Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận Dự án Luật Đo lường và việc thực hiện Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Ngày 11/11 (ngày làm việc thứ 19, kỳ họp thứ 8), Quốc hội khóa XII làm việc tại tổ để thảo luận Dự án Luật Đo lường và việc thực hiện công trình trọng điểm quốc gia - Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Hoạt động đo lường giữ vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học và an ninh và quốc phòng. Trong quá trình xây dựng và phát triển ở nước ta, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đo lường đã được xây dựng, hệ thống đo lường từng bước phát triển, hoạt động đo lường đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Một trong những yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là để giảm thiểu những cản trở và loại bỏ bớt rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) thì phải có sự thống nhất đo lường của các quốc gia thành viên theo hệ đơn vị đo lường quốc tế (SI) và các quy định của các tổ chức đo lường thế giới mà Việt Nam là thành viên; đồng thời, tăng cường việc thỏa thuận, thừa nhận lẫn nhau (MRA) về đo lường.

Song trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển đất nước, chính sách, pháp luật về đo lường, hệ thống đo lường Việt Nam đã bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của người dân (đo lường trong kinh doanh xăng dầu, taxi), làm ảnh hưởng đến hoạt động đo lường.

Hầu hết các đại biểu đều thống nhất với Tờ trình của Chính phủ khi cho rằng, việc ban hành Luật Đo lường là rất cần thiết nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm hoạt động đo lường, từng bước thống nhất và chính xác, góp phần bảo đảm công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tham gia góp ý vấn đề này, đại biểu Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng: về tên gọi của Luật, đề nghị ban soạn thảo nên có sự điều chỉnh để thể hiện hết nội hàm của luật; thứ nữa là cần phải thống nhất đơn vị đo lường của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn đo lường quốc tế, đồng thời tránh sự sai phạm trong quá trình đo lường. Vấn đề quan trọng nhất của Dự thảo Luật này là đơn vị đo nhưng vẫn chưa thấy đề cập rõ trong luật; một số khái niệm còn mang tính hàn lâm, người dân khó có thể hiểu hết nội hàm của Luật. Đề nghị ban soạn thảo nên quy định rõ, cụ thể hơn những vấn đề này trong Luật.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị, để đảm bảo tính thống nhất và chính xác của đo lường, cần làm rõ các loại đơn vị đo gồm đơn vị đo pháp định và đơn vị đo khác, có chính sách khuyến khích sử dụng đơn vị đo pháp định; không khuyến khích, dần dần hạn chế tối đa việc sử dụng các đơn vị đo dẫn đến tranh chấp về đo lường do sử dụng các đơn vị đo lường khác nhau; hạn chế việc phình to bộ máy nhà nước khi luật này ra đời...

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục làm việc tại tổ để thảo luận dự thảo Luật Tố cáo.

Đại biểu Nguyễn Thanh Tân (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, việc ra đời của Dự thảo Luật này là hết sức cần thiết, thể hiện quan điểm đổi mới của Đảng, Nhà nước, phát huy quyền dân chủ của nhân dân, bảo vệ quyền công dân, xây dựng xã hội dân chủ, văn minh.

Đại biểu Nguyễn Thanh Tân đồng tình cao với chủ thể tố cáo là công dân như theo Dự thảo Luật vì như vậy sẽ thuận lợi cho quá trình xử lý trách nhiệm cá nhân của các cơ quan chức năng. Liên quan đến các nội dung cụ thể, đại biểu cho rằng tại điểm c, khoản 2, điều 14 (Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo) nên thay cụm từ “cố tình” thành cụm từ “cố ý” để chặt chẽ hơn, thể hiện hành vi của mình chủ động hơn; tại khoản 2, điều 23, cần tách thành một điều riêng và nêu cụ thể “nếu không ghi rõ họ tên, địa chỉ sẽ không giải quyết” vì hiện nay đã có nhiều vụ việc đã xảy ra trường hợp người tố cáo mạo danh người khác.

Một nội dung cần phải được quan tâm là vấn đề tố cáo qua điện thoại. Đề nghị ban soạn thảo cần xem xét hết sức cẩn thận trước khi đưa vào Luật vì thực tế hiện nay người tố cáo qua điện thoại phải được ghi âm, xác định giọng nói, đôi khi một người có thể dùng nhiều sim điện thoại để tố cáo, đây là điều hết sức phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao, khó khăn cho cơ quan chức năng.

Vấn đề xử lý vi phạm (điều 45), cần phải quy định rõ từng trường hợp cụ thể, nếu tố cáo sai một phần thì giải quyết như thế nào? điều này chưa được quy định trong Luật.

Hôm nay (12/11), Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận Dự thảo Luật lưu trữ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast