Quốc hội giữ độ tuổi trẻ em dưới 16

Đa số đại biểu đồng ý thông qua Luật chăm sóc, bảo vệ trẻ em (sửa đổi) sau khi dự thảo tiếp thu ý kiến đại biểu, giữ nguyên độ tuổi trẻ em là dưới 16 như Luật hiện hành.

Sáng 5/4, Quốc hội đã nhất trí thông qua Luật chăm sóc, bảo vệ trẻ em (sửa đổi) với 449 đại biểu tham gia biểu quyết (91%), trong đó tán thành 444 (90%), không tán thành 3 người, 2 người không có ý kiến.

Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội trước đó cho biết sau phiên thảo luận tại hội trường, Quốc hội đã phát phiếu lấy ý kiến đại biểu về nội dung đang bàn cãi là độ tuổi trẻ em dưới 16 hay 18. Kết quả, có 340/397 đại biểu đồng ý với phương án trẻ em dưới 16 tuổi, chỉ 50/397 nghiêng về phương án tuổi trẻ em dưới 18 (chiếm 12%).

Như vậy, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, trong đó độ tuổi trẻ em được giữ như Luật cũ là dưới 16 tuổi.

Đại biểu bấm nút thông qua các nội dung ở phiên họp sáng 5/4. Ảnh: Giang Huy

Đại biểu bấm nút thông qua các nội dung ở phiên họp sáng 5/4. Ảnh: Giang Huy

Quy định nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 đã nhận nhiều ý kiến phản đối gay gắt tại phiên thảo luận trước đó. Cho rằng "lợi bất cập hại", đại biểu TP HCM Trương Trọng Nghĩa phân tích, rất nhiều quốc gia trẻ em ngày càng trưởng thành, tuổi chịu trách nhiệm hình sự, dân sự đang trẻ dần. Nếu trước đây là 16, thì bây giờ 14, có quốc gia chỉ 11, 12 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự, 7-8 tuổi đã chịu trách nhiệm dân sự.

Ở Việt Nam trẻ em là dưới 16 tuổi, 16-18 là vị thành niên, 18 trở lên là thành niên. Luật pháp có đầy đủ quy định cho ba lứa tuổi này. "Nếu thay đổi, chúng ta sẽ phải sửa Bộ luật hình sự: vấn đề kết hôn, giao cấu với trẻ em...", ông Nghĩa nói.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền thì nhấn mạnh, nếu quan tâm đến trẻ em thì nên quan tâm đối tượng từ 16 tháng tuổi đến dưới 4 tuổi. Vì hiện nhà nước mới quy định trẻ 5 tuổi phải cho đến trường, còn 16 tháng đến 4 tuổi thì gửi vào đâu.

"Trường mầm non thiếu nặng nề, đặc biệt là ở các khu công nghiệp. Nhiều công nhân phải bỏ việc để chăm con. Vậy tại sao những cái đáng sửa thì chúng ta không sửa", ông Thuyền đặt câu hỏi.

Luật báo chí bỏ nội dung "cấm nhà báo viết trái ý cơ quan"

Ngay sau khi thông qua Luật bảo vệ trẻ em sửa đổi, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Báo chí (sửa đổi) với 445 (90,1%) đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó đồng ý 442 (89,5%), 1 người không đồng ý và 2 người không biểu quyết.

Luật báo chí sửa đổi quy định, khi cơ quan, tổ chức có trách nhiệm nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết.

Để đảm bảo an toàn cho nhà báo cũng như nguồn tin báo chí, so với Luật Báo chí hiện hành, dự thảo Luật đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương bảo vệ người cung cấp thông tin.

Luật báo chí sửa đổi cũng không đưa nội dung cấm nhà báo không được "viết những điều trái với những gì mà tờ báo nơi làm việc tuyên truyền" trên mạng xã hội. Thay vào đó, cơ quan báo chí có thể đưa nội dung cấm này vào nội quy của cơ quan.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast