của nhiều doanh nhân lỗi lạc qua các thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước.

Hiện tại, tỉnh đang phối hợp triển khai một số dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn có tác động nhiều mặt đến KT -XH của tỉnh cũng như trong khu vực như xây dựng cảng biển nước sâu và Khu liên hợp gang thép, hóa dầu Vũng áng - Sơn Dương, Trung tâm nhiệt điện Vũng áng, khai thác mỏ sắt Thạch Khê, thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang... Bước đầu đã hình thành một trung tâm công nghiệp nặng lớn nhất khu vực.

Phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, tinh thần sáng tạo, vượt khó vươn lên và đức tính cần cù, hiếu khách, các tỉnh Bắc Trung bộ đã từng bước tạo dựng cho mình lợi thế cạnh tranh, đó là: môi trường sống hài hòa; môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở với nhiều tiềm năng, cơ hội cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi hợp lý và thường xuyên được đổi mới...

Nhằm tạo động lực phát triển cho các tỉnh và đẩy mạnh sự liên kết giữa các vùng, Chính phủ đã cho thành lập các khu kinh tế trọng điểm. Dọc theo biên giới Việt - Lào, các khu kinh tế cửa khẩu đang phát huy hiệu quả như Khu kinh tế Lao Bảo - Quảng Trị, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - Hà Tĩnh... Khai thác tiềm năng biển, có các khu kinh tế gắn với hệ thống cảng biển như Khu kinh tế Nghi Sơn - Thanh Hóa, Khu kinh tế Đông Bắc - Nghệ An, Khu kinh tế Vũng áng - Hà Tĩnh, Khu kinh tế Hòn La - Quảng Bình... Với cơ chế đặc thù, các khu kinh tế này bước đầu đã phát huy được mục tiêu thu hút ngày càng nhiều các dự án đầu tư với quy mô vốn lên đến hàng chục tỷ đô la.

Thời gian qua, trong điều kiện nền kinh tế thế giới suy giảm nhưng các dự án đầu tư tại khu vực Bắc Trung bộ vẫn được triển khai đúng tiến độ. 6 tháng đầu năm 2009, nhiều dự án mới tiếp tục được cấp phép. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đến với khu vực để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Chúng tôi đánh giá cao chiến lược khai thác tiềm năng, lợi thế khu vực Bắc Trung bộ của các nhà đầu tư để tổ chức sản xuất, kinh doanh tại khu vực này.

Trên công trường bóc đất tầng phủ Mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: ĐT

Trên công trường bóc đất tầng phủ Mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: ĐT

Hiện nay, khi các dự án lớn được triển khai thì nguồn cung về nhân lực trong khu vực vẫn chưa đáp ứng được do chất lượng nguồn lao động rất thấp. Lao động phổ thông, lao động chưa qua đào tạo chiếm đa số. Hiện tượng thừa lao động phổ thông, thiếu lao động có tay nghề, có trình độ kỹ thuật phổ biến ở các tỉnh Bắc Trung bộ. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, đầu tư cho công tác đào tạo của khu vực còn nhiều bất cập.

Kinh tế của khu vực Bắc Trung bộ chủ yếu là nông nghiệp, điều kiện địa hình và thiên nhiên lại hết sức khắc nghiệt. Mặc dù vậy, sau gần 5 năm thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển KT -XH, đảm bảo QPAN vùng Bắc Trung bộ, các tỉnh trong khu vực đã phấn đấu không ngừng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, xây dựng khu vực có chính trị ổn định, QPAN vững mạnh, KT-XH phát triển đồng đều, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Nhận thức vấn đề phát triển nguồn nhân lực là cấp bách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa vào chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia năm 2009, các hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển nguồn nhân lực và tổ chức hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực cho các tỉnh Bắc Trung bộ tại Hà Tĩnh với các mục tiêu: Thúc đẩy phát triển KT -XH các tỉnh Bắc Trung bộ. Thông qua hội nghị kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển nguồn nhân lực vào các tỉnh trong vùng. Mặt khác, các tỉnh Bắc Trung bộ có diễn đàn để giới thiệu nhu cầu và các cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển nguồn nhân lực, không những phục vụ cho các KKT, KCN mà còn đáp ứng cho các lĩnh vực khác, đảm bảo sự phất triển bền vững cho nền KY -XH.

Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (Mitraco Hà Tĩnh) đã và đang sử dụng 2.830 lao động làm việc tại đơn vị. Ảnh: TL

Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (Mitraco Hà Tĩnh) đã và đang sử dụng 2.830 lao động làm việc tại đơn vị. Ảnh: TL

Sau hội nghị này, tin rằng, những khó khăn về nguồn nhân lực cũng như những vướng mắc khác trong quá trình phát triển kinh tế hội nhập sẽ từng bước được tháo gỡ. Các doanh nghiệp, người dân Hà Tĩnh và nhân dân các tỉnh trong khu vực không những mong muốn có nguồn nhân lực dồi dào, có việc làm, thu nhập ổn định, đồng thời nguồn nhân lực đó phải có chất lượng cao để đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ CNH -HĐH.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast