Quốc hội thông qua 1 Nghị quyết và 2 Luật

Chiều 17/11, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Khoáng sản sửa đổi và Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.

Với 82,35% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, với nhiều quy định cụ thể về quyền của người tiêu dùng, các hành vi bị cấm, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Người tiêu dùng được khởi kiện để bảo vệ quyền lợi

Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Quốc hội thông qua 2 Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2011
Quốc hội thông qua 2 Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2011

Về quyền của người tiêu dùng, Luật xác định người tiêu dùng được bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin khác về hàng hóa, dịch vụ.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng được tham gia và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả… mà tổ chức, cá nhân đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Đặc biệt, tạo hành lang pháp lý cho người tiêu dùng được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình, trong đó người tiêu dùng có quyền khởi kiện ra Tòa án để được giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, đồng thời Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật cũng quy định 8 nhóm hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác…

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.

Xóa bỏ tình trạng xin-cho trong khai thác khoáng sản

Với 79,31% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.

Một trong những nội dung quan trọng được quy định chặt chẽ trong luật là đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Luật Khoáng sản sửa đổi lần này. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để xóa bỏ tình trạng xin - cho trong khai thác khoáng sản, Luật đã có sự thay đổi cơ bản so với Luật hiện hành là thực hiện cơ chế quản lý Nhà nước về khoáng sản phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Theo đó, Luật Khoáng sản sửa đổi quy định việc cấp quyền khai thác khoáng sản phải được thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo đảm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, xóa bỏ tình trạng xin - cho dễ nảy sinh tiêu cực.

Đối với trường hợp cấp quyền khai thác không thông qua đấu giá, Luật quy định chỉ được tiến hành ở khu vực khoáng sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở quy định các tiêu chí để xem xét cụ thể.

Như vậy, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện cả ở khu vực hoạt động khoáng sản nhưng chưa thăm dò khoáng sản và khu vực đã thăm dò khoáng sản.

Đối với quyền thăm dò khoáng sản là hoạt động cần khuyến khích, lại có nhiều rủi ro nên áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở các tiêu chuẩn cụ thể do Chính phủ quy định.

Cũng trong chiều 17/11, với 83,16% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast