Quốc hội thông qua Nghị quyết về Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2011

Ngày 10/11 (ngày làm việc thứ 18, kỳ họp thứ 8), Quốc hội khóa XII làm việc tại hội trường để thông qua Nghị quyết về Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2011 và nghe các lãnh đạo các Bộ, ngành trình bày một số dự án Luật.

Theo Nghị quyết, năm 2011, tổng thu Ngân sách Nhà nước là 595 ngàn tỷ đồng (tương đương 26,2% GDP trong nước), nếu tính cả 10 ngàn tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2010 sang năm 2011 thì tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 605 ngàn tỷ đồng; tổng chi Ngân sách Nhà nước là 725,6 ngàn tỷ đồng, mức bội chi 120,6 ngàn tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP.

Nghị quyết cũng tán thành các nhóm giải pháp thực hiện của Chính phủ về thực hiện dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2011, trong đó tập trung thực hiện chính sách tài khóa thận trọng, kiểm soát chặt chẽ thu, chi Ngân sách Nhà nước; rà soát sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư, đầu tư đồng bộ, tập trung bố trí vốn cho các dự án công trình trọng điểm, cấp bách, hoàn thành trong năm 2011-2012, nhất là tại các địa phương nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có thể tham gia.

Việc bố trí 143,4 ngàn tỷ đồng Dự toán chi Ngân sách Nhà nước năm 2011 tập trung thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, như: điều chỉnh chuẩn nghèo, thực hiện chế độ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi; tăng chi đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; cải cách tiền lương (điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 730 ngàn đồng/tháng lên 830 ngàn đồng/ tháng, lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công bằng tốc độ tăng lương tối thiểu, bắt đầu từ ngày 1/5/2011)...

Liên quan tới huy động vốn, Nghị quyết thông qua việc phát hành 45 ngàn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011 để đầu tư các dự án, công trình trong danh mục do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc huy động vốn trái phiếu Chính phủ là cần thiết để tăng khả năng đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, thủy lợi. Trong các năm qua, do việc mở rộng mục tiêu, tăng cường cơ sở hạ tầng nên nhiều công trình, dự án đang triển khai cần bổ sung kinh phí, phát hành trái phiếu là một kênh huy động vốn trong xã hội, góp phần giảm lạm phát.

Tuy nhiên vì là nguồn đi vay nên Chính phủ cần có kế hoạch, cần đến đâu phát hành đến đó, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, có kế hoạch hợp lý trả nợ gốc và lãi hằng năm, quản lý vốn trái phiếu chính phủ đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Đồng thời khắc phục tình trạng tạm ứng vốn quá lớn, thời gian tạm ứng vốn quá dài, quản lý chặt chẽ việc huy động vốn của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Nghị quyết cũng thông qua 15 Chương trình mục tiêu quốc gia theo đề nghị của Chính phủ. Đây là những chương trình mang tính cấp bách có ý nghĩa chính trị, xã hội. Quốc hội yêu cầu Chính phủ xây dựng tiêu chí, định mức và phương án phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện; phân giao cho các Bộ, ngành, địa phương trước ngày 31/1/2011.

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường để nghe Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật tố cáo; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Văn Thuận của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật tố cáo; Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật kiểm toán độc lập; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật kiểm toán độc lập; Bộ trưởng Bộ nội vụ Trần Văn Tuấn, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật lưu trữ; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật lưu trữ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast