Sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống

Từ 1/7/2014, Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều điểm mới, vừa được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Mạnh Hiển (ảnh) xung quanh việc triển khai, sớm đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển

´Bộ TN&MT đã và sẽ triển khai những công việc gì để đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống, thưa Thứ trưởng?

Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2014, do đó, để những quy định mới sớm đi vào cuộc sống, Bộ TN&MT đã triển khai nhiều hoạt động. Bộ đã tổ chức các hội nghị trên ba miền để phổ biến các nội dung đổi mới về Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời, giao cho nhà xuất bản phát hành các cuốn sách về luật để làm cơ sở cho các địa phương tuyên truyền sâu rộng tới các cấp và người dân. Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ chỉ thị chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện để triển khai thi hành luật. Bộ TN&MT cũng sẽ khẩn trương hoàn thiện các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) gồm các dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, dự thảo Nghị định quy định phương pháp xác định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; gửi lấy ý kiến các Bộ ngành địa phương.

Dự kiến trong tháng 4/2014, Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ xem xét, kịp thời ban hành các văn bản nêu trên, để đảm bảo luật sớm đi vào cuộc sống và tạo thành hành lang pháp lý đồng bộ, hiệu quả cho công tác quản lý đất đai.

´Những điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) có giải quyết được những khó khăn bất cập liên quan tới thu hồi đất, định giá đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư hiện nay không, thưa Thứ trưởng?

Vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được đánh giá là phức tạp, nhạy cảm, được nhân dân và các đại biểu Quốc hội quan tâm. Quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai đã chỉ ra những hạn chế trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư như: Giá đất bồi thường còn thấp so với giá đất thị trường; các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thường xuyên thay đổi dẫn tới tình trạng so bì, khiếu nại của người có đất bị thu hồi qua các dự án hoặc trong một dự án nhưng thực hiện thu hồi đất qua nhiều năm; việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn bất cập, chưa có cơ chế giải quyết một cách rõ ràng, minh bạch, hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư; nhiều địa phương chưa coi trọng việc lập khu tái định cư chung cho các dự án tại địa bàn, một số khu tái định cư đã được lập nhưng chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ…

Luật Đất đai (sửa đổi) đã kế thừa các quy định phù hợp với thực tiễn và đồng thời giải quyết những tồn tại đặt ra trong thực tiễn. So với Luật Đất đai hiện hành, Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm đổi mới quan trọng liên quan đến công tác này. Cụ thể, giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất mà áp dụng mức giá cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất; quy định cụ thể điều kiện được bồi thường về đất, bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, bồi thường tài sản gắn liền với đất; quan tâm hơn đến đảm bảo sinh kế cho người có đất thu hồi thông qua quy định các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất như hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm, hỗ trợ tái định cư; quy định trách nhiệm trong việc lập các khu tái định bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền; quy định quyền tham gia của người dân trong quá trình lập và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư...

Tôi cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, giải quyết căn bản các vấn đề tồn tại hiện nay trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

´Một trong những vấn đề người dân đặc biệt quan tâm là những điểm mới về vấn đề định giá đất và khung giá đất được quy định tại dự thảo Nghị định quy định phương pháp định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất, xin Thứ trưởng nói rõ hơn về vấn đề này?

Như chúng ta đã biết, Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm đổi mới về giá đất, bao gồm nguyên tắc định giá đất, xây dựng khung giá đất, bảng giá đất và định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất. Đồng thời, luật giao Chính phủ quy định cụ thể về phương pháp định giá đất, xây dựng khung giá đất, bảng giá đất, định giá đất cụ thể và hoạt động tư vấn xác định giá đất.

Những nội dung trong dự thảo Nghị định về giá đất được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định trước đây, nhưng bổ sung hoàn thiện, rõ ràng và chi tiết hơn. Bảng giá đất, khung giá quy định chi tiết hơn và phù hợp với đặc điểm từng vùng miền của đất nước. Đặc biệt, lần này Nghị định quy định nguyên tắc hoạt động tư vấn định giá đất, tiêu chuẩn định giá viên, trong đó quy định về việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá đất nhằm bảo đảm nâng cao năng lực của định giá viên, tổ chức có chức năng tư vấn giá đất.

´Theo Thứ trưởng, những đổi mới cơ bản của Luật Đất đai (sửa đổi) có xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng đất lãng phí, sai mục đích, dự án treo hiện nay không?

Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung chế tài xử lý theo hướng chủ đầu tư được tiếp tục được gia hạn thêm 24 tháng; trong thời gian này chủ đầu tư phải nộp thêm một khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian này. Sau đó, nếu vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi đất và không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Đồng thời, luật cũng đưa ra các quy định để ngăn ngừa phát sinh mới các trường hợp dự án chậm triển khai, để lãng phí đất đai như: Quy định việc giao thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm để đảm bảo phù hợp với khả năng đầu tư và huy động nguồn lực của địa phương. Quy định điều kiện để được giao đất cho thuê đất bao gồm như chủ đầu tư phải có năng lực tài chính để đảm bảo việc sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư; phải ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm các quy định của pháp luật đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác. Các quy định này nếu triển khai tốt trong thực tiễn sẽ hạn chế được tình trạng sử dụng đất sai mục đích, lãng phí đất đai hiện nay.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Thu Trang (thực hiện)

Nguồn: baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast