Tâm huyết thảo luận các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII

(Baohatinh.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, sáng nay (23/1), các đại biểu tiếp tục thảo luận về các văn kiện tại hội trường. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Đoàn chủ tịch điều hành phiên thảo luận.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng điều hành phiên thảo luận

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng điều hành phiên thảo luận

Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ

Trinh bày tham luận với chủ đề: “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ”, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khẳng định, giáo dục thanh niên là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được Đảng tin cậy giao nhiệm vụ là “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”, thực hiện tốt công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi.

Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh trình bày tham luận

Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh trình bày tham luận

Với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, toàn xã hội, sự nỗ lực của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, công tác giáo dục thế hệ trẻ đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuổi trẻ Việt Nam ngày càng có môi trường, điều kiện tốt hơn để rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách. Đại bộ phận thanh thiếu nhi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước; sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân; có ước mơ, hoài bão; có kiến thức, kỹ năng, sức khỏe tốt; tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm.

Trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội, Đảng đã nhận định, trong những năm tới, tình hình thế giới sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, nhưng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra tiếp tục tồn tại.

Đoàn đại biểu tỉnh Hà Tĩnh

Đoàn đại biểu tỉnh Hà Tĩnh

Đặc biệt, nguy cơ "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp rất đáng lo ngại. Những yếu tố đó tác động mạnh mẽ đến thanh thiếu niên và đặt ra yêu cầu cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ.

Nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Đồng chí Phạm Xuân Đương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương trình bày tham luận “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2016-2020”.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Phạm Xuân Đương trình bày tham luận

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Phạm Xuân Đương trình bày tham luận

Đại biểu Phạm Xuân Đương cho rằng, qua 30 năm đổi mới, những thành tựu đạt được của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là hết sức quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại: Nền công nghiệp nước ta phát triển còn rất khiêm tốn. Cơ cấu ngành nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng cho yêu cầu của công nghiệp hóa, năng lực dự báo, tiếp cận thị trường, sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, tính tuân thủ hợp tác còn hạn chế. Chưa chú trọng tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, như công nghiệp chế tạo và công nghiệp vật liệu.

Thị trường sản xuất công nghiệp còn hạn hẹp chưa gắn với thị trường khoa học công nghệ; thị trường sản xuất vật liệu chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu vẫn là nhập khẩu, phụ thuộc phần lớn vào các thị trường bên ngoài. Do vậy, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực và sản phẩm cạnh tranh quốc gia, chưa tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất của khu vực và quốc tế; giá trị gia tăng hầu hết trong các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam đều chiếm tỷ trọng rất thấp; nguồn lực chưa được tập trung, thiếu những động lực cho công nghiệp quốc gia phát triển.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương - Phạm Xuân Đương thì cần phát huy, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng về tài nguyên, lợi thế so sánh và con người để nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tăng cường ổn định bền vững kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất lao động quốc gia và đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo. Tiến hành phân loại các nhóm chính sách công nghiệp quốc gia để hoàn thiện, bổ sung cho phù hợp và đồng bộ, nhất là nhóm chính sách cho các ngành công nghiệp nền tảng, nhóm chính sách cho các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp vật liệu, vật liệu mới, công nghiệp số và công nghiệp phần mềm…

Chiều nay, Đại hội nghe báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XII. Báo Hà Tĩnh điện tử tiếp tục cập nhật thông tin về nội dung này.

Chủ đề MỪNG ĐẢNG - MỪNG XUÂN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast