Quốc hội thảo luận Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi

Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi. Các ý kiến của đại biểu đồng tình với việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành đất nước hiện nay.

Quốc hội thảo luận Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi ảnh 1
Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Trà Vinh thảo luận tại tổ sáng 7/11. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Báo cáo của Chính phủ cho biết: Sau hơn 12 năm thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Chính phủ đã tập trung quản lý, điều hành vĩ mô trên các mặt của đời sống kinh tế-xã hội; từng bước xóa bỏ cơ chế chủ quản của các bộ đối với doanh nghiệp; tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công của các bộ, cơ quan ngang bộ; xây dựng nền hành chính Nhà nước thống nhất, thông suốt, liên tục và hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương.

Hệ thống chính sách, pháp luật do Chính phủ xây dựng trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành đã xác lập những khuôn khổ vĩ mô cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ giữa các lĩnh vực (kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo vệ quyền con người…).

Chính phủ đã tiến hành xây dựng và kiện toàn bộ máy hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Khắc phục những chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động của bộ máy Nhà nước. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ được sắp xếp gọn nhẹ hơn, thực hiện tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và mỗi việc, mỗi lĩnh vực chỉ giao cho một cơ quan của Chính phủ chủ trì chịu trách nhiệm chính.

Bên cạnh đó, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 và thực tế điều hành còn một số hạn chế, bất cập.

Đó là, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 chưa bao quát được hết các chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ trong quá trình điều hành hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Các quy định chưa phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chưa bao quát hết các lĩnh vực quản lý Nhà nước và chưa tương xứng với vị trí, vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất; chưa phân định rõ vị trí, chức năng của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.

Mối quan hệ giữa Chính phủ với chính quyền địa phương chưa được xác định cụ thể, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với chính quyền địa phương; chưa thực hiện tốt nguyên tắc cơ quan cấp dưới phải phục tùng sự chỉ đạo, lãnh đạo và các quyết định của cơ quan cấp trên.

Bên cạnh đó, chưa có cơ chế để Chính phủ bảo vệ các sáng kiến pháp luật hoặc các dự án luật do Chính phủ đề xuất.

Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013, bước phát triển mới trong quá trình lập hiến đã có nhiều quy định mới về Chính phủ và các thiết chế tổ chức quyền lực Nhà nước.

Thảo luận về dự án Luật tổ chức Chính phủ với quy định của dự thảo luật về thẩm quyền của Thủ tướng trong việc đình chỉ, cách chức Chủ tịch UBND cấp dưới, đại biểu Ngô Văn Minh (tỉnh Quảng Nam) cho rằng cần làm rõ thêm quy định Thủ tướng có quyền đề nghị HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đình chỉ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chứ không chỉ có thẩm quyền đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đình chỉ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo.

Đại biểu Minh cũng kiến nghị giao Chính phủ xác định tiêu chí cụ thể đối với việc chia tách, sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính. Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tách nhập đơn vị hành chính theo quy định mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị làm rõ khái niệm của Ủy ban nhân dân và Ủy ban hành chính trong luật bởi Ủy ban hành chính làm việc theo chế độ thủ trưởng còn Ủy ban nhân dân làm việc theo chế độ tập thể. Đồng tình với quan điểm để Ủy ban nhân dân vẫn làm việc theo chế độ tập thể đối với những nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân.

Về tên gọi, Chủ tịch Quốc hội vẫn đề nghị là gọi Ủy ban nhân dân mặc dù nơi đó không tổ chức Hội đồng nhân dân, còn nếu địa phương có Hội đồng nhân dân thì vẫn thực hiện việc Hội đồng nhân dân bầu Uỷ ban nhân dân như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (tỉnh Hà Tĩnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế kiến nghị, với cấp phường thuộc thành phố trực thuộc Trung ương không cần tổ chức Hội đồng nhân dân bởi cấp phường chỉ cung cấp một số dịch vụ hành chính công cơ bản mà thôi. Các công tác quản lý hành chính Nhà nước khác đều do cấp trên thực hiện như đô thị, địa chính, an ninh trật tự, cấp thoát nước, an sinh xã hội...

Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đề nghị dự thảo luật cần phản ánh hết đặc thù về thể chế chính trị Việt Nam đối với chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội hiện nay.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ nêu quan điểm: Không nên quy định cứng số lượng bộ, cơ quan ngang bộ. Bởi nhiều bộ không hợp lắm nhưng vẫn gộp vào. Vì vậy “linh hoạt ra sao, ghép như thế nào” thì Chính phủ trong thời gian tới nên nghiên cứu và chỉnh sửa lại.

Đồng quan điểm, sau khi chỉ ra thực tế chúng ta có đến 23 Ban chỉ đạo Nhà nước, các bộ làm không hết chức năng nên đẩy lên Thủ tướng để giải quyết, đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) cho rằng một việc chỉ giải quyết ở một cấp. Ví dụ giáo dục cấp xã chỉ quản lý ở cấp mầm non; tiểu học, THCS và PHTH là cấp huyện; còn đại học là cấp tỉnh hoặc Trung ương chứ không phải cấp tỉnh đi quản lý mầm non. Giải quyết ở một cấp chính quyền sẽ xử lý được nhiều vấn đề đang bất cập hiện nay.

Theo VGP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast