Sự lãnh đạo của Đảng - yếu tố quyết định đến Đại thắng mùa Xuân

(Baohatinh.vn) - Đại thắng mùa Xuân 1975 là kết quả của sức mạnh trí tuệ Việt Nam, của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và đường lối lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta...

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp, với cả thuận lợi và không ít khó khăn. Kẻ thù của ta lại là một đế quốc có sức mạnh kinh tế, quân sự hàng đầu thế giới, âm mưu của chúng là chiếm miền Nam, tiến tới xâm chiếm cả nước ta. Trước tình hình đó, Đảng ta đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.

su lanh dao cua dang yeu to quyet dinh den dai thang mua xuan

Xe tăng quân Giải phóng tiến qua cổng sắt đánh chiếm Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch. Ảnh: TTXVN

Tháng 9/1960, Đại hội lần thứ III của Đảng khẳng định: “Tiến hành cuộc cách mạng XHCN ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự nghiệp phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà”; “đồng bào ta ở miền Nam có nhiệm vụ trực tiếp đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng để giải phóng miền Nam”, đồng thời, góp phần bảo vệ miền Bắc và tạo điều kiện thuận lợi cho miền Bắc xây dựng CNXH.

Từ trong đường lối chung đó, Đảng ta đề ra nghệ thuật của cuộc kháng chiến là tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; thắng địch từng bước, quân sự, chính trị song song trên 3 vùng chiến lược, kết hợp nhiệm vụ giải phóng dân tộc với nghĩa vụ quốc tế, đánh Mỹ, nhưng phải bảo vệ hậu phương chiến lược miền Bắc và phe XHCN.

Sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng của mọi thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nền tảng đó đã giáo dục, động viên toàn dân tộc đoàn kết thống nhất, phát huy cao độ nội lực, tự nguyện kháng chiến chống giặc ngoại xâm, diệt trừ nội phản, vì một lẽ sống còn: độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đường lối đúng đắn đã tạo ra sức mạnh của hậu phương miền Bắc XHCN và hậu phương tại chỗ miền Nam, huy động được sức mạnh quốc tế kết hợp với sức mạnh dân tộc thành sức mạnh tổng hợp để chiến thắng giặc Mỹ. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế và thời đại là một yếu tố mà nếu thiếu nó thì cuộc kháng chiến của nhân dân ta sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Chính trên nền tảng ấy mà Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân, toàn quân nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, đánh bại địch từng bước, đẩy lùi chúng từng phần để tạo ra những thời cơ mới có lợi cho cuộc kháng chiến.

Sau Hiệp định Pa-ri (tháng 1/1973), Mỹ rút quân khỏi miền Nam, cục diện chiến trường, so sánh lực lượng giữa ta và địch có sự thay đổi lớn. Đảng ta chủ trương tiếp tục cuộc tiến công, đánh chiếm Thượng Đức (Quảng Nam) và Phước Long, qua đó, rèn luyện bộ đội ta, thử sức quân chủ lực ngụy, thăm dò thái độ của Mỹ khi ta đánh lớn. Cuộc tiến công Thượng Đức và Phước Long thắng lớn, tạo ra thời cơ mới, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định nắm lấy thời cơ tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975, 1976; mở đầu đánh ở Tây Nguyên, mục tiêu then chốt là Buôn Ma Thuột.

Nhờ quyết định và hành động đúng thời cơ, ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột - trung tâm chính trị, quân sự của Mỹ - ngụy ở cao nguyên Trung Phần. Sau đòn điểm “đúng huyệt”, quân ta tiếp tục tiến công địch giải phóng tỉnh Đắk Lắk. Ngụy quyền, ngụy quân Sài Gòn hoang mang, dao động cực độ, vội vã rút chạy khỏi Tây Nguyên, mở đầu bước suy sụp mới.

Nhận thấy thời cơ đã đến, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định bổ sung phương án giải phóng miền Nam trong năm 1975 thay cho phương án giải phóng miền Nam trong 2 năm và ra lệnh tiến công Huế, Đà Nẵng. Ngày 25/3, sau khi giải phóng Huế và nhiều địa phương khác, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa 1975. Biến quyết tâm của Đảng thành hiện thực, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, quân và dân ta liên tục tiến công và nổi dậy, dải đất miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Tây Nguyên sạch bóng quân thù, làm thay đổi hẳn cán cân lực lượng chiến lược hoàn toàn có lợi cho cách mạng miền Nam.

Nhận thấy thời điểm mở cuộc Tổng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch đã chín muồi, Đảng ta hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn - Gia Định trong thời gian sớm nhất. Thực hiện quyết tâm của Đảng, quân ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng loạt tiến công vào Sài Gòn, phối hợp với quần chúng nhân dân nổi dậy. 11h30’ ngày 30/4, ta làm chủ các mục tiêu và cắm cờ chiến thắng lên Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện; miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Có thể nói, Đảng giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định và chỉ đạo thực hiện đường lối cách mạng là một trong những nguồn gốc sức mạnh, đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ta đã kết thúc toàn thắng cuộc đấu tranh gian khổ, trường kỳ, 2 miền Nam – Bắc thống nhất, non sông thu về một mối. Thắng lợi vĩ đại này khẳng định ý nghĩa, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược đúng đắn và sắc bén của Đảng đối với cách mạng Việt Nam.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast