Phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị

Ngày 14/1 - ngày làm việc thứ 3 Đại hội đại biểu toàn quốc XI của Đảng, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành phiên thảo luận.

Hàng vạn công nhân lao động ở các KCN không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết điều hành phiên thảo luận
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết điều hành phiên thảo luận

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐVN) nêu lên tình trạng hàng vạn công nhân lao động (CNLĐ) ở các các khu công nghiệp, khu chế xuất phải thuê nhà ở, thiếu thốn và không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu.

Tiền lương, thu nhập của người lao động chưa tương xứng với cường độ và thời gian lao động. Trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp của một bộ phận công nhân còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH; ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, ý thức chính trị, hiểu biết pháp luật còn hạn chế.

Các đại biểu đề nghị phát huy mạnh mẽ hiệu lực quản lý của Nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách đối với CNLĐ; sớm thể chế hoá những quan điểm, chủ trương lớn đã được thể hiện trong Nghị quyết của Đảng thành cơ chế chính sách cụ thể nhằm tạo chuyển biến thực sự mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân viên chức lao động. Trước mắt, cần tập trung lãnh đạo hoàn thiện chính sách, pháp luật, giải quyết những bức xúc hiện nay đối với công nhân như: nhà ở, nhà trẻ tại các khu công nghiệp, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hoá, an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, không vì thu hút đầu tư mà xem nhẹ người lao động.

Nhiều đại biểu nhấn mạnh công tác phát triển Đảng trong công nhân chưa được quan tâm đúng mức. Ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức cơ sở Đảng rất thấp. Hiện nay, cả nước mới có 1,2% doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và doanh nghiệp FDI có chi bộ đảng, với số đảng viên chỉ bằng 0,84% tổng số đảng viên của cả nước. Vì thế, cần chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng, phát triển đảng trong công nhân, thành lập tổ chức cơ sở Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và tạo cơ hội phát triển cho cán bộ công đoàn trẻ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, xuất thân từ công nhân.

Cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội

Đại biểu Vũ Văn Phúc - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thiết thực Cuộc vận động ''Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'' là giải pháp quan trọng để rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên”.

Đại biểu Vũ Văn Phúc
Đại biểu Vũ Văn Phúc

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là sự tiếp nối quan điểm xây dựng đạo đức cách mạng, coi đạo đức là bộ phận cấu thành quan trọng của nền tảng tinh thần xã hội và của Đảng ta, đặc biệt từ khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền.

Những giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, như: ''Trung với nước, hiếu với dân'', ''Yêu thương con người, sống có nghĩa có tình''; “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, ''Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân''; ''Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân''; ''Xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh''... được cả xã hội khẳng định đó là lý tưởng, khát vọng và là những phẩm chất đạo đức tiêu biểu mà con người Việt Nam phải không ngừng tu dưỡng, vươn lên.

Trong việc làm theo, nét nổi bật là ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được nâng cao; ý chí quyết tâm vượt qua những trở ngại, chủ động, sáng tạo… Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo trung ương, có 84% người được hỏi cho rằng, Cuộc vận động đã tạo ra được sự chuyển biến về nhận thức, gắn liền với ý chí tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Cuộc vận động cũng cho chúng ta nhận thức rõ hơn về sự cần thiết đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội.

Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu, sớm ban hành chương trình toàn khoá XI của Cuộc vận động, gắn với nhiệm vụ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Hướng dẫn các ngành, địa phương tiếp tục hoàn chỉnh các tiêu chí đạo đức phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của ngành, địa phương để khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát.

Kết hợp đẩy mạnh vận động tự giác học tập và tích cực làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phát huy vai trò nêu gương, bắt đầu từ cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp, từ trong Đảng ra ngoài xã hội với thực hiện nghiêm các quy định của tổ chức Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị và sự giám sát của nhân dân.

Phụ nữ đang chịu nhiều thiệt thòi

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu cũng nhấn mạnh, phụ nữ đang chịu nhiều thiệt thòi. Tỷ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo là 80,9%, khu vực nông thôn là gần 90%. Có sự chênh lệch lớn về trình độ học vấn của phụ nữ so với nam giới ở bậc học cao. Cơ hội tiếp cận giáo dục, học tập của trẻ em gái, phụ nữ nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số còn hạn chế, chuyên viên cao cấp, nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp. Một phần nguyên nhân do nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của phụ nữ; hệ thống chính sách chưa hoàn thiện, còn thiếu nhạy cảm giới, một số chính sách chưa được quan tâm thực hiện.

Đại biểu đề nghị Đảng, Nhà nước ban hành chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện tốt vai trò trong xây dựng gia đình và nuôi dạy con, nhất là các chính sách phát triển nhà trẻ, mẫu giáo; các trung tâm tư vấn hôn nhân – gia đình và phòng chống tệ nạn xã hội, buôn bán phụ nữ - trẻ em và bạo lực gia đình; chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số; chính sách đào tạo lại cho phụ nữ trí thức, hỗ trợ phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi tham gia đào tạo, bồi dưỡng; nâng tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề có chứng chỉ chuyên môn, kỹ thuật; chính sách thuế đối với nữ chủ doanh nghiệp; hỗ trợ nhà ở cho phụ nữ cao tuổi đơn thân, phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị

Nóng nhất vẫn là phần tham gia ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Chiến - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Với tinh thần thẳng thắn, đại biểu này nhận thấy, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) trong nhiệm kỳ qua vẫn còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém. Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp. Tình trạng sa sút phẩm chất, nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức trong thi hành công vụ chậm được khắc phục; hiện tượng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội” chưa được quan tâm chỉ đạo làm rõ…

Đại biểu Vũ Tiến Chiến
Đại biểu Vũ Tiến Chiến

Đại biểu Chiến nêu con số trong gần 5 năm vừa qua (từ năm 2006 đến năm 2010) đã khởi tố 1.613 vụ án tham nhũng với 3.284 bị can. Nguyên nhân chủ yếu là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước về PCTN chưa thực sự trở thành hành động tự giác của tất cả các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Năng lực và sức chiến đấu của một số cấp ủy và tổ chức đảng còn yếu kém.

Đại biểu Chiến khẳng định, cuộc đấu tranh PCTN là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. Phải kiên quyết phấn đấu đạt mục tiêu: ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội và điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức liêm chính; củng cố lòng tin của nhân dân, thúc đẩy KT-XH phát triển.

Đại biểu Chiến cho biết thêm, có một số nước coi trọng việc xử lý hành vi tham nhũng thông qua bàn tay “sắt”, nhưng muốn “sắt” thì phải “sạch”, có “sạch” mới “sắt” được; có nước nhấn mạnh về giải pháp kỹ thuật tức không chỉ trông chờ vào tính tự giác của con người… Đảng và Nhà nước ta đã chọn lọc và xác định trong PCTN thì phòng ngừa là chính, chống là quan trọng; phải kiên trì, kiên quyết, thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp, có trọng tâm, trọng điểm trong PCTN…

Hôm nay (15/1), các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast